27/01/2025

Nào toán tư duy, robot, tiếng Anh… con cái quay cuồng với ý muốn của cha mẹ

Cho con học lắp ráp robot, tiếng Anh hay âm nhạc? Đây chỉ là ba trong số những lựa chọn khiến nhiều cha mẹ có con vừa bước vào hành trình học tập phải đau đầu.

 

Nào toán tư duy, robot, tiếng Anh… con cái quay cuồng với ý muốn của cha mẹ

Cho con học lắp ráp robot, tiếng Anh hay âm nhạc? Đây chỉ là ba trong số những lựa chọn khiến nhiều cha mẹ có con vừa bước vào hành trình học tập phải đau đầu.



Nào toán tư duy, robot, tiếng Anh... con cái quay cuồng với ý muốn của cha mẹ - Ảnh 1.

Học ngoại ngữ là tốt và cần, nhưng theo các chuyên gia, kỳ vọng chỉ khiến trẻ chán học. Trong ảnh: học sinh chờ người thân đón về sau khi học xong tại một trung tâm ngoại ngữ ở TP.HCM – Ảnh: N.HÙNG

“Có mẹ nào cho con học toán tư duy không? Con mình lớp 1, nhưng học toán hơi chậm. Mình muốn cho con học toán tư duy vì nghe nói sẽ giúp phát triển tư duy. Hi vọng con sẽ thay đổi, tiếp thu bài tốt hơn, không bị tâm lý sợ học”…

Từ rối bời với toán tư duy

Một chia sẻ như thế này trên diễn đàn của các ông bố, bà mẹ có thể nhận được rất nhiều bình luận cho thấy đó là quan tâm chung của khá nhiều người. Thực tế đã có nhiều phụ huynh cho con đi học toán khi trẻ mới 4, 5 tuổi. Ai cũng kỳ vọng cho con học, biết đâu sẽ “khơi nguồn tư duy”.

Cũng từ những trao đổi trên một số diễn đàn, có thể phân nhóm phụ huynh theo kỳ vọng. Trong đó có nhóm cha mẹ cho con học thêm để “nhìn thấy kết quả học tập ở trường thay đổi”. Ví dụ học một thời gian phải nhìn thấy ở lớp con làm toán nhanh, chính xác, được cô khen từ thực tế con học toán chậm. 

Nhưng cũng có nhóm phụ huynh tiếp nhận quá nhiều thông tin quảng cáo mà không có sàng lọc nên kỳ vọng lớn vào “sự phát triển tư duy” – một vấn đề khá trừu tượng và thường không thể biểu hiện ngay.

Có phụ huynh sau một thời gian cho con học toán tư duy đã thất vọng khi “con chỉ tính nhẩm nhanh nhưng lại không biết suy đoán, trình bày những bài toán cơ bản ở lớp hoặc tính nhẩm nhanh nhưng lại chủ quan, hơi ẩu, và không bao giờ tính ra giấy nháp nên có những phép tính đơn giản bị sai”.

Anh H., phụ huynh có con học lớp 1 Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Hà Nội), kể: “Con tính toán rất chính xác nhưng lại không hiểu bản chất của toán” và cho rằng học thêm toán tư duy là một sai lầm. Tuy vậy, cũng có những người lại trượt dài từ lớp toán tư duy này đến lớp toán tư duy khác.

Đến “chạy đua” với STEM

Giáo dục STEM là một xu hướng tiến bộ đang được nhiều nhà trường hiện nay triển khai. Ưu điểm của giáo dục STEM rất rõ và đáng khích lệ. Tuy nhiên, việc đáng bàn ở đây vẫn lại là sự nôn nóng, kỳ vọng của nhiều cha mẹ đã “lái” con mình chạy theo bất cứ xu thế nào đang được xem là ưu việt bằng cách tham gia nhiều khóa học thêm, chạy theo các kỳ thi, giải thưởng.

