19/11/2024

Gỡ khó cho doanh nghiệp, tránh ‘ném đá ao bèo’

Cắt bỏ thủ tục đầu tư, rào cản về điều kiện kinh doanh cần phải đi vào thực chất, không chạy theo số lượng và không để tình trạng ‘ném đá ao bèo’.

 

Gỡ khó cho doanh nghiệp, tránh ‘ném đá ao bèo’

Cắt bỏ thủ tục đầu tư, rào cản về điều kiện kinh doanh cần phải đi vào thực chất, không chạy theo số lượng và không để tình trạng ‘ném đá ao bèo’.
 
 
 
 
Doanh nghiệp cần tiếp tục được tháo gỡ rào cản kinh doanh /// Ảnh: Ngọc Thắng

Doanh nghiệp cần tiếp tục được tháo gỡ rào cản kinh doanh  ẢNH: NGỌC THẮNG

 
Đó là quan điểm của các chuyên gia tại hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi luật Đầu tư và luật Doanh nghiệp, do Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) tổ chức ngày 20.2.

Thủ tục khởi nghiệp đứng 104 thế giới

Nhìn lại năm 2018, năm cải cách điều kiện kinh doanh, đã có 25 nghị định về sửa đổi, cắt giảm điều kiện kinh doanh được ban hành; sửa đổi cho 80 nghị định, trải rộng trên 15 lĩnh vực của 15 bộ, ngành – với hơn 50% số điều kiện, tương ứng hơn 3.000 điều kiện kinh doanh đã được cắt bỏ hoặc sửa đổi, thay thế. Cùng với việc cắt giảm, xóa bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết đã giúp giảm đáng kể thời gian, chi phí cho doanh nghiệp (DN), được cộng đồng đánh giá cao.
 

Tại lần sửa đổi này, Bộ KH-ĐT, cơ quan chủ trì, công bố danh mục 26 ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện được đề nghị bãi bỏ được giới chuyên gia đánh giá cao. Tuy nhiên theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, vẫn còn nhiều vướng mắc cần phải giải quyết, sửa đổi từ hai đạo luật. Ví dụ, thủ tục đăng ký DN được ca ngợi là bước tiến của cải cách thủ tục hành chính, trên thực tế vẫn còn một số rào cản gây khó khăn cho DN như: việc xác định mã ngành cấp 4 khi đăng ký kinh doanh (ĐKKD), thời gian hoàn thành việc đăng ký DN trên thực tế với quy định của luật vẫn còn vênh nhau. Hộ kinh doanh buôn chuyến phải thực hiện nhiều thủ tục không cần thiết (thông báo với cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường ở các địa điểm kinh doanh). “Những bất cập này có thể là cản trở, thông điệp ngược cho tinh thần cải cách của đạo luật này. Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới thì gia nhập thị trường của VN vẫn chỉ xếp ở thứ hạng 104 của thế giới trong Doing Business, một trong những chỉ số thấp nhất của môi trường kinh doanh VN”, ông Lộc lưu ý.

 
Bên cạnh đó, theo quy định của luật DN, DN phải hoàn thành 5 thủ tục hành chính để có thể bắt đầu kinh doanh, bao gồm đăng ký DN tại cơ quan ĐKKD, làm dấu tại cơ sở khắc dấu, thông báo mẫu dấu với cơ quan ĐKKD, mở tài khoản và thông báo thông tin tài khoản cho cơ quan ĐKKD… “Song nếu so sánh quốc tế và khu vực, thủ tục thành lập DN và khởi sự kinh doanh ở nước ta vẫn còn phức tạp, tốn kém về thời gian và chi phí. Một số trong các thủ tục nêu trên đã không còn cần thiết. Vì vậy xem xét, sửa đổi, cắt bỏ một số thủ tục không còn phù hợp là điều cần thiết đối với VN lúc này”, ông Lộc kiến nghị.

Viết lại luật DN, bỏ luật Đầu tư ?

Góp ý dự luật DN, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty luật Basico, cho rằng việc sửa đổi không phải là đổi mới, mà chủ yếu là sửa sai. Đơn cử, dự thảo luật DN bổ sung giải thích: “Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi” là lấy nguyên văn quy định tại luật DN năm 2005 đã bị bỏ đi trong luật DN năm 2014.
 
Cũng theo ông Đức, nếu việc sửa đổi còn luẩn quẩn, không rõ mục tiêu, sẽ dẫn đến nguy cơ còn phải sửa đổi nhiều lần nữa. Ví dụ, DN nhà nước từ chỗ là 100% vốn nhà nước sang trên 50% theo luật DN 2005 rồi đổi thành 100% theo luật DN 2014 và giờ lại quay về trên 50% theo khoản 2, điều 2 của dự thảo luật. Vì vậy, ông Đức kiến nghị cần bắt tay vào chuẩn bị viết lại luật DN, thay đổi một cách căn bản quan điểm. Trước mắt, ban soạn thảo cần sửa đổi những vấn đề cần thiết nhất.
 
Về luật Đầu tư, luật sư Trương Thanh Đức đề nghị bỏ luật này vì đầu tư là một hoạt động của DN. Cốt lõi của luật Đầu tư là danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh, gắn với kinh doanh. Mà ngành nghề này vốn được quy định trong các luật DN trước đây. Vì vậy, có thể bỏ luật Đầu tư, đồng thời chuyển danh mục ngành, nghề cấm và đầu tư kinh doanh có điều kiện quay lại luật DN. “Đầu tư của DN là quyền tự chủ của DN. Còn đầu tư của nhà nước thì phải theo luật Đầu tư công. Do vậy, chuyển những nội dung cần thiết về đầu tư sang luật DN, có thể thêm một chương về đầu tư, trong đó có đầu tư nước ngoài”, ông Đức nói.
 

Mở đường cho hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp
Vấn đề quan trọng, thậm chí là quan trọng bậc nhất của lần sửa luật này, theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, là mở cánh cửa cho hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Dù chiếm đến hơn 30% GDP nhưng khuôn khổ chính sách áp dụng đối với chủ thể kinh doanh này hiện còn rất thiếu, chưa bình đẳng so với các DN hoạt động chính thức. Ông Lộc tha thiết đề nghị ban soạn thảo hãy thể hiện tinh thần tháo gỡ điểm nghẽn nói trên cho hàng triệu hộ kinh doanh, một trong những động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế giai đoạn tới. Đồng tình với đề xuất này, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Vũ Đại Thắng cho biết kiến nghị của VCCI hoàn toàn xác đáng, ông sẽ tiếp thu và cân nhắc báo cáo cơ quan có thẩm quyền.

 

ANH VŨ