24/01/2025

Thủ tướng Justin Trudeau và cái kết của ‘chính trị selfie’?

Justin Trudeau có thể mê hoặc công chúng bằng vẻ ngoài và khả năng khai thác siêu hạng vai trò của mạng xã hội, nhưng nhiều khả năng thủ tướng Canada phải trả giá vì điều ấy.

 

Thủ tướng Justin Trudeau và cái kết của ‘chính trị selfie’?

Justin Trudeau có thể mê hoặc công chúng bằng vẻ ngoài và khả năng khai thác siêu hạng vai trò của mạng xã hội, nhưng nhiều khả năng thủ tướng Canada phải trả giá vì điều ấy.


Thủ tướng Justin Trudeau và cái kết của chính trị selfie? - Ảnh 1.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau chụp ảnh “selfie” tại một sự kiện bên lề G20 – Ảnh: REUTERS

Việc Jane Philpott từ chức đã diễn tả rõ ràng về một chính quyền hỗn loạn hoàn toàn được dẫn dắt bởi một thủ tướng đáng hổ thẹn, đang điêu tàn vì bê bối và chỉ tập trung cho vận mệnh chính trị của ông ta

Andrew Scheer (người đứng đầu Đảng đối lập Bảo thủ) chỉ trích.

“Thủ tướng Justin Trudeau, về bản chất, là một mẫu người của đám đông, mẫu người hướng ngoại. Ông ấy truyền năng lượng cho người khác. Ông ta quyến rũ mọi người bằng sức hút và lòng nhiệt tình trong những tấm ảnh chụp “tự sướng” (selfie). Ông ta toát lên vẻ tự tin” – ông Lori Turnbull, giám đốc Trường quản lý công tại Đại học Dalhousie (Canada), viết trong bài báo gửi Globe and Mail ngày 5-3.

Turnbull khẳng định rằng trong khi sự tự tin hay niềm tin đóng vai trò then chốt nơi chính quyền, cụ thể là Hạ viện thì việc mất niềm tin đồng nghĩa vị thế của ông Trudeau lâm nguy.

Mất niềm tin

Tại Canada những ngày này, “niềm tin” có vẻ đang thống trị các cuộc thảo luận về chính trường. Nội các của Thủ tướng Trudeau lung lay dữ dội khi chủ tịch Ủy ban Ngân khố Canada Jane Philpott từ chức hôm 4-3.

Philpott trở thành vị bộ trưởng thứ hai của ông Trudeau rời nhiệm sở sau khi Jody Wilson-Raybould, người bạn của Philpott và từng là trưởng công tố kiêm bộ trưởng tư pháp, đã từ chức hồi tháng 2.

Đáng chú ý, Philpott trong thông báo từ chức đã thẳng thừng khẳng định hành động của mình xuất phát từ việc mất niềm tin vào chính quyền. Bà nói: “Đáng buồn là tôi đã mất niềm tin vào cách chính quyền đối mặt với vấn đề và cách thức họ đáp trả khi vấn đề nóng lên. Tôi đã kết luận rằng mình phải từ bỏ tư cách một thành viên trong nội các”.

Bà Philpott nhắc tới chính quyền của Thủ tướng Trudeau và vụ bê bối của Công ty xây dựng SNC-Lavalin. Thông tin từ Canada cho thấy dư luận và các phe đối lập cho rằng ông Trudeau dính nghi án tham nhũng, bao che để SNC-Lavalin thoát truy tố vì cáo buộc hối lộ quan chức Libya.

Theo lý giải của ông Turnbull thì trường hợp Philpott gợi lên hai vấn đề. Thứ nhất, bà là một trong những ngôi sao sáng nhất phục vụ nội các của ông Trudeau. Thứ hai, nếu các vụ từ chức thường lấy lý do rất… xã giao, ví dụ “tôi muốn dành thời gian nhiều hơn cho gia đình” thì việc bà Philpott nói thẳng như vậy chứng tỏ tình thế của đảng cầm quyền thực sự nguy cấp.

Mặt trái của mạng xã hội

Trong thời kỳ khởi đầu nhiệm kỳ thủ tướng, ông Trudeau thổi luồng gió tươi mới cho phe cánh tả tại Canada bằng việc giới thiệu một nội các đa dạng và cân bằng về mặt giới. Khi được hỏi tại sao, ông đáp: “Vì đây đã là năm 2015 rồi”. Câu trả lời này nhanh chóng được lan truyền chóng mặt khắp thế giới, hay nói như trong thế giới mạng xã hội thì đây là một dạng câu trích được “viral”, hay “gây bão mạng”. Nhưng giờ là năm 2019!

Oái oăm thay, trong khi Trudeau là bậc thầy của việc chiêu dụ đám đông, là người chứng minh rằng mạng xã hội có thể giúp người ta thắng cử thì chính mạng xã hội ngày nay lại có khả năng quay lại giết chết tham vọng chính trị của vị thủ tướng điển trai này.

Tạp chí Foreign Policy ngày 5-3 dẫn lại trường hợp của Wilson-Raybould trong cuộc điều trần mới đây, nơi bà khẳng định các quan chức cấp cao của chính phủ đã gây sức ép buộc bà bỏ cuộc điều tra chống lại SNC-Lavalin. Khi ấy, một dòng tweet của Wilson-Raybould cũng “gây bão mạng”: “Tôi xuất thân từ một gia đình mẫu quyền, và tôi là một người nói thật”.

Hiệu ứng kinh khủng của nó dĩ nhiên đã tạo áp lực cực lớn lên ông Trudeau và chính quyền. Và nó thực sự khiến một vụ bê bối hối lộ của một công ty xây dựng – nghe qua không lạ lắm, lại trở thành trọng án quốc gia.

“Nếu bạn sống bằng những tấm ảnh chụp, bạn sẽ chết bởi nó. Câu hỏi của cuộc bầu cử tiếp theo là liệu kỹ năng mạng xã hội của Trudeau có giúp ông ta chiến thắng hay không. Sức mạnh chính trị của truyền thông xã hội, dù chứa đầy cạm bẫy, vẫn rất lớn, đến nỗi một vụ bê bối đáng ra “truyền thống” như SNC-Lavalin có thể mang tầm vóc khác biệt so với những thời đại khác”, Foreign Policy viết.

Bê bối SNC-Lavalin

Trụ sở Tập đoàn SNC-Lavalin (chuyên thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) nằm tại thành phố Montreal, Canada.

SNC-Lavalin bị cáo buộc lừa đảo và tham nhũng vì dính líu khoản thanh toán gần 48 triệu USD cho lãnh đạo Chính phủ Libya vào năm 2001-2011. Nếu bị buộc tội, công ty này có thể bị loại khỏi các hợp đồng đấu thầu của Chính phủ liên bang Canada trong vòng một thập kỷ.

SNC-Lavalin từng kỳ vọng các cáo buộc đối với họ được bãi bỏ thông qua thỏa thuận hoãn truy tố (DPA). Thoả thuận DPA cho phép đình chỉ truy tố đối với doanh nghiệp trong một khoảng thời gian nếu các điều kiện nhất định được đáp ứng.

Theo Globe and Mail, tập đoàn trên đã vận động hành lang các lãnh đạo liên bang để đạt được DPA. Tuy nhiên, vào tháng 10-2018, Cơ quan Công tố Canada (PPSC) quyết định SNC-Lavalin không đủ tiêu chuẩn để được hưởng thoả thuận này.

 

NHẬT ĐĂNG