Khó ngăn chặn, xử lý hàng Trung Quốc giả mạo hàng Việt
Bộ Công thương đã chính thức đưa ra cảnh báo về tình trạng hàng nước ngoài giả mạo xuất xứ ‘made in Vietnam’ để hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu đi nước ngoài.
Khó ngăn chặn, xử lý hàng Trung Quốc giả mạo hàng Việt
Bộ Công thương đã chính thức đưa ra cảnh báo về tình trạng hàng nước ngoài giả mạo xuất xứ ‘made in Vietnam’ để hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu đi nước ngoài.
Các loại nhãn mác của những hãng thời trang lớn bày bán tràn lan tại một chợ ở Q.5, TP.HCM – Ảnh: NGỌC HIỂN
Không phải đến bây giờ, tình trạng bị lạm dụng xuất xứ “made in Vietnam” mới rơi vào tâm điểm chú ý, buộc cơ quan quản lý phải lên tiếng, nhất là khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nhiều nền kinh tế lớn trên toàn cầu.
Hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã, đang và sắp đi vào thực thi ngày càng đòi hỏi nghiêm ngặt về hàm lượng giá trị sản xuất tại nội địa phải đạt tỉ lệ đúng với các cam kết trong các FTA mà Việt Nam đã ký.
Việc cần sớm có biện pháp quản lý, trong đó có hành lang pháp lý, quy định chặt chẽ là yêu cầu đặt ra để không làm tổn hại đến hàng xuất khẩu Việt Nam trước nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đang gia tăng.
Chỉ cần bước chân ra chợ Tân Bình hay các khu dân cư lân cận gần đó, ai cũng có thể mua các loại nhãn mác, thương hiệu tùy thích để gắn vào sản phẩm. Vấn đề này tồn tại bao năm qua, ai cũng thấy, nhưng cơ quan chức năng không dẹp được thì đừng nói gì ngăn chặn hàng giả, hàng nhái đối với các thương hiệu uy tín, hay hàng không rõ nguồn gốc tràn lan trên thị trường hiện nay
Ông Lý Thành Sinh (tổng giám đốc Công ty cổ phần may thêu Minh Long Hưng, Q.9, TP.HCM)
Dễ giả mạo xuất xứ, nhãn mác bán tràn lan
Ông Diệp Thành Kiệt, phó chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (Lefaso), cho rằng khả năng chuyển tải bất hợp pháp từ Trung Quốc sang Việt Nam rất cao, “nhất là trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang leo thang”.
Đơn cử trong ngành sản xuất túi xách, một sản phẩm được cho là sản xuất trong nước phải được thực hiện đầy đủ các công đoạn cắt, may và đóng gói. Nếu doanh nghiệp trong nước chỉ cần nhập khẩu nguyên liệu đã được cắt sẵn từ Trung Quốc, sau đó tiếp tục thực hiện các công đoạn tiếp theo là may và đóng gói thì sản phẩm này vẫn không được tính “made in Vietnam”.
“Tôi đặc biệt lưu ý đến chi tiết này vì biết có rất nhiều doanh nghiệp trong ngành còn nhầm lẫn khái niệm này, có thể vô tình tiếp tay cho hoạt động chuyển tải bất hợp pháp cho doanh nghiệp Trung Quốc mà không nghĩ là mình đã vi phạm”, ông Kiệt nhấn mạnh.
Thực tế cũng cho thấy giữa Việt Nam và Trung Quốc hoạt động tiểu ngạch qua biên giới rất phổ biến, nên khả năng sản phẩm chưa hoàn chỉnh, hoặc thậm chí hoàn chỉnh đi vào Việt Nam, từ đó sử dụng nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam để xuất đi Mỹ là điều có thể xảy ra.
Chưa kể, nếu muốn chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng không phải là điều khó, vì túi xách có quy trình sản xuất đơn giản hơn rất nhiều so với ngành giày dép, chỉ cần khoảng 200.000 USD là có thể đầu tư hoàn tất “phần cứng” cho một nhà máy sản xuất túi xách quy mô trung bình trở xuống.
Theo ông Lý Thành Sinh, tổng giám đốc Công ty cổ phần may thêu Minh Long Hưng (Q.9, TP.HCM), nếu chỉ vì lợi nhuận, việc đặt mua hàng từ Trung Quốc đưa về gắn mác “made in Vietnam” là điều rất dễ dàng, vì đủ loại nhãn mác, thương hiệu vô danh hay nổi tiếng đều có thể tìm thấy ở các chợ đầu mối phụ liệu ngành may mặc lớn tại TP.HCM.
Cũng theo ông Sinh, tùy theo quan điểm và chiến lược phát triển của từng doanh nghiệp, việc đặt mua sản phẩm hoàn chỉnh “tận lò” được sản xuất tại Trung Quốc rồi “tuồn” về Việt Nam hòng tăng lợi nhuận nhiều hơn so với việc tổ chức sản xuất như hiện nay “chỉ có chính bản thân doanh nghiệp đó mới biết được, chứ chẳng ai dại mà tự nhận đâu”.
Trong khi đó, theo tính toán của chính ông Sinh, nếu một sản phẩm quần áo dành cho trẻ sơ sinh được công ty ông sản xuất có giá thành “nếu nôm na quy đổi là 20 đồng thì đặt từ Trung Quốc chỉ mất 10 đồng.
Giá hời như vậy, hỏi ai không ham. Nhưng vấn đề là tâm huyết và bản lĩnh của doanh nghiệp lớn tới đâu để vượt qua cám dỗ này để giữ chữ tín, hay xa hơn là giữ vững thương hiệu đã bỏ công gầy dựng bấy lâu nay hay không”, ông Sinh tình thật.
