Một số loại thuốc nếu dùng kết hợp sẽ phản tác dụng
Mỗi một loại thuốc đều có công hiệu riêng. Khi phải dùng nhiều loại thuốc cùng một lúc cần chú ý tới sự tương tác bất lợi giữa các thuốc dùng cùng.
Một số loại thuốc nếu dùng kết hợp sẽ phản tác dụng
Dưới đây là những cặp thuốc không được dùng cùng nhau, vì sẽ gây phản tác dụng hoặc tăng tác dụng không mong muốn…
Thuốc omega-3 và thuốc chống đông
Omega-3 được chứng minh là rất tốt cho cơ thể đặc biệt tốt cho những người bị bệnh tim mạch. Tuy nhiên theo các nghiên cứu thì omega-3 có thể làm loãng máu. Nếu bạn đang dùng thuốc chống đông máu như warfarin hoặc aspirin mà dùng omega-3 (nhất là khi dùng liều cao) thì sẽ gây phản tác dụng, thậm chí nguy hiểm cho người bệnh, vì gây chảy máu. Vì vậy người bệnh cần hết sức lưu ý khi dùng thuốc. Nếu đang dùng thuốc chống đông, muốn dùng thêm bất cứ loại thuốc nào đều phải xin ý kiến của bác sĩ.
Vitamin tổng hợp và thuốc theo đơn
Vitamin tổng hợp càng chứa nhiều dưỡng chất thì rủi ro tương tác với thuốc theo đơn càng cao. Bởi các loại vitamin tổng hợp vốn chứa rất nhiều thành phần, nhiều nhãn hiệu còn cung cấp thêm nhiều chất khác trong viên vitamin như DHA, khoáng chất, chất bảo vệ hệ miễn dịch… Nếu vô tình kết hợp vitamin liều cao với thuốc theo toa (chẳng hạn như vitamin K và chất làm loãng máu hoặc thuốc sắt và thuốc điều trị bệnh lý tuyến giáp) thì sẽ rất nguy hiểm cho cơ thể.
Không dùng omega-3 cùng thuốc chống đông aspirin.
Thuốc giảm đau và thuốc chống trầm cảm
Một số loại thuốc chống trầm cảm đặc biệt là loại thuốc tái hấp thu chọn lọc serotonin – SSRI như fluoxetin, fluoxamin, sertralin, paroxetin, citalopram… có tác dụng làm tăng lượng serotonin trong synap do đó làm cải thiện rất hiệu quả trạng thái trầm cảm. Một số thuốc giảm đau có chứa tramadol hydrochloride cũng có thể có tác dụng tương tự. Do đó, khi dùng chung SSRI với tramadol thì chúng sẽ cộng hợp cùng chiều làm tăng lượng serotonin quá mức gây hội chứng serotonin. Nếu dùng liều cao hai loại thuốc này có thể gây kích động, làm nhiệt độ cơ thể cao, nhịp tim đập nhanh hơn và thở gấp.
Thuốc thông mũi đường uống và thuốc hạ huyết áp
Thuốc thông mũi, đặc biệt loại chứa pseudoephedrine làm co mạch, giúp giảm sưng và giảm chảy mũi. Tuy nhiên, loại thuốc này có thể làm co thắt các mạch máu trong cơ thể gây tăng huyết áp. Chính vì thế nó phản lại thuốc trị bệnh tăng huyết áp và nguy hiểm cho người có huyết áp cao. Do đó, nếu bệnh nhân đang sử dụng thuốc hạ huyết áp thì không nên sử dụng thuốc thông mũi cùng lúc.
Hiện nay, trong một số thuốc trị cảm cúm cũng có chứa thành phần thuốc thông mũi, nên bệnh nhân đang phải dùng thuốc hạ huyết áp cần xem kỹ thành phần thuốc trước khi sử dụng.
Thuốc trị nghẹt mũi tại chỗ và thuốc long đờm
Hiện tượng nghẹt mũi là do mạch máu của niêm mạc mũi họng giãn quá mức gây phù nề, đồng thời cũng gây tăng tiết dịch mũi, dịch mũi không chảy được ra ngoài mà chảy ngược vào trong, sẽ gây ho làm bệnh nhân rất khó chịu. Để điều trị triệu chứng này, cần dùng thuốc co mạch tại chỗ giúp co mạch máu và giảm tiết dịch mũi. Nhưng lưu ý là khi dùng thuốc co mạch này thì không được dùng thuốc long đờm.
Một trong cơ chế của thuốc long đờm là tăng tiết dịch để làm hóa lỏng đờm. Cơ chế này hoàn toàn đối kháng với thuốc làm co mạch mũi. Do đó hai thứ thuốc này hoàn toàn không thể dùng chung với nhau vì chúng làm giảm tác dụng của nhau.
Thuốc hạ cholesterol và vitamin B3 hoặc thuốc chống nấm
Vitamin B3 hay còn gọi là vitamin PP, giúp giảm lượng cholesterol, giúp ích cho quá trình tuần hoàn máu và hình thành hệ thần kinh. Nó cũng can thiệp vào quá trình tổng hợp các hormon giới tính. Bằng cách kích thích sự tổng hợp chất sừng, vitamin B3 tham gia cải thiện vẻ đẹp làn da và mái tóc. Tuy nhiên, loại thuốc bổ này có thể gây hại cho cơ bắp nếu bạn uống kết hợp với nhóm thuốc statin (thuốc hạ cholesterol). Do cả vitamin B3 và statin đều làm suy yếu cơ ở mức độ khiến bệnh nhân dễ bị chuột rút hoặc đau nhức. Nếu kết hợp hai loại thuốc này sẽ gây nhiều phản ứng như phát ban, khó tiêu, gia tăng nguy cơ gây tiêu cơ vân.
Còn fluconazole là loại thuốc chống nấm thông dụng. Việc dùng fluconazole sẽ là bình thường nếu như người bệnh không trong thời gian đang phải dùng nhóm thuốc statin để hạ cholesterol. Sự kết hợp của bộ đôi thuốc statin và fluconazole có khả năng gây yếu cơ hoặc tổn thương thận.
Kháng sinh ciprofloxacin và viên sắt
Khi bị viêm đường tiết niệu, nhất định bạn sẽ phải cần đến kháng sinh như ciprofloxacin. Kháng sinh này có thể tiêu diệt gần hết các vi khuẩn trên đường tiết niệu của bạn. Nhưng thuốc phải qua máu trước khi có tác dụng và nếu lúc này bổ sung viên sắt thì sẽ phá vỡ quy trình này vì nó chống lại sự hấp thu của kháng sinh.
Sắt làm kết tủa thuốc, nếu như dùng viên sắt liều cao thì nó có thể giảm tới 1/3 nồng độ thuốc được hấp thu vào máu. Khi nồng độ hấp thu bị giảm như vậy thì kháng sinh không còn khả năng tiêu diệt vi khuẩn. Vì vậy, nếu uống kháng sinh trị nhiễm khuẩn, tuyệt đối không được uống sắt.