18/11/2024

Các lệnh cấm vận Triều Tiên muốn được dỡ bỏ là gì?

Sau hai thập kỷ hứng chịu các lệnh trừng phạt hà khắc của Liên Hiệp Quốc, Triều Tiên đang muốn các lệnh trừng phạt ảnh hướng đến kinh tế và sinh kế nhân dân được dỡ bỏ.

 

Các lệnh cấm vận Triều Tiên muốn được dỡ bỏ là gì?

Sau hai thập kỷ hứng chịu các lệnh trừng phạt hà khắc của Liên Hiệp Quốc, Triều Tiên đang muốn các lệnh trừng phạt ảnh hướng đến kinh tế và sinh kế nhân dân được dỡ bỏ.
 
 
 

Các lệnh cấm vận Triều Tiên muốn được dỡ bỏ là gì? - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho (phải) trong cuộc họp báo tối 28-2 tại Hà Nội – Ảnh: REUTERS

Trái ngược với tuyên bố của Mỹ, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho tuyên bố Bình Nhưỡng chỉ muốn dỡ bỏ 5 lệnh trừng phạt giai đoạn 2016-2017, cũng là các lệnh trừng phạt hà khắc nhất áp lên nước này.

Trong cuộc họp báo bất ngờ khuya 28-2 tại thủ đô Hà Nội, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho tuyên bố nước này đã sẵn sàng dỡ bỏ cơ sở phức hợp hạt nhân Yongbyon đổi lấy việc dỡ bỏ 5 lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc giai đoạn 2016-2017, chứ không phải toàn bộ lệnh cấm vận như Mỹ đã nêu trước đó.

Đất nước Triều Tiên đã trải qua hai thập kỷ hứng chịu các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hiệp Quốc vì chương trình hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi của nước này.

Việc các nghị quyết này được thông qua tại HĐBA cho thấy chúng đạt được sự đồng thuận tuyệt đối của 15 thành viên cơ quan này, bao gồm các nước thường trực như Mỹ và Trung Quốc.

Tháng 5-1993, chỉ hai năm sau khi CHDCND Triều Tiên gia nhập Liên Hiệp Quốc, HĐBA ra nghị quyết số 825 kêu gọi Bình Nhưỡng cân nhắc lại quyết định rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và cho phép các thanh sát viên quốc tế kiểm tra vũ khí của nước này.

Nhưng Triều Tiên đã từ chối và đó chỉ là sự khởi đầu cho các lệnh trừng phạt ngày càng khốc liệt hơn sau này. Các lệnh trừng phạt của HĐBA đã gần như chạm tới tất cả khía cạnh cuộc sống của người dân Triều Tiên, với chủ ý bóp nghẹt ngân sách dành cho phát triển vũ khí.

Từ việc cấm các nước bán vũ khí, thiết bị quân sự và các công nghệ lưỡng dụng có thể được Triều Tiên sử dụng để phát triển vũ khí, các lệnh trừng phạt đã được mở rộng sang việc cấm các nước tiếp nhận lao động Triều Tiên, nhập khẩu hàng dệt may, khoáng sản như than đá và giới hạn số lượng các sản phẩm dầu mỏ tinh chế xuất sang Bình Nhưỡng.

Các lệnh cấm vận Triều Tiên muốn được dỡ bỏ là gì? - Ảnh 2.

Xe tăng chiến đấu chủ lực do Triều Tiên tự chế tạo – Ảnh chụp màn hình

Nghị quyết số 1718 được thông qua tại HĐBA tháng 10-2006, ngay sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên, đã lên án hành động của Bình Nhưỡng, yêu cầu nước này chấm dứt tất cả các hành động tương tự và quay lại bàn đàm phán 6 bên vô điều kiện; nghị quyết cũng yêu cầu các nước thành viên Liên Hiệp Quốc không bán xa xỉ phẩm, xe tăng, xe bọc thép, tàu chiến hay bất kỳ vũ khí chiến đấu nào cho Triều Tiên.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên khi đó đã gọi nghị quyết của HĐBA là một hành vi tuyên chiến, khẳng định Bình Nhưỡng muốn hòa bình nhưng cũng không ngại đối đầu với chiến tranh.

Sau khi ông Kim Jong Un lên cầm quyền, các lệnh trừng phạt liên tiếp được áp lên Triều Tiên bởi nhà lãnh đạo kiên quyết theo đuổi chương trình vũ khí song song với phát triển kinh tế. Tổng cộng trong giai đoạn 2011-2017, HĐBA đã thông qua 8 nghị quyết trừng phạt Triều Tiên.

Các lệnh cấm vận Triều Tiên muốn được dỡ bỏ là gì? - Ảnh 3.

Chủ tịch Triều Tiên thị sát một loại tên lửa đạn đạo do nước này tự chế tạo – Ảnh: AFP

Năm nghị quyết gần đây nhất rơi vào giai đoạn 2016-2017, cũng là giai đoạn Bình Nhưỡng liên tiếp thử hạt nhân và bắn tên lửa đạn đạo tầm xa. Trong đó, nghị quyết 2371 được thông qua ngày 5-8-2017 sau 14 vụ thử tên lửa trong năm 2017 trước đó đã cấm các nước mua than đá, sắt, hải sản và chì từ Triều Tiên. Các nhà phân tích ước tính lệnh trừng phạt này khiến Bình Nhưỡng mất ít nhất 1 tỉ USD mỗi năm.

Một tháng sau đó, sau vụ thử hạt nhân lần 6 của Triều Tiên, HĐBA tiếp tục thông qua nghị quyết 2375, cắt 30% sản lượng dầu thô và 55% các sản phẩm dầu mỏ tinh chế cung cấp cho Bình Nhưỡng. HĐBA cũng yêu cầu tất cả các nước thành viên có trách nhiệm giám sát tất cả tàu bè ra vào vùng biển Triều Tiên, đồng thời ngưng cấp thị thực cho lao động Triều Tiên.

Khi được hỏi liệu Mỹ có gia tăng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên hay không, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định “không, bởi các lệnh trừng phạt hiện có đã quá hà khắc”.

“Vẫn còn những con người tuyệt vời ở Triều Tiên và họ cũng phải sống” – ông Trump nêu trong cuộc họp báo chiều 28-2 tại Hà Nội.

 

BẢO DUY