Dự kiến, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un gặp nhau vào ngày 27 – 28.2 tại Hà Nội. Đây sẽ là cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2 theo sau cuộc gặp đầu tiên diễn ra ở Singapore vào ngày 12.6.2018. Khi đó, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tiết lộ chi phí cho công tác tổ chức lên tới 20 triệu SGD (hơn 342 tỉ đồng) và nhấn mạnh chính phủ Singapore “sẵn sàng chi trả”, theo tờ The Straits Times. Trong đó có phân nửa dành cho chi phí an ninh và khoảng 5 triệu SGD là chi phí truyền thông, phục vụ tác nghiệp cho khoảng 2.500 phóng viên quốc tế.
Nhân viên an ninh Singapore trước khách sạn Shangri La, nơi Tổng thống Donald Trump lưu trú trong dịp hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều đầu tiên REUTERS
Bên cạnh đó, một số cư dân mạng ban đầu tỏ ra “không vui” về việc Singapore trả chi phí khách sạn cho phái đoàn Triều Tiên, theo The Online Citizen. Tuy nhiên, số liệu ước tính sau thượng đỉnh cho thấy sự kiện này không chỉ mang lại lợi ích cho Singapore về vị thế và hình ảnh mà còn có lợi ích kinh tế rất lớn, gấp nhiều lần “vốn đầu tư”.
The Straits Times dẫn kết quả tính toán của Hãng nghiên cứu truyền thông Meltwater cho thấy Singapore đã thu về ít nhất 767 triệu SGD, tức lãi hơn 38 lần nhờ vào du lịch, bán lẻ và truyền thông. Trong đó, riêng giá trị quảng cáo dựa trên sự đề cập của truyền thông trực tuyến toàn cầu trong 3 ngày lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên ở Singapore là 270 triệu SGD. Con số này có thể còn cao hơn nếu tính cả báo in, truyền hình và mạng xã hội.
Cuộc gặp thượng đỉnh cũng là một trong những yếu tố giúp lượng du khách quốc tế đến Singapore đạt 18,5 triệu lượt, tăng 6,2% so với năm 2017 và là mức tăng cao nhất trong vòng 3 năm qua, theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Du lịch Singapore (STB). So với năm 2017, doanh thu từ du lịch tại đảo quốc này trong năm 2018 cũng tăng 1%, lên 27,1 tỉ SGD.
Ngoài ra, theo giới chuyên gia, ngành khách sạn hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc gặp, nhất là những “lợi ích vô giá”. Tính tổng cộng có khoảng 40.000 tin bài trên internet về sự kiện thượng đỉnh này và 50% trong số đó đề cập tên khách sạn Capella, địa điểm 2 nhà lãnh đạo gặp nhau. Các khách sạn Shangri-La và The St Regis, nơi lưu trú lần lượt của Tổng thống Trump và lãnh đạo Kim, cũng được nêu tên trong 1/5 lượng bài viết. Đài CNA dẫn lời chuyên gia Kevin Wee thuộc Đại học Bách khoa Nanyang (Singapore) phân tích: “Khách sạn của bạn phục vụ được tổng thống Mỹ thì cũng sẽ phục vụ được mọi đối tượng. Chẳng hạn, khi những tỉ phú muốn bao trọn gói toàn bộ một tầng cho đoàn của họ và nhấn mạnh yêu cầu về an ninh thì bạn có thể nói khách sạn của tôi thậm chí đáp ứng được cả nhu cầu của tổng thống”.
Về mặt “tiền tươi thóc thật”, số liệu từ công ty nghiên cứu STR cho thấy tỷ lệ kín phòng tại Singapore trong giai đoạn tháng 4 – 6.2018 đạt 81%, cao hơn so với tỷ lệ trung bình 70% của khu vực châu Á – Thái Bình Dương vào cùng kỳ. Xét về doanh thu trên mỗi phòng, tháng 6 là tháng mạnh nhất, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước đó. Các khách sạn tại Orchard Road, khu vực hai lãnh đạo chọn lưu trú, đều đưa ra báo cáo doanh thu trên mỗi phòng trong 3 ngày liên tiếp từ 10 – 12.6.2018 với mức tăng trưởng 2 con số.
Hơn nữa, ông Nicholas Fang, Giám đốc về các vấn đề an ninh và toàn cầu của Viện Nghiên cứu quốc tế Singapore, cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều lần thứ nhất đã giúp tăng sức cạnh tranh toàn cầu của Singapore. “Việc một quốc gia nhỏ như Singapore trở thành tâm điểm chú ý trong thời gian dài như vậy sẽ rất có lợi cho các công ty và người dân Singapore trên trường quốc tế”, ông Fang nói với The Strait Times.
Mỹ, Triều Tiên cân nhắc về văn phòng liên lạc
CNN hôm qua dẫn các nguồn tin ngoại giao cấp cao cho hay Mỹ và Triều Tiên đang “nghiêm túc cân nhắc” về thành lập văn phòng liên lạc giữa hai bên. Trong đó, bước đầu tiên có thể là trao đổi quan chức đóng vai trò đại diện liên lạc thường trực. “Washington và Bình Nhưỡng đang nghiêm túc xem xét việc trao đổi quan chức liên lạc. Động thái này có thể mở đường cho việc mở nhiều cơ sở ngoại giao, phục vụ cho lợi ích quốc gia của cả hai bên”, nguồn tin khẳng định.
Nếu tình hình diễn biến suôn sẻ, Mỹ có thể cử một số nhân sự đến lập văn phòng tại Triều Tiên và bổ nhiệm một quan chức ngoại giao cấp cao biết tiếng Triều Tiên lãnh đạo. Đối với những quốc gia không có quan hệ ngoại giao chính thức, văn phòng liên lạc có thể đóng vai trò gần giống như một đại sứ quán, có thể mở đường để tăng cường trao đổi và hướng tới xây dựng quan hệ song phương.
|
VĂN KHOA