23/12/2024

‘Đổi mới’ của Việt Nam – điểm sáng tại thượng đỉnh

So với cuộc gặp ở Singapore vào giữa năm 2018, Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2 ở Hà Nội ngày 27 và 28-2 được giới chuyên gia đánh giá sẽ tạo ra khác biệt bằng những thoả thuận cụ thể hơn giữa Washington và Bình Nhưỡng.

 

‘Đổi mới’ của Việt Nam – điểm sáng tại thượng đỉnh

So với cuộc gặp ở Singapore vào giữa năm 2018, Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2 ở Hà Nội ngày 27 và 28-2 được giới chuyên gia đánh giá sẽ tạo ra khác biệt bằng những thoả thuận cụ thể hơn giữa Washington và Bình Nhưỡng.


Đổi mới của Việt Nam - điểm sáng tại thượng đỉnh - Ảnh 1.

Trên nhiều con đường, quốc kỳ 3 nước được bày bán rộng rãi – Ảnh: MAI THƯƠNG

Trong bối cảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đang trên đường tới Việt Nam dự cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump, một trọng tâm khác trong chuyến đi của ông Kim chính là ông sẽ học hỏi được những gì từ công cuộc “Đổi mới” của Việt Nam, Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc ngày 25-2 đưa ra nhận định.

Hãng thông tấn Yonhap còn điểm qua nhiều thành công của Việt Nam kể từ sau chương trình cải cách “Đổi mới”, như bình thường hóa quan hệ với Mỹ vào năm 1995 và việc hai nước – từng là thù địch – ký Hiệp định thương mại song phương vào năm 2000.

Một trong những thành công lớn của Việt Nam sau khi thực hiện chính sách “Đổi mới” là trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), GDP của Việt Nam đã tăng từ 14 tỉ USD vào năm 1985 lên tới 224 tỉ USD vào năm 2017.

Dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong Un, Triều Tiên ngày càng đẩy mạnh phát triển kinh tế. Theo Yonhap, giới chuyên gia nhận định Việt Nam chính là một trong những hình mẫu tốt nhất để Triều Tiên học hỏi hiện nay.

“Trường hợp của Việt Nam cho thấy rằng một thỏa thuận thương mại với Mỹ vốn cần thiết và cuối cùng có thể dẫn tới việc gia nhập WTO để hoàn tất quá trình cải cách và mở cửa” – nhà nghiên cứu Cho Kyung Hwan, thuộc Viện Sejong của Hàn Quốc, phân tích về tương lai rộng mở của Triều Tiên khi cải thiện quan hệ với Mỹ.

Cùng ngày 25-2, báo Rodong Sinmun – cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên – ca ngợi chuyến thăm của nhà lãnh đạo nước này Kim Jong Un tới Việt Nam tham dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump là “hành trình trọng đại của lòng yêu nước”.

Rodong Sinmun nhấn mạnh tất cả người dân Triều Tiên “vô cùng xúc động và phấn khởi” trước thông tin về chuyến công du nước ngoài của nhà lãnh đạo Triều Tiên, cũng như kỳ vọng về kết quả tích cực mà ông Kim Jong Un sẽ đạt được trong cuộc gặp thượng đỉnh với tổng thống Mỹ sắp tới tại Việt Nam.

 

Tôi thấy Việt Nam có nỗ lực đặc biệt

 

tt

Trang trí cho chiếc cầu dẫn ở ga Đồng Đăng – Ảnh: Q.MINH

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về việc tham vấn kinh nghiệm tổ chức của Singapore, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho hay đã nghiên cứu, học hỏi một số vấn đề cụ thể để biết và chuẩn bị tốt hơn, như cơ sở hạ tầng viễn thông, phiên dịch, đi lại…

“Công sức, tình cảm, tâm lực chuẩn bị cho sự kiện này là quan trọng hơn. Công tác an ninh, an toàn và hậu cần là những ưu tiên lớn nhất của chúng tôi với tư cách nước chủ nhà” – ông Lê Hoài Trung nói.

Điều đó cũng được ghi nhận từ các nhà báo nước ngoài đến Hà Nội chuẩn bị cho sự kiện.

“Mặc dù chỉ có ít thời gian chuẩn bị, Việt Nam đã thực hiện công tác chuẩn bị cho sự kiện này rất tốt. Nhiều người so sánh Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều tại Hà Nội với lần tổ chức tại Singapore.

Tôi nghĩ như vậy không công bằng vì Singapore thường xuyên tổ chức sự kiện ngoại giao lớn của thế giới, nên lẽ đương nhiên là họ có kinh nghiệm và phần nào chuyên nghiệp hơn Việt Nam.

Các bạn đã phải đầu tư toàn bộ cơ sở hạ tầng từ con số không để đảm bảo yêu cầu về an ninh, công nghệ, cũng như không gian” – anh Stefen Rainer Schwarzkopf, phóng viên kênh truyền hình WLTN 24 GMBH của Đức, cho hay.