“Mỗi học kỳ mới tôi lại nhận được thông tin gửi đến qua giáo viên chủ nhiệm các khóa ứng dụng kiến thức khoa học tự nhiên và việc thiết kế, chế tạo sản phẩm. Ai cũng nói thời đại 4.0 thì trẻ cần tiếp cận sớm. Nhưng tôi rất băn khoăn vì môn học nào bây giờ dường như cũng cần cho thời 4.0 cả” – một phụ huynh có con học lớp 7 Trường THCS Cầu Giấy, Hà Nội, chia sẻ.

Còn theo một nhóm phụ huynh khác có con học lớp 7, 8, 9 ở một số trường THCS trao đổi trên một diễn đàn cha mẹ, họ “rất sốt ruột khi xung quanh bé nào cũng đang học một cái gì đó liên quan tới lắp ráp, chế tạo, ứng dụng khoa học”. 

Một phụ huynh cho biết ngay từ đầu năm học đã được gửi thông tin về 3 khóa học gồm “đủ các món” với giá cả khác nhau. Theo phụ huynh này, có những người đăng ký cho con học cả 3 chương trình vì “phải tập trung cấp tập theo hướng này để con phát triển tư duy, bứt hẳn lên”.

Và nỗi lo “bỏ qua thời điểm vàng” học ngoại ngữ

Cũng như các cơn sốt học toán, học lắp ráp robot, việc nên hay không nên cho con học ngoại ngữ sớm, học từ bao giờ thì đúng, học ở đâu và học như thế nào là hàng loạt câu hỏi được đặt ra với nhiều cha mẹ có con ở lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học. Nhưng học như thế nào lại là vấn đề có thể đưa đến những kết quả khác nhau.

Một số cha mẹ sốt ruột khi “thả”con vào các lớp tiếng Anh của cơ sở quốc tế nhưng vài tháng cũng “không thêm được từ nào mới, chưa nắm ngữ pháp cơ bản”. Vì cách dạy của người nước ngoài là “để cho trẻ chơi, thả trẻ vào một môi trường nói tiếng Anh để tập cho trẻ có phản xạ nghe và nói chuẩn”. 

Nhưng do mức phí cao mà không có kết quả rõ rệt nên nhiều phụ huynh lại chuyển địa chỉ học… Có những bé đã học qua đến 4-5 trung tâm trước khi vào lớp 1. Mỗi nơi một cách dạy khác nhau, chương trình khác nhau.

 

Một phụ huynh cho biết con lớn không cho học tiếng Anh sớm nên kết quả đến THCS vẫn kém. Học trên lớp còn khó khăn, trong khi nhiều trẻ cùng lứa tuổi nói, viết tiếng Anh làu làu. Rút kinh nghiệm, anh cho con bé tiếp cận tiếng Anh từ khi còn học mẫu giáo… Nhưng đến nay con đã học tiểu học vẫn chưa thấy “con đường sáng”. 

Tranh thủ cho con học tiếng Anh trong “thời điểm vàng” (từ 2-6 tuổi), nhiều phụ huynh đã bấn loạn với rất nhiều chương trình tiếng Anh, phương pháp dạy học khác nhau… Và kết quả thu nhận lại đầu tiên là con sợ học!

Nhanh nhạy bắt “sóng” nhu cầu của phụ huynh hiện nay, ở các đô thị lớn có đến hàng trăm trung tâm tiếng Anh quốc tế khác nhau với đủ chiêu tiếp thị. Thậm chí, một số trường tiểu học, THCS liên kết với các trung tâm tiếng Anh nên thông tin cho cha mẹ học sinh đăng ký sẽ được giảm học phí và hưởng các ưu tiên khác. 

Hay một số trường THCS đặc thù được phép chủ động chọn phương thức tuyển sinh lớp 6 đã đặt ra điều kiện học sinh có chứng chỉ tiếng Anh do một số cơ sở cấp sẽ được ưu tiên xét tuyển hoặc tuyển thẳng (với trường hợp có kết quả cao) nên phụ huynh càng lao vào cuộc đua.

Không phải cứ “nhồi” là được

PGS.TS Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học giáo dục VN) – người sáng lập phương pháp học toán trải nghiệm, đưa toán gần với cuộc sống – đã đưa ra quá trình tư duy toán học bắt đầu bằng sự quan sát, tưởng tượng, thao tác cụ thể thông qua các hoạt động trải nghiệm, trò chơi. Trong quá trình đó trẻ có các hoạt động trí tuệ như so sánh, khái quát hóa, đặc biệt hóa, phân tích, tổng hợp… từ đó mới hình thành tư duy logic, tư duy hàm, tư duy thuật toán, tư duy sáng tạo… 

Cũng như nhiều nhà sư phạm khác thuộc lĩnh vực toán học, bà cho rằng rất nhiều phụ huynh đang lầm tưởng “giải toán” là “tư duy toán”, và học thêm toán ở ngoài nhà trường có thể tốt cho con khi giải toán ở trường, có điểm số cao.

Theo các chuyên gia giáo dục, STEM có những ưu điểm không thể phủ nhận nhưng không có nghĩa chạy theo xu thế bằng cách cho con học những môn khoa học được quảng bá với hi vọng sau một khóa học, tư duy sẽ phát triển, vì còn lệ thuộc vào tố chất, sở thích và điều kiện, khả năng tiếp nhận của mỗi đứa trẻ.

Với ngoại ngữ, thầy Nguyễn Quốc Hùng – chuyên gia tiếng Anh – khi chia sẻ về việc dạy và học tiếng Anh tại hội thảo “Học hỏi để học giỏi” đã nhấn mạnh tiếng Anh rất cần trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. 

Tuy nhiên, với mỗi đối tượng sẽ có những yêu cầu và phương pháp học hiệu quả khác nhau. Việc ép trẻ học tiếng Anh theo yêu cầu của người lớn chỉ làm trẻ bị áp lực vì việc học cần có quá trình. 

“Trẻ con tiếp thu được tới đâu thì chúng ta dạy các con tới đó để tạo sự hào hứng cho các con. Kỳ vọng chỉ khiến trẻ chán học, sợ học. Để trẻ được học theo sở thích thì mới có thể phát huy năng lực tiềm ẩn” – ông Hùng trao đổi.

Giảm bớt việc sử dụng não

 

suabaive

Cho con học một môn nghệ thuật theo sở thích là một lựa chọn truyền thống vẫn được phụ huynh ưa chuộng. Trong ảnh: giáo viên sửa bài vẽ cho học sinh – Ảnh: V.HÀ

Tôi từ chối cho con học lớp lắp ráp robot dù con thích, chưa cho con tiếp xúc nhiều với tiếng Anh vì cảm nhận con vẫn còn là đứa bé nhỏ ham chơi, chưa sẵn sàng cho việc học nhiều. Hiện nay ở lớp 1 con đã sử dụng thần kinh khá nhiều rồi nên tôi mong rằng sẽ giảm bớt việc sử dụng não bộ liên tục.

Riêng môn âm nhạc và nghệ thuật, tôi kiên trì cho con tiếp xúc từ sớm vì điều đó tốt cho tâm hồn và trí tưởng tượng. Không ai ngoài mình có sự cảm nhận rõ ràng của việc stress tác động lên cơ thể khó chịu thế nào, nên mình cố gắng bảo vệ con khỏi sự căng thẳng và đòi hỏi quá. (Một phụ huynh)

Thao tác khác tư duy

GS Đỗ Đức Thái, chủ biên chương trình môn toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới sắp thực hiện, từng kể một câu chuyện vui: “Tôi thử giải toán trong cuộc thi toán qua mạng, tôi còn làm chậm hơn học sinh tiểu học. Nhưng các phụ huynh cũng đừng vội mừng. Vì để thi và có giải, tôi biết có phụ huynh đã lập cho con nhiều tài khoản khác nhau để truy cập và luyện thật nhiều… Luyện giải nhiều thì thao tác nhanh, sai sót bớt dần và có thể sẽ có kết quả, giải thưởng cao. Nhưng việc đó không phát triển tư duy toán học”.

 

VĨNH HÀ