Ngành y xét học bạ loại giỏi
Ngành y quy định ngưỡng đầu vào ra sao, ôn luyện thế nào để đậu kỳ thi đánh giá năng lực? Nhiều thí sinh băn khoăn khi tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp tại Khánh Hoà ngày 24-2.
Ngành y xét học bạ loại giỏi
Ngành y quy định ngưỡng đầu vào ra sao, ôn luyện thế nào để đậu kỳ thi đánh giá năng lực? Nhiều thí sinh băn khoăn khi tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp tại Khánh Hoà ngày 24-2.
Hơn 5.000 học sinh tỉnh Khánh Hoà đã đến tham dự chương trình tư vấn vấn tuyển sinh – hướng nghiệp sáng 24-2 – Ảnh: TRẦN HUỲNH
Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – thương binh và xã hội), Sở GD-ĐT, Tỉnh đoàn Khánh Hoà và Trường ĐH Khánh Hoà phối hợp tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.
Ngưỡng đầu vào ngành y?
Theo thạc sĩ Nguyễn Mạnh Hùng – chuyên viên chính Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH năm nay có một số điểm đáng chú ý. Tất cả các trường sử dụng kết quả thi THPT quốc gia từ 1-3 môn đều phải xét tuyển theo quy trình của Bộ GD-ĐT công bố.
Theo quy định của Luật giáo dục ĐH sửa đổi, năm 2019 bổ sung một đối tượng đối với lĩnh vực sức khoẻ ở một số ngành cấp chứng chỉ hành nghề có quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, giống như ngành sư phạm.
Có thể phân thành hai nhánh, gồm học sinh xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia phải theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT (sẽ được công bố sau khi có kết quả thi THPT quốc gia). Còn nếu các trường xét tuyển theo kết quả học tập, theo dự thảo, một số ngành như y khoa, răng hàm mặt, y học cổ truyền, luật phải xét tuyển học sinh lớp 12 loại giỏi; các ngành còn lại loại khá trở lên.
Trả lời thắc mắc chung của nhiều học sinh về thông tin quy định “muốn xét tuyển ngành y phải có học lực lớp 12 loại giỏi”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM – giải thích: “Dự thảo về quy định này chỉ áp dụng đối với các trường xét tuyển bằng học bạ. Còn những trường xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia, thí sinh không cần phải có học lực loại giỏi”.
Băn khoăn về kỳ thi đánh giá năng lực
“Theo tìm hiểu của em, thí sinh không được đăng ký quá ba nguyện vọng (NV) vào cùng khối ngành của các trường thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM. Vậy em có thể đăng ký ba NV vào khối ngành kinh tế và NV thứ tư đăng ký vào ngành khoa học xã hội được không?” – một nữ sinh thắc mắc.
Về việc này, TS Phạm Tấn Hạ – phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) – giải đáp: ĐH Quốc gia TP.HCM quy định thí sinh được chọn vào các trường thành viên có cùng một tổ hợp xét tuyển với kết quả đó không quá ba NV. Điều này có nghĩa thí sinh có thể chọn ba ngành ở ba trường thành viên.
“Việc xét tuyển theo thứ tự ưu tiên của thí sinh khi đăng ký xét tuyển. Nếu thí sinh đã trúng tuyển NV nào rồi sẽ không được xét tiếp các NV còn lại. Vì vậy, thí sinh thích ngành nào nhất cần đưa lên NV1” – thầy Hạ tư vấn.
Khá nhiều học sinh quan tâm đến kỳ thi đánh giá năng lực. Theo các chuyên gia, để làm bài thi năng lực này, thí sinh không cần phải học thêm bất cứ môn học nào. Những kiến thức cần khi làm bài được tích lũy trong quá trình học. Nội dung đề thi gói gọn trong kiến thức chương trình THPT.
“Năm nay, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tổ chức hai đợt thi đánh giá năng lực, thí sinh có thể dự thi cả hai đợt này để thêm cơ hội trúng tuyển. Hiện không có nơi nào tổ chức luyện thi kỳ thi này, cứ học tốt kiến thức phổ thông và thử sức với đề thi mẫu” – thầy Hạ khẳng định.
Chia sẻ thông tin tuyển sinh vào các trường quân đội, thượng tá, thạc sĩ Nguyễn Cảnh Tùng – phó trưởng phòng đào tạo Học viện Hải quân (Bộ Quốc phòng) – cho biết hiện nay hầu hết các trường quân đội đều tuyển sinh bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia.
Thí sinh phải trải qua hai vòng sơ tuyển (thực hiện tại ban chỉ huy quân sự các quận, huyện, thị xã, TP. Thí sinh đến đây để đăng ký và nhận hồ sơ sơ tuyển) và xét tuyển (cùng lúc làm hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia).
Các trường quân đội chỉ nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển NV1. “Mặc dù các trường quân đội có nhiều chính sách ưu đãi cho sinh viên nhưng đây là những ngành đặc thù, các em phải thực sự có đam mê mới nên đăng ký xét tuyển” – thượng tá Tùng khuyên.
Vào cao đẳng khi chưa tốt nghiệp THPT: mới là dự thảo
Về vấn đề này, ông Đào Trọng Độ – phó vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) – cho hay: theo quy định của Luật giáo dục nghề nghiệp, học sinh tốt nghiệp THPT mới được dự tuyển CĐ. Bộ LĐ-TB&XH đang đề xuất mở rộng đối tượng tuyển sinh đối với học sinh hoàn thành chương trình THPT (có giấy chứng nhận) có thể được xét tuyển học CĐ. Những em chưa tốt nghiệp THPT cũng có thể học tại các trường CĐ có đào tạo các ngành nghề trung cấp, sau khi hoàn thành chương trình, được cấp thêm chứng nhận tương đương tốt nghiệp THPT, có thể học liên thông.