Đề xuất bỏ loại hình hộ kinh doanh cá thể
Tại hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về dự thảo Luật sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp diễn ra ngày 20 – 2, một số ý kiến đề xuất xoá bỏ loại hình hộ kinh doanh cá thể để thúc đẩy chuyển đổi lên doanh nghiệp.
Đề xuất bỏ loại hình hộ kinh doanh cá thể
Tại hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về dự thảo Luật sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp diễn ra ngày 20 – 2, một số ý kiến đề xuất xoá bỏ loại hình hộ kinh doanh cá thể để thúc đẩy chuyển đổi lên doanh nghiệp.Đề xuất trên được ông Lê Xuân Hiền – Hội Các nhà doanh nghiệp trẻ tỉnh Hải Dương – đưa ra khi cho rằng cần xóa bỏ hộ kinh doanh thì “ngay lập tức” có thể công bố Việt Nam có tới 2 triệu doanh nghiệp.
Trong khi đó, luật sư Lê Văn Hà – Công ty Luật Pathlaw – cho rằng Luật Doanh nghiệp 2014 có nhiều điểm không chuẩn xác về kỹ thuật lập pháp. Cụ thể, quan niệm “doanh nghiệp” không bao gồm hộ gia đình, cá nhân có đăng ký kinh doanh là sai về nội hàm. Theo ông Hà, cần phải hiểu bất kỳ ai lấy kinh doanh làm nghề nghiệp chính cũng là doanh nghiệp.
Chưa kể, theo góc độ chính sách, hiện không có bất kỳ văn bản pháp luật nào quy định địa vị pháp lý, quyền, nghĩa vụ hộ gia đình có đăng ký kinh doanh. Trong khi có tới 5 triệu hộ đăng ký, tạo việc làm cho gần 10 triệu người.
Ông Phan Đức Hiếu – phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương – đặt câu hỏi: Nếu đưa hộ gia đình vào Luật doanh nghiệp thì có tạo ra cú hích lớn hay không khi mà hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi lên doanh nghiệp?
“Có đứa cháu muốn mở văn phòng kiến trúc hỏi tôi mở doanh nghiệp có tốn kém và phức tạp không hay là cứ đăng ký tạm hộ kinh doanh. Nếu Luật Doanh nghiệp có chương quy định riêng cho hộ kinh doanh thì cũng chưa biết quy định gì, khó khăn là muốn hộ kinh doanh phát triển chính quy để họ tạo ra lợi ích nhưng vấn đề là làm thế nào?”, ông Hiếu băn khoăn.
Ông Vũ Tiến Lộc – chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam – cho rằng việc sửa đổi Luật Đầu tư, Luật doanh nghiệp tới đây có nhiều vấn đề cần giải quyết.
Đơn cử, thủ tục đăng ký doanh nghiệp được ca ngợi là bước tiến của cải cách thủ tục hành chính, nhưng vẫn còn gây khó khăn cho doanh nghiệp, như: việc xác định mã ngành cấp 4 khi đăng ký kinh doanh, thời gian để hoàn thành việc đăng ký còn vênh với quy định luật, hộ kinh doanh buôn chuyến phải thực hiện nhiều thủ tục không cần thiết…
Trong khi đó, hiện cả nước có 5 triệu hộ kinh doanh cá thể nhưng khung khổ chính sách áp dụng đối với chủ thể kinh doanh này hiện còn rất thiếu, có sự chưa bình đẳng so với các doanh nghiệp hoạt động chính thức.
Do đó, ông Lộc cho rằng là đạo luật gốc về doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp cần tính đến giải pháp thúc đẩy sự chuyển đổi của hộ kinh doanh cá thể lên thành doanh nghiệp chính thức, tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và công bằng, tăng cường chất lượng quản trị để dần hình thành một thế hệ doanh nghiệp tư nhân đủ lớn, đủ mạnh.
“Đã đến lúc cần đặt câu hỏi là tại sao những đơn vị hộ kinh doanh sử dụng hàng chục, hàng trăm lao động… nhưng không được xem là doanh nghiệp? Họ chính là các doanh nghiệp tư nhân đích thực nhất.
Tại sao không thúc đẩy họ áp dụng những tiêu chuẩn quản trị tốt để dần lớn lên thành những doanh nghiệp đủ lớn? Chúng ta cần phải tháo bỏ các rào cản về thuế, về sổ sách kế toán… để hàng triệu hộ kinh doanh có động lực trở thành một cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đủ mạnh”, ông Lộc đề nghị.