23/12/2024

Quy chế tuyển sinh đại học chỉ có 2 điểm mới

Được tư vấn cặn kẽ tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp năm 2019 ở Cần Thơ ngày 10-3, nhều học sinh cho biết đã yên tâm để chuẩn bị bước vào kỳ thi lớn và tự tin hơn khi chọn ngành nghề mình yêu thích.

 

Quy chế tuyển sinh đại học chỉ có 2 điểm mới

Được tư vấn cặn kẽ tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp năm 2019 ở Cần Thơ ngày 10-3, nhều học sinh cho biết đã yên tâm để chuẩn bị bước vào kỳ thi lớn và tự tin hơn khi chọn ngành nghề mình yêu thích.

 

 

 

Quy chế tuyển sinh đại học chỉ có 2 điểm mới - Ảnh 1.

Hơn 30.000 học sinh các tỉnh ĐBSCL đã đến với ngày hội – Ảnh: CHÍ QUỐC

Hơn 30.000 học sinh các tỉnh ĐBSCL đã tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp năm 2019 tại Cần Thơ ngày 10-3. Phần lớn học sinh cho biết sau khi rời ngày hội đã yên tâm để chuẩn bị bước vào kỳ thi lớn và tự tin hơn khi chọn ngành nghề mình yêu thích.

Ngày hội do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), Sở GD-ĐT Cần Thơ và Trường ĐH Cần Thơ phối hợp tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup. 

Những điểm mới của quy chế thi và tuyển sinh ĐH

Tại ngày hội, TS Nguyễn Thị Kim Phụng – vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH – cho hay Bộ GD-ĐT đã công bố đề thi minh họa, quy chế thi, quy chế tuyển sinh ĐH sửa đổi. Quy chế thi và tuyển sinh chỉ có một số điều chỉnh chủ yếu trong công tác thi, tuyển sinh. Những sửa đổi này là những sửa đổi nhỏ không làm mất đi sự ổn định của kỳ thi, tuyển sinh, chủ yếu để kỳ thi và công tác tuyển sinh được tốt hơn, đáp ứng yêu cầu của thí sinh, phụ huynh.

Theo đó, đề thi năm nay chủ yếu nằm trong khối kiến thức lớp 12 và rất giống với đề thi minh họa đã được bộ công bố. Tỉ lệ điểm xét tốt nghiệp với điểm thi THPT quốc gia chiếm tỉ lệ 70% và điểm xét học bạ chiếm 30%.

Quy chế tuyển sinh đại học chỉ có 2 điểm mới - Ảnh 2.

TS Nguyễn Thị Kim Phụng, vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục – đào tạo), thông tin chung về kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2019 – Ảnh: CHÍ QUỐC

“Vì đây là kỳ thi quốc gia để cấp bằng tốt nghiệp THPT nên tỉ lệ điểm thi cao hơn chứ không phụ thuộc nhiều vào điểm học bạ có thể có sự khác nhau ở từng trường, từng vùng”, bà Phụng lý giải về sự thay đổi này.

Một điểm mới nữa là những thí sinh có bằng trung cấp nghề sẽ được ưu tiên tuyển ĐH. Thí sinh tự do sẽ thi chung với học sinh THPT chứ không thi riêng như trước. Thí sinh có nhu cầu phúc khảo thì sau phúc khảo, nếu điểm thi thay đổi, thí sinh cần đến nơi cấp giấy chứng nhận kết quả thi để đổi giấy báo điểm khác theo kết quả mới.

Quy chế tuyển sinh chỉ có hai điểm mới: năm nay khối ngành sức khỏe áp dụng quy định điểm sàn với hai loại dành cho thí sinh đăng ký xét tuyển vào chỉ tiêu xét từ kết quả thi THPT, sẽ được Bộ GD-ĐT công bố sau khi có kết quả thi THPT quốc gia và điểm sàn cho thí sinh đăng ký theo kết quả học bạ được quy định trong quy chế tuyển sinh.

Đầu vào khối ngành sức khỏe như: y khoa, răng hàm mặt, y học cổ truyền, dược học xét bằng học bạ phải có học lực loại giỏi; các ngành có cấp chứng chỉ hành nghề (điều dưỡng, hộ sinh, xét nghiệm…) phải có điểm trung bình cộng xét tuyển kết quả học tập THPT loại khá trở lên.

“Thông tin phải tốt nghiệp khá giỏi mới được đăng ký xét tuyển khối ngành sức khỏe là không chính xác. Đối với phương thức xét tuyển bằng học bạ mới áp dụng quy định này.

Theo khảo sát của chúng tôi, các trường đào tạo khối ngành sức khỏe trên cả nước sử dụng khoảng 80% chỉ tiêu từ điểm thi THPT quốc gia, đặc biệt các trường tốp đầu không xét tuyển bằng học bạ. Vì vậy, các em học lệch, không có học lực giỏi không nên lo lắng, chỉ cần thi đạt kết quả thật tốt”, TS Phụng trấn an.

 

Điểm mới thứ hai: khi thí sinh đã trúng tuyển vào trường nào đó và xác nhận nhập học phải nộp bản chính giấy chứng nhận điểm thi. Nếu nộp bản sao hoặc giữ lại bản sao để xét tuyển tiếp vào trường khác sẽ không có giá trị.

Tín hiệu tốt từ nhóm ngành kinh tế

Bạn Nguyễn Ngọc Diễm Hằng (học sinh Trường THPT Châu Văn Liêm, Cần Thơ) băn khoăn: “Gia đình em tư vấn khối ngành kinh tế hiện khó kiếm việc làm, trong khi em thích ngành marketing Trường ĐH Cần Thơ. Không biết cơ hội việc làm ngành này ra sao?”.

PGS.TS Trần Thị Thanh Hiền – phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ – cho biết ngành marketing nằm trong nhóm ngành kinh tế, đào tạo kiến thức liên quan tới việc giới thiệu sản phẩm, nghiên cứu thị trường, điều hành sản xuất kinh doanh, tiếp thị… Hằng năm, ngành marketing Trường ĐH Cần Thơ tuyển 100-120 chỉ tiêu với điểm chuẩn khoảng 21 điểm”.

ThS Hứa Minh Tuấn, phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – marketing, tư vấn thêm hiện nay khối ngành kinh tế cơ hội việc làm ít. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta trong những năm gần đây khá tốt. Đây là tín hiệu cho thấy nhóm ngành kinh tế sẽ tiếp tục phát triển. Riêng ngành marketing có nhiều chuyên ngành như tổ chức sự kiện, quản trị thương hiệu, truyền thông marketing…

Tư vấn chung cho nhiều học sinh đến từ Bạc Liêu quan tâm đến ngành quản trị kinh doanh, TS Trần Thế Hoàng – chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH Kinh tế TP.HCM – cho biết hiện có rất nhiều trường ĐH đào tạo ngành học này. Nếu yêu thích chọn ngành này, thí sinh cần cân nhắc chọn trường cho phù hợp với sức học và điều kiện kinh tế gia đình.

“Nếu một người học quản trị kinh doanh tốt, kỹ năng tốt, ngoại ngữ tốt sẽ không lo chuyện việc làm. Chính sinh viên tạo ra cơ hội việc làm cho mình. Như vậy sẽ không có khái niệm nhà trường hỗ trợ xin việc cho sinh viên sau khi ra trường. Các bạn đừng có suy nghĩ học ở trường tỉnh thua thiệt so với học ở thành phố. Nhiều sinh viên giỏi kiến thức, giỏi kỹ năng đã có việc làm ngay từ năm thứ ba”, thầy Hoàng nói.

Thí sinh “chất vấn” vụ trưởng

Trong buổi tư vấn tại ngày hội, bạn Lê Văn Đức (Trường THPT Phú Tân, Cà Mau) trực tiếp chất vấn đại diện Bộ GD-ĐT đã thu hút sự chú ý của nhiều người và nhận tràng vỗ tay lớn: “Mỗi năm Bộ GD-ĐT đều có những thay đổi trong thi cử khiến giáo viên và học sinh đều phải loay hoay. Khi nào bộ mới đưa ra kỳ thi ổn định? Việc liên tục thay đổi như vậy thì chất lượng tuyển sinh có giảm hay không, nhất là đối với các trường xét tuyển bằng học bạ?”.

Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Phụng hỏi lại: “Em cho biết thay đổi nào trong năm nay làm cho thí sinh loay hoay?”. Bạn Đức trả lời: “Năm 2016 thí sinh tỉnh Cà Mau không thi môn tiếng Anh, nhưng năm sau lại có thi và năm sau nữa lại bỏ. Việc thay đổi như vậy khiến học sinh rất rối trong việc học”.

Về vấn đề này, TS Phụng khẳng định quy chế thi và tuyển sinh trong những năm qua chỉ thay đổi nhỏ từ yêu cầu thực tế để tổ chức thi và tuyển sinh tốt hơn. Năm 2017 đến nay bộ đã công bố thi và tuyển sinh ổn định đến năm 2020.

Theo thông tin từ Cục Quản lý chất lượng, từ năm 2017 đến nay ngoại ngữ là 1 trong 3 môn thi bắt buộc với học sinh chương trình giáo dục phổ thông để xét tốt nghiệp, không phân biệt địa phương, vùng miền; học sinh giáo dục thường xuyên không phải thi ngoại ngữ để xét tốt nghiệp nhưng có thể thi để xét tuyển sinh.

“Có lẽ trước năm 2017, để xét tốt nghiệp, môn ngoại ngữ ở một số địa phương có điều kiện khó khăn trong dạy học thì học sinh được chọn môn thay thế”, bà Phụng giải thích.

 

TRẦN HUỲNH