Không ít sản phẩm nhái thương hiệu quốc tế trên thị trường hiện nay dù có xuất xứ không rõ ràng, hoặc được sản xuất từ quốc gia khác, nhưng vẫn có mác “made in Vietnam” – Ảnh: T.T.D.
Nhiều hệ lụy cho hàng xuất khẩu
Thông tin cho Tuổi Trẻ, ông Trần Thanh Hải – phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – cho biết chưa ghi nhận trực tiếp vụ việc liên quan đến hàng hóa nước ngoài giả mạo xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế, song hiện tượng gian lận thương mại thông qua ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam ngày càng gia tăng.
Thực tế, có trường hợp hàng hóa được sản xuất nhập khẩu từ nước ngoài hoặc đặt gia công tại nước ngoài nhưng lại gắn mác là hàng “made in Vietnam” để gian lận thương mại, đánh lừa người mua. Hoặc cũng có trường hợp thương nhân không cố tình gian lận nhưng do không lường hết hậu quả.
Vị đại diện Bộ Công thương cũng cho rằng việc gian lận ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam không những gây hậu quả trực tiếp đến sản phẩm cụ thể, ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn có tác động không nhỏ đến ngành hàng trong nước, làm giảm uy tín và tính cạnh tranh của hàng sản xuất tại Việt Nam.
Vị này dẫn chứng: thực tế thời gian qua một số thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã tăng cường sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.
Đồng thời các quốc gia cũng tích cực giám sát, theo dõi sự biến động của luồng hàng hóa nhập khẩu sau khi biện pháp được áp dụng để phát hiện các hành vi gian lận, trong đó có gian lận xuất xứ.
Dẫn tới, khi bị phát hiện hành vi gian lận, các nước thường áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa tương tự tại quốc gia xảy ra hành vi gian lận. Thực tế này gây ảnh hưởng liên đới tới các doanh nghiệp xuất khẩu chân chính.
Cục Xuất nhập khẩu dẫn chứng, các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đang có xu hướng gia tăng (tính đến tháng 11-2018 đã có 19 vụ).
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng giả mạo xuất xứ ngày càng gia tăng, theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, trước hết là do Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do với nhiều nước, nhiều dòng thuế được cắt giảm.
Trong khi đó, Việt Nam lại chưa có quy định về tiêu chí hàng hóa để được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam, khái niệm “hàng hóa Việt Nam” có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau như hàng hóa có xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi khi xuất khẩu hoặc hàng hóa có công đoạn sản xuất tại Việt Nam hoặc hàng hóa có thương hiệu của Việt Nam, nên thường bị nhầm lẫn.
Đặc biệt, Hoa Kỳ và một số nước khác cho phép nhà nhập khẩu được tự khai, tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa nên không loại trừ khả năng hành vi gian lận xảy ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Cần quản lý chặt, hoàn thiện quy định
Do đó, Bộ Công thương cho biết phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam cho hàng xuất khẩu, trong đó đặc biệt lưu ý tới một số mặt hàng có nguy cơ cao trong việc làm giả xuất xứ Việt Nam.
Đồng thời phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) để tổ chức theo dõi, nắm bắt những biến động bất thường trong hoạt động xuất khẩu sang một số thị trường để từ đó có biện pháp kiểm tra, xác minh và xử lý phù hợp đối với các hành vi gian lận xuất xứ, làm ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp.
Do đó, đại diện Bộ Công thương khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, đồng thời phối hợp theo dõi sát thị trường để có thể kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý khi thấy có dấu hiệu bất thường, tránh để các ngành sản xuất – xuất khẩu của Việt Nam bị liên lụy và bị ảnh hưởng bởi các biện pháp chống lẩn tránh tại một số thị trường nhập khẩu.
Đồng thời, bộ này cho biết đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, trình Chính phủ cho phép ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về ghi nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.
Hiện việc ghi nhãn là tự nguyện, tự kê khai nên bộ này cho rằng khi cá nhân, tổ chức thực hiện ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam, hàng hóa bắt buộc phải đáp ứng tiêu chí và phải chứng minh việc đáp ứng tiêu chí đó khi được yêu cầu; hoặc chứng minh được việc hàng hóa trải qua các công đoạn sản xuất, gia công có phát sinh giá trị tại Việt Nam.
Hàng lậu từ bao lì xì đến cái tăm
Phát biểu tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo 389 quốc gia chiều 19-2, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình lo ngại về tình trạng vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới Tây Nam và phía Bắc đang có dấu hiệu gia tăng. Nhưng hầu hết vụ việc phát hiện và xử lý có quy mô nhỏ.
Nêu cụ thể về tình trạng hàng hóa vi phạm tràn vào, tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho hay hiện nay rác thải phế liệu đang tràn vào Việt Nam bằng đường bộ. Bởi sau khi các cơ quan chức năng ngăn chặn quyết liệt ở đường biển thì các đối tượng vi phạm lại chuyển đưa vào nước ta qua đường mòn, lối mở. Các lực lượng biên phòng, hải quan, công an… chỉ cần chặn trong 1 tháng là nắm được tình hình ngay.
Như trước Tết Nguyên đán 2019, ngành hải quan và biên phòng đã ra quân ngăn chặn hàng vi phạm ở đường mòn lối mở khu vực biên giới Lạng Sơn. Chỉ 1 tuần thôi, hàng lậu bắt được đủ loại từ bao lì xì đến cái tăm… cũng giả nhãn mác Việt Nam” – ông Cẩn nêu.