25/12/2024

Thấy gì từ kỳ họp lưỡng hội Trung Quốc?

Đây cũng là dịp để Đảng Cộng sản thông qua kỳ họp lưỡng hội để thông báo các chính sách cũng như thay đổi nhân sự quan trọng trong năm.

 

Thấy gì từ kỳ họp lưỡng hội Trung Quốc?

Đây cũng là dịp để Đảng Cộng sản thông qua kỳ họp lưỡng hội để thông báo các chính sách cũng như thay đổi nhân sự quan trọng trong năm.


Thấy gì từ kỳ họp lưỡng hội Trung Quốc? - Ảnh 1.

Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Lý Khắc Cường trong phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội Trung Quốc ở Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh ngày 5-3 – Ảnh: Reuters

Kỳ họp lưỡng hội Trung Quốc, bao gồm kỳ họp Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) và Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc (Mặt trận Tổ quốc), khai mạc vào tháng 3 hằng năm thường được coi là hàn vũ biểu quan trọng về chính sách Trung Quốc trong năm.

24 lần đề cập “nguy cơ”

Năm 2019, kỳ họp lưỡng hội mang ý nghĩa biểu tượng khi đánh dấu kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, nhưng nội dung của nó bị bao phủ bởi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và nền kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu giảm sút khi xuất khẩu trong tháng 2 giảm 20%.

Chính vì vậy, kỳ họp lập pháp năm 2019 dự kiến kéo dài trong 10 ngày, từ ngày 5 đến 15-3, là cơ hội để các nhà quan sát nhìn vào các báo cáo chính sách của chính phủ và ngân sách trong năm của Trung Quốc. 

Bản báo cáo của Thủ tướng Lý Khắc Cường trước Quốc hội cho thấy hai sắc thái khác nhau của chính quyền Trung Quốc trong năm 2019: vừa mang tính mềm dẻo để đáp ứng thực tế, vừa muốn thể hiện tính nguyên tắc của mình.

Điều đáng chú ý đầu tiên là mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2019 xuống mức thấp nhất trong vòng 30 năm qua, từ 6-6,5%. 

Đưa ra khoảng mục tiêu tăng trưởng dao động từ 6% đến 6,5%, thay vì một con số cố định như các năm trước, thể hiện chính quyền Trung Quốc không thể dự đoán được những rủi ro bất định cho nền kinh tế trong thời gian sắp tới, khi vấn đề thương mại với Mỹ vẫn chưa được giải quyết và những ảnh hưởng tiêu cực của chiến tranh thương mại lên các nhà sản xuất và đầu tư.

Ông Lý đề cập từ “nguy cơ” tới 24 lần trong bản báo cáo dài gần 100 phút của mình. Để giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực lên các nhà sản xuất, Chính phủ Trung Quốc đã cắt giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 16% còn 13%, và cắt giảm thuế đối với các công ty xây dựng và vận chuyển từ 10% còn 9%.

Tổng giá trị cắt giảm thuế trị giá khoảng 194 tỉ USD trong năm 2019 theo dự toán làm tăng thâm thủng ngân sách của Trung Quốc lên 2,8% so với 2,6% của năm ngoái nhưng theo ông Lý, điều này cần thiết để đảm bảo tăng trưởng kinh tế và các điều chỉnh mang tính cấu trúc ổn định. 

Đây cũng là chỉ dấu rằng các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh đã sẵn sàng cho quá trình giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc trong thời gian sắp tới.

Phớt lờ ”Made in China 2025″

Những mục tiêu tham vọng của kế hoạch Made in China 2025 – vốn bị Mỹ và các quốc gia đồng minh cáo buộc về cưỡng ép chuyển giao công nghệ, ăn cắp công nghệ và trợ giá của Chính phủ Trung Quốc cho các công ty mũi nhọn – đã tránh được đề cập trong bản báo cáo này.

Kế hoạch trên ra đời vào năm 2015 và liên tục được đề cập vào các năm sau đó nhưng trong bản báo cáo trước Quốc hội năm nay, Thủ tướng Lý Khắc Cường không nhắc tới “Made in China 2025” mà thay vào đó, ông sử dụng các cụm từ như “nâng cấp công nghệ chế tạo” và “tăng trưởng chất lượng cao”.

Điều đó không có nghĩa là Trung Quốc từ bỏ kế hoạch dẫn đầu thế giới về các ngành công nghệ cao. Ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học và công nghệ cho năm 2019 đã thể hiện điều đó khi tăng 13,4% so với năm 2018, đạt mốc gần 53 tỉ USD.

Chính quyền Trung Quốc năm nay có vẻ muốn tạo nhẹ nhàng hơn trong các vỏ bọc tham vọng của mình. Rút kinh nghiệm với các dự án tham vọng được khuếch trương ầm ĩ bị phương Tây chú ý săm soi quá nhiều, Trung Quốc hiện tại muốn né sự chú ý khi tránh đề cập đến Made in 2025 trong báo cáo trước Quốc hội năm nay.

Có vẻ để làm hài lòng những yêu cầu của Mỹ trong các cuộc đàm phán thương mại trước đó, các nhà lập pháp Trung Quốc kỳ này cũng sẽ thảo luận dự luật đầu tư nước ngoài, trong đó có điều khoản bảo vệ sở hữu trí tuệ và cấm việc cưỡng ép chuyển giao công nghệ từ các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này thể hiện Trung Quốc có ý muốn nhượng bộ Mỹ trong các tranh cãi về phạm vi “thực hành thương mại không công bằng”.

Tuy nhiên bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc lại ủng hộ cuộc chiến pháp lý của Tập đoàn viễn thông Huawei kiện chính quyền Mỹ, khi cho rằng việc chính quyền Mỹ cấm các cơ quan chính quyền mua thiết bị viễn thông của Huawei theo Đạo luật cấp thẩm quyền quốc phòng quốc gia (NDAA) là vi hiến. Bằng cách này, Chính phủ Trung Quốc cũng cho thấy họ đang dần sử dụng công cụ pháp lý để giải quyết mâu thuẫn, thay vì sử dụng sức ép chính trị để trả đũa.

Có thể nói, kỳ họp lưỡng hội năm 2019 của Trung Quốc thể hiện chính quyền khá uyển chuyển với các chính sách của mình để đáp ứng tình hình mới, nhưng họ không dễ dàng từ bỏ mục tiêu tham vọng của mình.

Khái niệm quốc phòng mơ hồ

Chi phí quốc phòng Trung Quốc năm 2019 đạt mức 177 tỉ USD, tăng 7,5%, giảm chút ít so với mức tăng trưởng 8,1% của năm ngoái, dành tập trung cho hiện đại hoá quân đội và tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Một điểm đáng chú ý trong bản báo cáo của ông Lý Khắc Cường là quân đội không chỉ là lực lượng “bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh Trung Quốc” mà còn bảo vệ “lợi ích phát triển” của Trung Quốc.

Đây là một khái niệm khá rộng và mơ hồ. Do đó có thể dẫn đến phạm vi can thiệp của quân đội Trung Quốc lớn hơn trong tương lai, khi Trung Quốc hiện đang có nhiều xung đột lợi ích với các quốc gia láng giềng trong khu vực.

 

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG