Ngày 8.3.2014, chiếc máy bay Boeing 777-200ER của Hãng hàng không Malaysia Airlines biến mất bí ẩn cùng 239 người trên khoang, để lại nhiều câu hỏi mà giới điều tra chưa thể giải mã.
Những giả thuyết mập mờ
Việc có quá ít thông tin khiến nhiều giả thuyết xuất hiện, nhưng không phải ai cũng đưa ra được những giải thích hợp lý cho sự mất tích của máy bay MH370.
Trong một báo cáo năm 2014, Cục An toàn giao thông Úc, cơ quan dẫn đầu cuộc tìm kiếm máy bay MH370, cho rằng có khả năng phi hành đoàn đã bị bất tỉnh do thiếu ô xy trong thời khắc cuối cùng. AFP dẫn nhận định của giới chuyên gia nêu giả thuyết các bộ phận điện tử trong máy bay có thể đã chập cháy, khiến khói tràn vào trong khoang gây bất tỉnh toàn bộ hành khách và phi hành đoàn. Chiếc máy bay sau đó bay theo cơ chế tự lái cho đến lúc cạn nhiên liệu và rơi xuống biển.
Cũng có giả thuyết cáo buộc cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah là nghi phạm chính trong vụ mất tích. Tất cả thông tin từ đời tư cho đến quan điểm chính trị hay sức khỏe tâm thần của ông Zaharie bị soi xét nhưng đều bị gia đình của phi công này bác bỏ mạnh mẽ. Theo AFP, giới chức Malaysia hồi năm 2016 tìm thấy trong máy tính của ông Zaharie chương trình mô phỏng bay, trong đó phi công cố đáp xuống một sân bay nhỏ ở một hòn đảo phía nam Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, những thông tin đó không đủ để buộc tội ông Zaharie cố tình lao máy bay xuống biển.
Ngoài ra, còn hàng loạt giả thuyết khác như chiếc máy bay đã bị không tặc kiểm soát và đưa đến một vùng xa xôi, hoặc khủng bố muốn biến chiếc máy bay thành một quả bom để lao xuống căn cứ quân sự Mỹ trên đảo san hô Diego Garcia ở Ấn Độ Dương. Tuy nhiên đến nay, giới điều tra chỉ mới xác định MH370 có thể đã rơi xuống nam Ấn Độ Dương. Hơn 30 mảnh vỡ được tìm thấy ở bờ biển các nước Đông Phi, nhưng chỉ 3 trong số đó được xác nhận là của chiếc MH370, theo Reuters.
Nỗi lòng người ở lại
|
|
Máy bay Boeing 777-200ER, chuyến bay MH370, của Malaysia Airlines chở theo toàn bộ 239 người bị mất tích vào ngày 8.3.2014 khi đang trên đường từ Kuala Lumpur sang Bắc Kinh. Các phân tích dữ liệu vệ tinh cho thấy máy bay có thể rơi xuống vùng phía nam Ấn Độ Dương. Hai cuộc tìm kiếm được triển khai, quét qua vùng biển rộng 232.000 km2 nhưng không có kết quả. 14 quốc gia và vùng lãnh thổ có người dân trên máy bay MH370, trong đó nhiều nhất là Trung Quốc (153 người).
|
|
|
Hồi tháng 7 năm ngoái, cơ quan điều tra Malaysia đưa ra báo cáo cuối cùng gần 500 trang về vụmất tích, không loại trừ khả năng đã có sự can thiệp nhằm thay đổi hành trình bay nhưng không xác định ai là người chịu trách nhiệm. Việc nhà chức trách bỏ lửng nguyên nhân vụ việc đã khiến gia đình các nạn nhân trở nên giận dữ và tuyệt vọng. “Khi bạn bè cho tôi hay tin người thân của họ qua đời, tôi cảm thấy rất ghen tị vì họ có được một cái kết. Họ được nói lời vĩnh biệt nhưng đối với chúng tôi thì chưa hề có cơ hội đó”, bà Jacquita Gonzales, vợ tiếp viên Patrick Gomes trên chuyến bay MH370, chia sẻ.
Tại Trung Quốc, thân nhân của các nạn nhân nói đã được chính quyền hứa hẹn nhiều nhưng đến nay vẫn chưa có gì khả quan, theo Đài RTL. Trong khi đó, tại Malaysia, một nhóm thân nhân cũng tiếp tục nuôi hy vọng về khả năng chính quyền khởi động lại chiến dịch tìm kiếm. “Sẽ chẳng có kết thúc cho đến khi máy bay được tìm thấy, khi chúng tôi biết chính xác điều đã xảy ra với người thân của mình”, bà Gonzales nói. Mới đây, Bộ trưởng Giao thông Malaysia Anthony Loke tuyên bố sẵn sàng xem xét khả năng tiếp tục tìm kiếm nhưng chỉ khi có được “những đầu mối đáng tin và đề xuất cụ thể”.
VY TRÂN