Còn anh Park Chan Gul, phóng viên kênh truyền hình Hàn Quốc KBS, nhận định: “Vẫn còn quá sớm để khẳng định nhưng trải nghiệm tác nghiệp của tôi tại Việt Nam khá giống với Singapore.

Tôi thấy Việt Nam có nỗ lực đặc biệt trong việc trang trí đường phố với những chậu hoa được đặt quanh trung tâm thành phố, cảnh sát tăng cường an ninh, cũng như lắp đặt Trung tâm báo chí chuyên nghiệp tạo điều kiện cho các phóng viên hoàn thành tốt công việc của họ.

Dù vẫn có một số bất cập nhưng việc Việt Nam tổ chức một sự kiện chuyên nghiệp như vậy khi chưa có nhiều kinh nghiệm là đáng khâm phục!”.

Ý nghĩa của mô hình Việt Nam

GS Carl Thayer (giáo sư danh dự Học viện Quốc phòng Úc):

 

carl thayer

GS Carl Thayer

Mô hình phát triển đổi mới của Việt Nam là nhân tố quan trọng trong chính sách lớn hơn của Mỹ về việc muốn kéo Triều Tiên ra khỏi việc tự cô lập, cũng là phần quan trọng trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Nhưng nó không phải nhân tố chính.

GS Zachary Abuza (Học viện Chiến tranh quốc gia Hoa Kỳ):

 

abuza

GS Zachary Abuza

Washington rõ ràng nghĩ rằng Việt Nam là một mô hình có thể ứng dụng cho Triều Tiên, một hệ thống cải cách, đi từ khó khăn lên hiện đại hóa nhanh chóng trong vòng khoảng 30 năm.

Việt Nam đã đi từ một nước nhập khẩu lương thực sang nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai hoặc thứ ba trên thế giới.

Nhưng vấn đề của Mỹ trong cách tiếp cận là nước Mỹ luôn muốn người khác phải theo ý mình mà không đặt mình vào vị trí của họ.


TS Lê Hồng Hiệp (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore):

 

ts le hong hiep

TS Lê Hồng Hiệp

 

Quan hệ Mỹ – Triều Tiên và Mỹ – Việt Nam có mối liên hệ nhất định về mặt lịch sử, nhưng tương lai phát triển ra sao sẽ tùy thuộc vào tính toán lợi ích của mỗi bên.

Về phía Mỹ, họ muốn Triều Tiên trước tiên trở thành một quốc gia “bình thường”, tức là không phải một mối đe doạ đối với hoà bình, an ninh, thịnh vượng của Mỹ và khu vực.

Đồng thời, nếu Triều Tiên sau này có thể trở thành một đối tác quan trọng của Mỹ về kinh tế và an ninh như Việt Nam hiện nay thì chắc chắn điều đó cũng sẽ được Mỹ hoan nghênh và thúc đẩy, bởi nó phù hợp với lợi ích của Mỹ.

Tuy nhiên, quỹ đạo đó có diễn ra hay không không chỉ phụ thuộc vào ý chí của Mỹ mà còn cả những tính toán lợi ích của Triều Tiên, và cũng có thể bị tác động ít nhiều bởi các toan tính lợi ích khác của các bên thứ ba, trong đó quan trọng nhất là Trung Quốc và Hàn Quốc.

TS Nguyễn Thành Trung (giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế ĐH KHXH&NV TP.HCM):

 

ts nguyen thanh trung

TS Nguyễn Thành Trung

Tôi không nghĩ đó chỉ là bài học cho Triều Tiên, đó cũng có thể là bài học cho một số quốc gia khác.

Ở đó, chúng ta có thể biến một quốc gia vốn là cựu thù trong quá khứ thành đối tác kinh tế tốt, nếu cả hai có lợi ích chung.

Việt Nam và Triều Tiên có một số điểm chung về quan hệ với Mỹ trong quá khứ. Việt Nam hiện nay cũng là một trong những bạn hàng lớn nhất của Mỹ ở Đông Nam Á và cũng có quan hệ tốt, đó là những gì Triều Tiên có thể học hỏi từ Việt Nam.

Mong những điều tốt lành…

Ông Lee Sung Yoon (phó giáo sư Trường luật và ngoại giao Fletcher thuộc Đại học Tufts – Mỹ, nhà nghiên cứu về Triều Tiên):

Kỳ vọng Tổng thống Trump sẽ đồng ý nới lỏng một số lệnh cấm vận, đổi lại là sự nhượng bộ như đóng cửa một số địa điểm hạt nhân hoặc tên lửa mà Triều Tiên không cần nữa.

Một kỳ vọng khác là ông Trump cũng sẽ đồng ý một thoả thuận hoà bình với Triều Tiên, vốn sẽ là một thắng lợi cho ông Kim.

