24/12/2024

Giới thượng lưu Triều Tiên dần quen với Sony và Dior

Dưới thời của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, cuộc sống văn hóa tinh thần của người dân Triều Tiên đang dần thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn.

 

Giới thượng lưu Triều Tiên dần quen với Sony và Dior

Dưới thời của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, cuộc sống văn hoá tinh thần của người dân Triều Tiên đang dần thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn.


 

Giới thượng lưu Triều Tiên dần quen với Sony và Dior - Ảnh 1.

Bên trong một cửa hàng bán giày thể thao tại thủ đô Bình Nhưỡng, ngày 1-2-2019 – Ảnh: AP

Những vũ công mặc trang phục ngắn hơn, những mẫu giày thể thao hiện đại giống với phương Tây dần xuất hiện tại các cửa hiệu, phim truyền hình kịch tính hơn… Những thay đổi nhỏ đang dần xuất hiện và nâng cấp đời sống tinh thần của người Triều Tiên.

Thân thiện hơn với văn hóa nước ngoài

“Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là sản xuất ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng” – Kim Kyong Hui, chủ Nhà máy sản xuất giày Ryuwon, nói với AP. Nhìn sơ qua một vòng, có thể thấy nhà máy của bà Kim chất đầy hàng tá các loại giày chạy bộ, giày chơi bóng đá, bóng chuyền và cả bóng bàn.

“Sự ngưỡng mộ ông Kim Jong Un là động lực cho chúng tôi học hỏi thế giới và ứng dụng tại quê nhà” – bà Kim nói trong lúc giới thiệu một chiếc giày cao cổ chuyên dùng chơi bóng rổ.

Tờ AP cho rằng Triều Tiên vẫn là một trong những nước “khép mình” với thế giới nhất. Tuy nhiên, dưới thời ông Kim Jong Un, đã có những sự mạnh dạn trong việc thử nghiệm văn hóa.

Có thể nhìn thấy sự thay đổi rõ nét khi theo dõi chương trình truyền hình và phim tài liệu của Triều Tiên. Trước đây, Đài truyền hình trung ương Triều Tiên (KCTV), nguồn tin truyền hình duy nhất tại nước này, thường phát sóng những nội dung có phần đơn điệu, ca ngợi chủ nghĩa yêu nước. Nhưng giờ mọi người đều đang phát sốt với bộ phim The wild ginseng gatherers of the Imjin war, tạm dịch Người hái nhân sâm trong cuộc chiến Imjin (chiến tranh Nhật Bản – Triều Tiên 1592-1598).

Khán giả xem đài cũng sẽ “dừng tất cả mọi thứ đang làm để theo dõi” bộ phim hoạt hình The boy general, tạm dịch Thiếu niên tướng soái, theo AP mô tả. Phim ra mắt năm 2015, dựa trên bộ truyện cùng tên ra mắt lần đầu năm 1987, cho thấy công nghệ kỹ xảo vi tính và trình độ làm phim đầy ấn tượng của Triều Tiên.

Sự nâng cấp đáng kể về công nghệ giải trí phản ánh tầm nhìn của Triều Tiên dưới thời ông Kim Jong Un: thân thiện hơn với văn hoá nước ngoài.

Sự thay đổi ở thượng lưu

Sự thay đổi còn được thấy ở tầng lớp thượng lưu. Tờ AP đánh giá rằng thay đổi trong văn hóa tiêu dùng là rõ nét nhất. Giới có tiền tại Triều Tiên đang dần quen với các sản phẩm mang thương hiệu nước ngoài như Dior hay Sony, được bày bán ở khắp các cửa hiệu tại thủ đô Bình Nhưỡng. Khách hàng có thể trả bằng tiền mặt hoặc thẻ ngân hàng. Ngoài ra, các cửa hiệu cũng hay triển khai chương trình giảm giá, khuyến mãi.

Các rạp chiếu phim tại Triều Tiên cũng đã “mở cửa” và phim Ấn Độ khá được ưa chuộng. Ngành giáo dục cũng cho trình chiếu nhiều bộ phim tài liệu nước ngoài, còn truyện Harry Potter thì rất được quan tâm tại Thư viện trung ương thủ đô Bình Nhưỡng.

Về âm nhạc, Triều Tiên cũng tích cực trao đổi với Hàn Quốc. Vào tháng 4-2018, truyền thông đồng loạt đăng tải ông Kim Jong Un thích thưởng thức âm nhạc Hàn Quốc (K-pop), sau khi ông tham gia một buổi hòa nhạc kéo dài hai giờ do nghệ sĩ Hàn Quốc và Triều Tiên biểu diễn.

Trước đó, vào năm 2012, ông Kim cũng thành lập nhóm nhạc nữ Moranbong, một ban nhạc mang âm hưởng hiện đại, trình diễn những nhạc phẩm trẻ trung trong những bộ cánh đầy màu sắc.

Ông Kim cũng từng tham dự buổi trình diễn của nhóm nhạc nữ Red Velvet của Hàn Quốc. Đây được xem là buổi biểu diễn K-pop công khai đầu tiên được tổ chức tại Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, các dàn nhạc quân đội và các giọng ca được đào tạo bài bản, biểu diễn trong trang phục truyền thống choson-ot vẫn được xem là trụ cột của nền âm nhạc Bình Nhưỡng.

Cho dù là những nỗ lực để bắt kịp với Hàn Quốc hay là chỉ dấu cho thấy ông Kim cởi mở với văn hóa phương Tây hơn thế hệ lãnh đạo trước đây, thì sự thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn đang lan tỏa trên nhiều khía cạnh đời sống tinh thần của người dân tại quốc gia này là một thực tế không thể phủ nhận.

Triều Tiên và Nga ký kết hợp tác văn hóa

Hãng thông tấn TASS của Nga đưa tin nước này và Triều Tiên đã ký kết thỏa thuận hợp tác và trao đổi văn hóa.

Bản “Kế hoạch hợp tác văn hoá” cho hai năm 2019-2020 bao gồm sáu hạng mục về các lĩnh vực như: gìn giữ di sản quốc gia, nghệ thuật, hợp tác về thư viện và thương mại như tổ chức triển lãm và bảo vệ bản quyền…

Kế hoạch hợp tác cũng nhằm mục đích kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao song phương giữa Nga và Triều Tiên.

Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí tổ chức Hội đồng liên chính phủ Nga – Triều (IGC) vào ngày 6-3 tới tại Bình Nhưỡng để xây dựng cầu nối văn hóa, thúc đẩy giao thương, hợp tác trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, khoa học và công nghệ.

Đứng trước bước ngoặt lịch sử quan trọng

Trước thềm thượng đỉnh lần 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ở Hà Nội cuối tháng này, truyền thông Nhà nước Triều Tiên cho biết nước này đang đối diện với “bước ngoặt lịch sử quan trọng”.

“Đã đến lúc chúng ta thắt chặt dây giày và chạy nhanh, tìm kiếm một mục tiêu cao hơn khi đối mặt với thời khắc quyết định này” – bài xã luận đăng ngày 18-2 của báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Uỷ ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, viết.

Theo tờ này, Triều Tiên đang đối mặt với một bước ngoặt lịch sử quan trọng. Rodong Sinmun cũng kêu gọi người dân Triều Tiên nỗ lực nhiều hơn để thúc đẩy nền kinh tế của đất nước. “Mỗi và mọi sản phẩm nên được làm ra để giúp đất nước chúng ta vươn lên” – báo này viết.

 

ANH THƯ

MINH KHÔI