Tin độc trên mạng: Phụ huynh phải biết lọc giúp con
Giải pháp gốc rễ nào để bảo vệ trẻ em giữa sự hỗn mang của nhiều video ‘rác’? Tuổi Trẻ giới thiệu một góc nhìn.
Tin độc trên mạng: Phụ huynh phải biết lọc giúp con
Giải pháp gốc rễ nào để bảo vệ trẻ em giữa sự hỗn mang của nhiều video ‘rác’? Tuổi Trẻ giới thiệu một góc nhìn.Trẻ em từ nông thôn đến thành thị ngày nay thường xuyên xem các video trên YouTube – Ảnh: DUYÊN PHAN
Điều đáng sợ nhất với một đứa trẻ khi xem các nội dung trực tuyến là gì? Một phụ nữ có gương mặt méo mó, quái dị?
Một chú heo hoạt hình bị những vết thương? Không, có lẽ điều đáng sợ nhất với chúng chính là phụ huynh không biết và không hiểu chúng xem gì.
1. Nếu không phải là một phụ huynh tuyệt đối hóa giá trị của sự tưởng tượng, để buộc tách hoàn toàn trẻ em ra khỏi các thiết bị công nghệ như điện thoại, máy tính bảng, máy tính…, hầu hết hiện nay phụ huynh nào cũng băn khoăn chuyện con em mình làm gì và xem gì trên mạng.
Để yên tâm, nhiều phụ huynh cài ứng dụng YouTube Kids, một ứng dụng được cho chỉ tuyển lựa các nội dung phù hợp với trẻ em.
Câu chuyện gần đây về các nội dung không ổn len lỏi được cả vào “thành trì” niềm tin nội dung này khiến khá nhiều phụ huynh lo lắng.
Thế nhưng các nỗ lực kỹ thuật luôn đi chậm hơn, là một cứu vãn muộn hơn, so với 2,5 tỉ tỉ byte dữ liệu tạo ra hằng ngày hiện nay, trong đó có 4.146.600 video YouTube được xem mỗi ngày (theo Forbes).
Trong một thế giới bội thực dữ liệu nội dung đó, điều để những nội dung ác, xấu, đáng sợ tránh xa ra khỏi những đứa trẻ chính là tự chúng phải trở thành bộ lọc cho mình.
2. Để mỗi đứa trẻ có thể tự chọn các video tốt, những nội dung hướng thiện và phù hợp, các phụ huynh không chỉ phải biết và xem cùng con mình mà còn tránh là các tác nhân phát tán, lây nhiễm nữa.
“Khi con trai tôi được 3 tuổi, tôi đã trở thành một chuyên gia về thể loại phim siêu nhân, từ Ninja Go đến chiến xa thần thú, từ đội xe biến hình đến siêu nhân cuồng phong…” – một phụ huynh ở độ tuổi 30 tâm sự.
Bất cứ đứa trẻ nào trong độ tuổi 3-8 đều có chung giấc mơ về giải cứu thế giới khỏi điều xấu, ước mơ có năng lực khác lạ mạnh mẽ.
“Không sao cả, tôi xem cùng con những bộ phim đơn giản, nói về chiến thắng của cái thiện, về điều đúng đắn và nỗ lực sẽ được đền đáp… nhân sinh quan về cái thiện đơn giản ấy cần thiết cho trẻ”.
Và như thế đứa trẻ ấy đã biết từ chối “ba tắt phim này đi” khi phim có nội dung đáng sợ, đảo ngược tình huống khiến người tốt phải khổ, đứa trẻ sẽ tâm sự về việc “con thấy cái phim kia dở lắm, ở đó người ta làm đau con mèo”.
Nội dung phim ảnh và cả những nội dung được trẻ xem khi ấy sẽ được đối chiếu với các truyện cổ tích trẻ được nghe, với các cuốn sách phiêu lưu đơn giản mà mẹ trẻ đọc trước khi ngủ, trẻ sẽ tự biết, trẻ sẽ là thành trì đầu tiên chống lại các nội dung nhảm nhí như người phụ nữ quái dị nói bậy bạ, hay chú heo Peppa đáng yêu bị đánh.
Tất nhiên đó là trong điều kiện lý tưởng của giáo dục cách thưởng thức, nhưng là cách thức hiệu quả nhất với nội dung xấu, để cái xấu bị chính người nó muốn hướng đến loại bỏ.
3. Thực ra không phải chỉ các nhà làm nội dung nhiều ác tâm mới tạo ra các nội dung đáng sợ, trong sự hồn nhiên và mong muốn nổi tiếng, nhiều bậc phụ huynh đang cổ xúy cho việc này.
Cứ gõ thử Vi cá phiên bản nhí trên kênh YouTube, bạn sẽ thấy các video được dàn dựng lại theo một phiên bản câu chuyện xã hội đen, bạo lực và phạm pháp với các diễn viên ở độ tuổi 10-15, thậm chí có các phiên bản mà “diễn viên” chỉ 5, 6 tuổi, cũng chửi thề, dọa nạt, đâm chém… đầy đủ.
Có phim dạng này thu hút đến gần 500.000 lượt xem.
Với nhà làm phim, các sự bắt chước của trẻ em này là thành công, nhưng với xã hội đó là sự thất bại. Một đứa trẻ sẽ không đến nỗi tự hại mình chỉ vì xem thoáng qua cảnh chú heo bị thương đâu, nhưng đứa trẻ ấy sẽ có thể gây hại cho nhiều người khác vì có các bậc phụ huynh không biết phân biệt đâu là nội dung tốt và xấu cho sự định hình cách sống của đứa trẻ như thế.
“Biện pháp kỹ thuật” lớn nhất của câu chuyện này có lẽ chính là từ các phụ huynh. Hãy xem một bộ phim cùng trẻ, như cách kể một câu chuyện cổ tích, trẻ sẽ biết cách nghe và kể các câu chuyện còn lại.
Kéo con thành “đồng minh” trong cuộc chiến với thông tin có hại
Tôi cũng là một phụ huynh có con trai ở độ tuổi “đáng lo” và con tôi cũng bắt đầu tích cực sử dụng các thiết bị công nghệ, thích xem YouTube, thích trao đổi với bạn bè trên mạng.
Những nguy hiểm tiềm ẩn trên Internet chúng ta đều biết và bọn trẻ cũng biết, hết trò này thì lại đến phim kia, chúng ta không thể dùng lệnh “cấm, gỡ” để đối phó hết được.
Theo tôi, các bậc phụ huynh vẫn phải thường xuyên chia sẻ nỗi lo của mình với con, cởi mở trao đổi về các đề xuất “tự bảo vệ mình” và “để bố mẹ yên tâm”.
Các bạn trẻ sẽ hợp tác nếu cha mẹ đặt lòng tin vào chúng, không cằn nhằn càm ràm “chụp mũ” con, kéo các con thành “đồng minh” của mình trong cuộc chiến với những thông tin có hại và phim, clip nội dung xấu.
Trẻ vị thành niên vẫn cần được thỏa thuận về thời lượng sử dụng các thiết bị công nghệ; đặt một số phần mềm chặn nội dung xấu; máy tính và các thiết bị công nghệ cần được đặt ở phòng sinh hoạt chung…
Và một việc rất quan trọng: tăng cường các hoạt động thể chất, thể thao và làm việc nhà cùng nhau để có điều kiện phát hiện những biểu hiện bất thường ở trẻ.
TS giáo dục Nguyễn Thuỵ Anh