30/12/2024

Có nên kiểm soát giá sách giáo khoa?

Nhiều chuyên gia cho rằng, SGK cũng giống như gạo, như sữa nên cần phải có sự quản lý. Trong khi đó, nhiều ý kiến lại kiến nghị, nên kiểm soát giá SGK bằng cơ chế cạnh tranh thay vì sự can thiệp của nhà nước.

 

Có nên kiểm soát giá sách giáo khoa?

Nhiều chuyên gia cho rằng, SGK cũng giống như gạo, như sữa nên cần phải có sự quản lý. Trong khi đó, nhiều ý kiến lại kiến nghị, nên kiểm soát giá SGK bằng cơ chế cạnh tranh thay vì sự can thiệp của nhà nước.
 
 
 
 

Tăng giá SGK sẽ là gánh nặng cho nhiều gia đình  /// Đào Ngọc Thạch

Tăng giá SGK sẽ là gánh nặng cho nhiều gia đình  ĐÀO NGỌC THẠCH

 
Theo một cán bộ Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, theo quy định tại luật Giá, Nghị định 177 (quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của luật Giá được Chính phủ ban hành tháng 11.2013), Nghị định 149 (ban hành tháng 11.2016, sửa đổi Nghị định 177) và các thông tư hướng dẫn thực hiện các nghị định này, SGK thuộc danh mục mặt hàng kê khai giá. Vì thế sẽ không nằm trong danh mục những mặt hàng được nhà nước định giá nên Bộ Tài chính sẽ không duyệt giá. Quyền quyết định giá mặt hàng thuộc về doanh nghiệp, và doanh nghiệp chỉ có nghĩa vụ phải kê khai giá với Bộ Tài chính.

Vấn đề giá SGK là rất nhạy cảm

Một chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản, từng làm quản lý ở NXB GDVN cho rằng, SGK cũng giống như sữa cho trẻ con, chỉ thiết yếu sau gạo, nhà nào cũng phải mua sách nên giá SGK là vấn đề rất nhạy cảm. Do đó, giá SGK cần phải được thông qua các cơ quan như Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính để thẩm định, kiểm soát. Vị này nhớ lại, lần tăng giá SGK gần đây nhất vào năm 2011, lãnh đạo NXB GDVN đã phải hứng chịu phản ứng dữ dội của người dân dù khi đó, giá SGK vẫn là do Bộ Tài chính duyệt và quyết định trên cơ sở đề xuất của NXB GDVN.

 
“Trong một thời gian dài, việc phát hành SGK luôn lỗ nhưng NXB GDVN không dám tăng giá mà phải lấy nguồn khác bù qua. Thời điểm tăng giá, lãnh đạo NXB cũng có quan điểm không “đối đầu” dư luận vì thế khi tăng giá cũng rất thận trọng, chỉ dám tăng chưa tới 10%”, vị này chia sẻ và nói thêm, hiện nay, giá SGK là do NXB GDVN tự quyết thì việc tăng giá SGK càng phải thận trọng hơn, nhất là khi NXB GDVN vẫn chịu tiếng là độc quyền phát hành SGK.
 
Chia sẻ quan điểm này, GS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội Khuyến học VN, cho rằng SGK không giống như các hàng hóa khác nên cần có sự kiểm soát. “Đây là mặt hàng tiêu dùng cho học sinh nên số lượng rất lớn, tiêu chí về chất lượng rất cao, đồng thời mức giá phải phù hợp chứ không thể định giá một cách vô tội vạ được”, ông Dong nói và kiến nghị, với mặt hàng đặc thù này, các NXB chỉ nên thu hồi vốn, chi phí in ấn, phát hành chứ không thể nghĩ tới lãi suất tối đa được.
 
Cũng theo ông Dong, nếu giá SGK do doanh nghiệp tự quyết thì sẽ khó mà biết được mức giá đó có hợp lý hay không nên phải có cơ quan thẩm định, kiểm soát vấn đề này. “SGK là mặt hàng thiết yếu với đại bộ phận người dân mà lại đội giá lên là chết dân”, ông Dong nói thêm.

Phá bỏ độc quyền là giải pháp

Trong khi đó, PGS-TS Vũ Cương (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) lại cho rằng, trong cơ chế thị trường, sự can thiệp của nhà nước là không cần thiết. Theo ông Cương, mức giá hợp lý chỉ được tạo ra khi có rất nhiều người cùng cung cấp sản phẩm đó. Theo ông Cương, sở dĩ thị trường SGK không có sự cạnh tranh như vậy là vì NXB GDVN độc quyền in ấn, phát hành. “Thay vì đi quản lý giá mà trong cơ chế thị trường thì không nên quản lý và cũng không quản lý được thì nhà nước nên mở rộng đối tượng được in ấn, phát hành SGK”, ông Cương nêu.
 
Cùng quan điểm này, chuyên gia kinh tế – TS Vũ Đình Ánh, cũng cho rằng, cốt lõi vấn đề là phải tạo ra một thị trường SGK không độc quyền, khi đó sẽ không cần phải định giá hay kiểm soát giá SGK.
 
Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng cho rằng, trong thời gian tới, với chủ trương xã hội hoá việc biên soạn, phát hành SGK thì càng không cần phải đưa ra công cụ để kiểm soát giá SGK. “Khi có nhiều nhà cung cấp mặt hàng này thì chính các NXB sẽ buộc phải đưa ra giá cạnh tranh. Mức giá SGK khi đó sẽ do chính thị trường điều tiết”, TS Ánh phân tích.
 
 
LÊ HIỆP – QUÝ HIÊN