Nhưng cần nhớ rằng một thỏa thuận hòa bình sẽ đặt ra hàng loạt công việc sau đó như: giải tán Bộ tư lệnh Liên Hiệp Quốc, chất vấn về việc đặt quân đội Mỹ ở Hàn Quốc, dẫn tới việc rút hoàn toàn lính Mỹ khỏi Hàn Quốc sau đó…

Ông Andray Abrahamian (giáo sư thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu hoà bình Jeju – Jeju Peace Research Institute):

Sẽ có những bước đi nhanh chóng tiến tới việc ngưng sản xuất một số loại vũ khí hoặc nguyên liệu nhất định, một số lệnh trừng phạt sẽ được nới lỏng cũng như biện pháp xây dựng lòng tin.

TS Nguyễn Thành Trung:

Ở thượng đỉnh lần 2 này, hai bên sẽ thống nhất muốn quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân diễn ra như thế nào.

Vấn đề nữa là chưa có hiệp ước chính thức về chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Hi vọng sau lần này, chúng ta có thể thấy sự hoạch định cụ thể cho 2 vấn đề này.

Chúng ta luôn hi vọng vào những gì mang lại hoà bình, không chỉ cho bán đảo Triều Tiên mà còn cho toàn khu vực và thế giới.

Do vậy, nếu nếu không ra được kết luận đột phá, bước tiếp theo cả hai bên nên thể hiện quan điểm cùng cố gắng để giải quyết vấn đề, giảm sự mong đợi vào bên đối phương sẽ nhượng bộ mình như thế nào.

GS Hứa Lợi Bình (Viện nghiên cứu chiến lược châu Á – Thái Bình Dương và toàn cầu, thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc):

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều đã đem đến dự báo lạc quan về tiến trình hòa bình trong tương lai.

Hi vọng sẽ có những đột phá cho tiến trình phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, thậm chí là đạt được thỏa thuận cụ thể liên quan đến thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa hoặc thiết lập các cơ chế.

Không còn nghi ngờ nào khác, vấn đề phi hạt nhân hóa của Triều Tiên đang là mục tiêu cao nhất mà Tổng thống Trump tìm cách đạt được và hội nghị thượng đỉnh này, một bước quan trọng tiến tới mục tiêu tối thượng đó.

TS Terry F. Buss (Học viện Hành chính Hoa Kỳ):

Một trong những điều đáng chú ý nhất mà ông Trump đã làm được đó là kéo Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán. Họ không hăm doạ nhau như trước mà cố gắng đi đến thỏa thuận. Thành tựu khó ai có thể làm được.

Nhưng tôi không nghĩ ông Trump thực sự hiểu rõ quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.

Lý do lựa chọn Việt Nam

TS Nguyễn Thành Trung:

 

tt3

Công binh dò mìn xung quanh khu vực khách sạn Marriott – Ảnh: DANH TRỌNG

Tôi thấy có những lý do chính sau:

– Về tình hình an ninh, Việt Nam là một quốc gia trong khu vực có sự ổn định về chính trị và bảo đảm an ninh, có thể bảo đảm cho thượng đỉnh diễn ra an toàn.

– Việt Nam là một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới có mối quan hệ tốt cả với Triều Tiên và Mỹ.

– Việt Nam là một trong những quốc gia thành công trong việc biến Mỹ, vốn là một cựu thù chiến tranh, trở thành đối tác tốt sau chiến tranh. Đây cũng là trường hợp đáng cho Triều Tiên học hỏi, rút kinh nghiệm trong việc quan hệ với Mỹ.

– Việt Nam là một trong những quốc gia thành công trong việc thống nhất đất nước và hòa giải dân tộc. Việc này sẽ giúp ích rất nhiều cho việc Triều Tiên học hỏi mô hình cải cách kinh tế của Việt Nam từ tháng 6-1986 tới nay.

Ông Carl Thayer:

Việt Nam được chọn vì phù hợp với lợi ích mà hai bên chính yếu quan tâm, cũng như các bên liên quan khác. Triều Tiên tin tưởng Việt Nam sẽ là vị chủ nhà trung lập, có thể cung cấp địa điểm chất lượng cao và an ninh chặt chẽ.

Tương tự, Mỹ cũng xem Việt Nam là chủ nhà trung lập, chưa kể việc phi hạt nhân hóa hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sẽ mất nhiều năm, và Việt Nam lại là chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020 cũng như thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong năm sau.

Ông Lee Sung Yoon:

Mỹ muốn gửi thông điệp tới Triều Tiên rằng Bình Nhưỡng, cũng giống Việt Nam, có thể tiếp tục duy trì hệ thống và trở nên giàu có hơn… Còn Triều Tiên muốn gửi thông điệp tới các đồng minh truyền thống là, cũng như Việt Nam, Triều Tiên là nhà nước có tư duy độc lập.

TS Terry F. BUSS:

Về phía Triều Tiên, tôi cho rằng ông Kim thấy thoải mái với Việt Nam vì hai nước có quan hệ tốt. Về phía Mỹ cũng có ấn tượng tốt với Việt Nam. Ông Trump từng đến Việt Nam nhân dịp Apec nên hai bên đều sẽ thấy Việt Nam là điểm hẹn lý tưởng.

 

NHẬT ĐĂNG – MINH KHÔI – HẢI VÂN thực hiện

BÌNH AN