19/11/2024

Lúa ĐBSCL chờ mua tạm trữ

Trong khi chờ các quyết sách của Chính phủ trong việc tổ chức thu mua lúa vụ đông xuân, các địa phương tại vựa lúa ĐBSCL cũng chủ động triển khai nhiều giải pháp để giúp nông dân tiêu thụ hết lúa trong bối cảnh giá lúa đang rất bất lợi.

 

Lúa ĐBSCL chờ mua tạm trữ

Trong khi chờ các quyết sách của Chính phủ trong việc tổ chức thu mua lúa vụ đông xuân, các địa phương tại vựa lúa ĐBSCL cũng chủ động triển khai nhiều giải pháp để giúp nông dân tiêu thụ hết lúa trong bối cảnh giá lúa đang rất bất lợi.
 
 
 

Lúa ĐBSCL chờ mua tạm trữ - Ảnh 1.

Nông dân thu hoạch lúa mang ra bờ ruộng chờ thương lái thu mua – Ảnh: BỬU ĐẤU

Dù khẳng định một số doanh nghiệp đã tích cực hơn trong việc tham gia mua lúa và giá lúa đã nhích nhẹ so với những ngày trước, nhưng một lãnh đạo Hiệp hội Lương thực VN cũng thừa nhận giá lúa vẫn đứng ở mức thấp. Các doanh nghiệp cho rằng giá lúa chỉ có thể tăng nhiều hơn nếu được hỗ trợ vốn mua tạm trữ.

Doanh nghiệp đã mua nhiều hơn

Khác với vài ngày trước, trên các cánh đồng tại Đồng Tháp, các thương lái đã bắt đầu thu mua nhiều hơn, máy gặt đập và ghe chở lúa cũng hoạt động dù chưa nhiều. Tuy nhiên, giá lúa tươi thương lái thu mua tại ruộng vẫn ở mức thấp. Tại một số địa phương, giá lúa năm nay được thương lái đặt cọc trước khi thu hoạch giảm khoảng 10% so với cùng kỳ 2018, nhưng số thương lái đến thu mua hiện chưa nhiều.

Theo một lãnh đạo Công ty Lương thực Sông Hậu, công ty dự kiến mua chỉ khoảng 60.000 tấn lúa (đến ngày 13-2 đã mua được 10.000 tấn) và đã chuẩn bị kho dự trữ đủ cho số lúa dự kiến mua này. Công ty có hơn 700ha vùng nguyên liệu hợp tác với các HTX sản xuất giống lúa Jasmine 85, hiện đang đàm phán về giá thu mua. “Giá lúa tất cả các loại giống đều giảm nên đây là thời điểm thu mua tốt nhất” – vị này nói.

Trong khi đó, ông Lê Thanh Khiêm, phó giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang, cho biết công ty cũng bắt đầu mua lúa của nông dân trong hợp đồng của cánh đồng lớn với giá cao hơn giá ngoài thị trường. “Dù mua cao hơn bên ngoài nhưng số lượng chỉ khoảng vài trăm hecta nên cũng chẳng thấm vào đâu, không thể kéo giá lúa trong mặt bằng chung của khu vực lên cao được” – ông Khiêm cho biết.

Trả lời câu hỏi giá lúa thấp nhưng sao doanh nghiệp không đẩy mạnh mua, ông Khiêm cho biết do thị trường xuất khẩu gạo chưa có đầu ra, trong khi việc kinh doanh phải dựa vào thị trường, không thể mua về rồi để đó nếu chưa có đầu ra và cũng chưa có chính sách hỗ trợ thu mua tạm trữ. “Nếu Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp mua tạm trữ, có thể giá lúa gạo sẽ được nhích lên chút ít” – ông Khiêm dự báo.

Tìm kho trữ lúa cho nông dân

Để hỗ trợ hoạt động tiêu thụ lúa đông xuân, ông Nguyễn Hữu Dũng, giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp, cho biết đã đề nghị ngân hàng nâng hạn mức tín dụng với những doanh nghiệp đã liên kết với nông dân để doanh nghiệp có vốn thực hiện đúng cam kết. Với các doanh nghiệp có kho bãi tạm trữ còn trống, địa phương cũng khuyến khích doanh nghiệp cho nông dân gửi tạm trữ, chờ thời điểm giá lúa tăng trở lại.

“Một vài HTX tại Đồng Tháp cũng đang sấy lúa, trữ lúa giúp nông dân nhưng không nhiều, vẫn phải chờ cuộc họp của Thủ tướng về vấn đề thu mua tạm trữ lúa gạo để bàn những giải pháp tiếp theo” – ông Dũng nói.

UBND TP Cần Thơ cũng vừa yêu cầu Sở Công thương theo dõi chặt chẽ hoạt động thu mua lúa gạo, có giải pháp ngăn chặn việc ép giá đối với nông dân, xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại trong kinh doanh lúa gạo, đặc biệt là xuất khẩu gạo. Ngoài ra, giám đốc Sở Công thương phải chủ động họp bàn với quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan về vấn đề cho vay vốn để có thêm kênh huy động vốn hỗ trợ doanh nghiệp thu mua lúa cho nông dân.

Trong khi đó, ông Đỗ Minh Nhựt, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết đang phối hợp Sở Công thương xin ý kiến thường trực UBND tỉnh, dự kiến trong tuần tới sẽ bàn với các doanh nghiệp thu mua lúa cho bà con, tránh để bị thương lái ép giá. Nơi nào có kho thì khuyến khích bà con tạm trữ lại, chờ có giá mới bán.

Nông dân tự làm kho trữ lúa

Ông Mai Thanh Tuấn, nông dân xã Giục Tượng, huyện Châu Thành, Kiên Giang, cho hay do năm nào cũng có tình trạng “cò lúa” ép giá vào lúc mở đồng thu hoạch rộ nên bà con nông dân bắt đầu hùn tiền góp đất xây kho trữ lúa. Đến nay, gia đình ông Tuấn và 4 hộ khác đã có kho trữ được khoảng 60 tấn lúa.

“Kinh nghiệm nhiều năm cho thấy, lúa sau khi phơi khô rồi trữ trong kho vẫn đảm bảo chất lượng. Và sau khi thu hoạch rộ khoảng nửa tháng tới một tháng là giá lên 10%, có khi vọt lên 20% tùy thời điểm. Chỉ cần 4, 5 vụ lúa là bù vốn cất kho” – ông Tuấn chia sẻ.


C.QUỐC – T.NHƠN – K.NAM – B.ĐẤU – T.TÚ