Học sinh đi học… nhớ
Trước áp lực bài vở hằng ngày của con trẻ, không ít phụ huynh đã cho con đến những khoá tăng cường kỹ năng học tập, trong đó nổi bật là khả năng phát triển trí nhớ.
Học sinh đi học… nhớ
Trước áp lực bài vở hằng ngày của con trẻ, không ít phụ huynh đã cho con đến những khoá tăng cường kỹ năng học tập, trong đó nổi bật là khả năng phát triển trí nhớ.Nhiều phụ huynh chia sẻ, sau khi tham gia các khóa học trên, con mình giờ đây đã có thời gian vui chơi nhiều hơn nhờ giảm đi thời gian học bài hằng ngày.
Có sự thay đổi
Đến một lớp rèn luyện trí nhớ của một trung tâm ở TP.HCM, chúng tôi ghi nhận không khí sôi nổi và ánh mắt hào hứng ở những đứa trẻ từ 7-15 tuổi đang tham gia các hoạt động rèn luyện não bộ. Trong hội trường rộng với khoảng 80 người lần lượt trải nghiệm những bài tập, thực hành những phương pháp nhớ các con số hay hình ảnh…
Chị Phan Thị Thanh Thủy (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết cách đây một năm chị gặp nhiều khó khăn trong cách dạy con, đồng thời cảm thấy con mình quá cực nhọc với việc học bài, có khi phải thức đến tận khuya.
Sau một năm cho con đi học, con chị đã rút ngắn được thời gian học bài, chẳng hạn trước đây cần nửa tiếng ghi nhớ một bài lịch sử thì giờ chỉ chừng 5-10 phút là con đã thuộc rất kỹ.
Con chị Thủy, bé Anh Thư, cũng cho hay ngày trước rất ghét những con số và không thể nhớ dữ liệu dạng này. Tuy nhiên, do tiếp thu phương pháp nhớ thông qua hình ảnh và tưởng tượng, Thư dần tiến bộ. Nhờ rèn luyện chăm chỉ, Thư đã nằm trong số những tuyển thủ của đội Siêu trí nhớ Việt Nam chuẩn bị tham gia những đấu trường quốc tế.
Anh Nguyễn Minh Tân (Q.Tân Bình, TP.HCM) có con học lớp 4 Trường tiểu học Á Châu (TP.HCM). Từ tháng 4-2018, anh cho con theo học một trung tâm rèn luyện trí nhớ vì muốn con có một môi trường rèn luyện phương pháp học tập tốt.
Dù tiến bộ không nhiều về trí nhớ nhưng anh lại hài lòng khi con mình đã mạnh dạn hơn trước đám đông, đồng thời cháu đã kiên trì hơn khi có thêm những mục đích phấn đấu hằng tuần để vượt qua những cột mốc mới.
Ứng dụng nhiều trong đời sống
Đại diện một trung tâm có giảng dạy phương pháp ghi nhớ tại TP.HCM cho biết số lượng học sinh đăng ký luôn tăng qua mỗi năm. Trong năm 2019, trung tâm dự kiến mở thêm các lớp dạy online trên website, cung cấp đầy đủ thông tin, lộ trình học, qua đó giúp đem phương pháp trí nhớ đến với mọi người.
Ông Nguyễn Phùng Phong – HLV trưởng đội tuyển Siêu trí nhớ Việt Nam – cho biết đối với học sinh, mục đích của những phương pháp này là làm sao khi nghe thầy cô giảng bài, các em biết cách lấy nội dung quan trọng và sau buổi học các em có thể nhớ ngay hôm nay thầy cô đã dạy những gì.
Giới thiệu về bộ môn trí nhớ, ông Phong cho biết trên thế giới hiện đang có 10 phân môn và mang ý nghĩa ứng dụng thực tiễn khác nhau.
Chẳng hạn môn Random Word, người học sẽ phải nhớ một số lượng từ ngữ bất kỳ trong khoảng thời gian ngắn nhất, qua đó có thể ứng dụng khi học từ vựng ngoại ngữ. Hay môn Random Number yêu cầu người học phải nhớ một số lượng con số trong thời gian yêu cầu, nhờ đó học sinh dễ dàng vượt qua những khó khăn với các cột mốc sự kiện lịch sử…
Ông Phong chia sẻ quá trình luyện trí nhớ để ứng dụng vào đời sống với những người bình thường – trong đó có học sinh – thì không mấy khó khăn. Theo đó, chỉ cần học lý thuyết trong vài buổi, sau đó rèn luyện mỗi ngày 15 phút trong tầm 3 tháng là có thể sử dụng thành thạo.
“Mỗi người có điểm mạnh và điểm yếu khác nhau, như không phải ai cũng giỏi toán, không phải ai cũng giỏi tiếng Anh. Dựa vào cách xử lý thông tin của bộ não khác nhau, mỗi người có thể chọn lựa phương pháp tối ưu cho mình” – ông Phong nói.
Ông Phong nói thêm, nếu muốn rèn luyện để đi thi những cuộc thi về siêu trí nhớ trên thế giới thì người luyện cần có tính kiên trì. Trong bộ môn trí nhớ có 10 đẳng cấp (level), mỗi cấp có một yêu cầu khác nhau. Người luyện đến cấp 5 hay 6 thì thuộc dạng giỏi, và nếu tới cấp 10 sẽ được mời vào tập huấn trong đội tuyển Siêu trí nhớ Việt Nam.
Phụ huynh cần tìm hiểu kỹ
TS Huỳnh Văn Chẩn – phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam – cho biết rèn luyện là một trong những phương pháp nâng cao khả năng ghi nhớ, và các lớp hướng dẫn nâng cao kỹ năng này trên thế giới đã có rất nhiều.
Tuy vậy, ở Việt Nam các trung tâm giảng dạy cách tăng cường trí nhớ cần đảm bảo về mặt pháp lý và chuyên môn, được các cơ quan cấp trên công nhận, tránh trường hợp mượn tiếng luyện trí nhớ để thu hút học sinh nhưng chất lượng thì chưa chắc đảm bảo. Đồng thời, những người giảng dạy các môn này nhất thiết phải có chuyên môn về tâm lý học cũng như các kiến thức giáo dục kỹ năng.
Dành lời khuyên cho những phụ huynh muốn cho con theo học những khóa về trí nhớ, ông Chẩn cho rằng cha mẹ cần tìm hiểu thật kỹ, nếu cần thiết có thể liên hệ với các cơ quan chức năng như sở GD-ĐT để xem những trung tâm này có đang hoạt động đúng chức năng và đảm bảo về chất lượng hay không.
Bí quyết nằm ở hiểu bản thân mình
Theo kỷ lục gia trí nhớ thế giới Dương Anh Vũ, để rèn luyện trí nhớ, phương pháp không phải quan trọng nhất mà đó chỉ là công cụ, và việc của người sử dụng trí nhớ là tìm ra công cụ nào phù hợp với mình nhất.
Anh Vũ chia sẻ thêm, tùy vào dạng thông minh, sẽ có những phương pháp ghi nhớ khác nhau. Chẳng hạn, nếu một đứa trẻ sở hữu trí năng âm nhạc thì chúng thường tiếp thu rất tốt nếu môi trường đó đầy giai điệu, lời ca tiếng hát, do đó vừa học vừa nghe nhạc sẽ dễ tiếp thu. Một điều nữa là cảm xúc khi ghi nhớ, ở đây là việc chúng ta dùng màu sắc, âm thanh, hình ảnh vào dữ kiện sao cho sinh động nhất. Cuối cùng là việc sắp xếp thông tin hợp lý để tạo ra phản xạ tốt nhất.