Masan Phú Quốc nói dự thảo tiêu chuẩn nước mắm bị ‘tuýt còi’… khả thi
Đại diện Công ty cổ phần Masan Phú Quốc cho biết họ đã ‘nghiên cứu rất kỹ dự thảo tiêu chuẩn nước mắm và thấy rằng nó tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế’.
Masan Phú Quốc nói dự thảo tiêu chuẩn nước mắm bị ‘tuýt còi’… khả thi
Đại diện Công ty cổ phần Masan Phú Quốc cho biết họ đã ‘nghiên cứu rất kỹ dự thảo tiêu chuẩn nước mắm và thấy rằng nó tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế’.
Dự thảo tiêu chuẩn về quy phạm sản xuất nước mắm TCVN 12607-2019 đã bị “tuýt còi”, tạm dừng thẩm định, nhưng nhiều nhà sản xuất nước mắm truyền thống vẫn chưa hết mối lo.
Tại hội nghị góp ý dự thảo tiêu chuẩn sản xuất nước mắm diễn ra ở Phú Quốc, Kiên Giang chiều 12-3 với sự tham gia của nhà quản lý, doanh nghiệp sản xuất nước mắm và các chuyên gia, nhiều ý kiến tiếp tục bày tỏ lo ngại, băn khoăn như tại sao hết asen lại đến histamine? Tại sao lại tưởng tượng các mối nguy để buộc các nhà sản xuất phải tuân thủ các quy định không phù hợp?…
Phát biểu, ông Bùi Nguyễn Huy Hoàng, đại diện Công ty cổ phần MASAN Phú Quốc đã bày tỏ ủng hộ việc lấy ý kiến các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất nước mắm, để quy định sát với thực tế. Quan trọng là có sự đồng thuận cao giữa các doanh nghiệp.
“Dự thảo này chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ và thấy rằng nó tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và Codex, nhằm hướng tới tiềm năng sản xuất ngày càng lớn hơn. Điều gì chưa rõ thì cần nên làm rõ. Bằng kinh nghiệm nhiều năm trong ngành, chúng tôi tin rằng tiêu chuẩn này là khả thi”.
Tuy nhiên, ý kiến này lập tức bị phản ứng. Ông Triệu Quốc Trị, cơ sở nước mắm Quốc Vị (Phú Quốc), cho rằng: “Nếu khả thi thì chúng tôi đâu có bức xúc, dự thảo đâu phải dừng lại”. Ông Trị cho rằng nên “trả lại tên” cho nước mắm truyền thống là nước mắm, còn nước mắm pha chế hay dịch đạm chỉ có thể gọi là nước chấm.
Bà Hồ Kim Liên, chủ tịch Hội Sản xuất nước mắm huyện Phú Quốc, khẳng định hội chưa hề nhận được bất kỳ bản dự thảo nào từ các đơn vị soạn thảo TCVN 12607-2019.
Bà Liên cho biết trước đó bà có được mời vào ban soạn thảo bản dự thảo, cũng có nhiều ý kiến thẳng thắn về nhiều điểm chưa phù hợp. Tuy nhiên, khi đọc lại bản cuối cùng thì bà… chưng hửng vì nó xa lạ với những gì bà được biết và góp ý.
Ông Huỳnh Quang Hưng đưa ra bản chứng nhận của Liên minh châu Âu (EU) chứng nhận tên gọi xuất xứ “Phú Quốc” cho sản phẩm nước mắm Việt Nam, đây là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được EU cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Nếu dự thảo TCVN 12607-2019 được ban hành, nguy cơ nước mắm truyền thống bị mai một, “khi đó bản chứng nhận này có còn ý nghĩa nữa không?” – ông Hưng hỏi.
Ông Trương Tiến Dũng (phó chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM):
Sẽ phụ thuộc vào doanh nghiệp pha chế?
Nếu tiêu chuẩn này ban hành sẽ triệt tiêu hết nghề sản xuất nước mắm Việt Nam. Hàm ý của TCVN có thể biến nghề nước mắm Việt Nam phụ thuộc vào các doanh nghiệp sản xuất nước mắm pha chế hiện nay…
Nên có tiêu chuẩn riêng cho nước mắm – nước chấm công nghiệp, không để người tiêu dùng lẫn lộn giữa nước mắm thật là nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp, hay còn gọi là nước chấm.