20/11/2024

Đưa kinh tế ngầm ra ánh sáng

Khu vực kinh tế ngầm, chưa quan sát được đang hằng ngày hoạt động. Không thống kê, quan sát, quản lý được có thể gây thất thu, thậm chí tác động tiêu cực cho nền kinh tế.

 

Đưa kinh tế ngầm ra ánh sáng

Khu vực kinh tế ngầm, chưa quan sát được đang hằng ngày hoạt động. Không thống kê, quan sát, quản lý được có thể gây thất thu, thậm chí tác động tiêu cực cho nền kinh tế.



Đưa kinh tế ngầm ra ánh sáng - Ảnh 1.

Lãnh đạo Tổng cục Thống kê chia sẻ về cách làm sắp tới. Nhưng câu chuyện đưa kinh tế ngầm ra ánh sáng không chỉ là thống kê, mà còn cần nhiều giải pháp mạnh.

Hàng chục tỉ USD bỗng “vô hình”

Nhiều chuyên gia giật mình trước số liệu thương mại, đầu tư được Đại sứ quán Trung Quốc công bố đang có sự chênh lệch đáng kể so với cơ quan thống kê trong nước. 

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước được Đại sứ quán Trung Quốc công bố đạt tới 120 tỉ USD năm 2017, và 66 tỉ USD trong nửa đầu năm 2018. Tuy nhiên, số liệu của Tổng cục Thống kê công bố cùng kỳ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương năm 2017 đạt 93,8 tỉ USD, nửa đầu năm 2018 đạt 47,7 tỉ USD. 

Như vậy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2017 giữa hai nước được Tổng cục Thống kê công bố thấp hơn số liệu phía Trung Quốc 26,2 tỉ USD, và trong nửa đầu năm 2018 thấp hơn 18,3 tỉ USD. Theo một chuyên gia ngành công thương, điều này cho thấy hoạt động kinh tế ngầm – phần lớn là buôn bán tiểu ngạch, thậm chí là buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế qua biên giới Việt – Trung không hề nhỏ. Điều này đang tác động lớn đến sản xuất trong nước.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), ở nước ta có xu hướng những người càng minh bạch càng thiệt thòi, càng tuân thủ pháp luật tốt càng khó cạnh tranh. Khu vực kinh tế ngầm có quy luật, lợi ích riêng và những cá nhân, tổ chức hoạt động trong khu vực này có xu hướng thoát khỏi tầm quản lý của cơ quan nhà nước.

Trong khi đó, Tổng cục Thuế cho hay trong năm 2018 cả nước có tới 581.700 hộ kinh doanh chưa được đưa vào diện quản lý thuế. Chuyện “lọt sổ” của nhiều hộ kinh doanh hay nộp thuế ít so với doanh thu thực tế không mới. 

Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế đưa ngay những hộ kinh doanh này vào diện quản lý thuế, đồng thời các cục thuế phải thường xuyên rà soát với các cá nhân kinh doanh không thường xuyên như xe ôm, kinh doanh quán cóc, vỉa hè, hộ kinh doanh tại các điểm tự phát.

Đó là chưa kể đến các hoạt động đánh bạc, ghi lô, đề (Công an tỉnh Thanh Hóa vừa bắt giữ đường dây lô, đề qua Zalo, Facebook, hoặc tin nhắn điện thoại có giao dịch hàng trăm tỉ đồng), hoạt động mại dâm, cho vay nặng lãi dưới hình thức tiệm cầm đồ, hỗ trợ tài chính…

Đưa kinh tế ngầm ra ánh sáng - Ảnh 2.

Bạn trẻ chọn mua quần áo online trên Facebook – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tránh chính sách ”bàn giấy”

Với mục tiêu thống kê đầy đủ, toàn diện quy mô nền kinh tế, hoàn thiện chuyên môn, chuẩn mực thống kê theo thông lệ quốc tế, mới đây Thủ tướng đã phê duyệt đề án thống kê khu vực kinh tế chưa quan sát (NOE) và giao cho Tổng cục Thống kê thực hiện. Dự kiến từ năm 2020 trở đi sẽ cộng gộp quy mô NOE vào GDP của VN.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm – tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, khu vực NOE gồm 5 nhóm: kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp, kinh tế phi chính thức, tự sản tự tiêu hộ gia đình và hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong thu thập dữ liệu thống kê.

Về việc thống kê NOE cộng gộp vào GDP đang gây ra những phản ứng trái chiều, lo ngại làm đẹp chỉ tiêu tăng trưởng…, ông Lâm xác nhận có ý kiến như vậy nhưng cho rằng đến nay chỉ có kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp chưa thống kê vào quy mô GDP hằng năm. Ba nhóm còn lại đã được thống kê những năm qua nhưng chưa đầy đủ. 

Việc thực hiện đề án thống kê NOE sẽ tính toán đầy đủ khu vực kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp và 3 nhóm còn lại để xác định sát thực hơn quy mô nền kinh tế.

Với việc thống kê NOE, ông Lâm khẳng định sẽ mang lại hiệu ứng tích cực. Lâu nay Chính phủ thiếu chính sách quản lý và hỗ trợ cho NOE. Khi muốn phát triển kinh tế bao trùm, Chính phủ không thể bỏ sót khu vực nào trong hoạch định chính sách. 

Sẽ khó có một chính sách bao trùm nếu như bỏ sót một phần khá lớn hoạt động của nền kinh tế. Một khi không quan sát và nhận diện hết được các đặc tính riêng của một khu vực nào đó, các chính sách thường không thực tế – chính sách “bàn giấy”.

Với quyết tâm thực hiện, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng hoạt động NOE đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực, có những lĩnh vực phải hoàn thiện thể chế, tăng chế tài để thu hẹp quy mô. Ví dụ như tình trạng buôn lậu phải được ngăn chặn, hoặc cá nhân, tổ chức đăng ký ở ngành này làm ở ngành khác, kinh doanh không đăng ký thì phải bổ sung quy định pháp lý để tiến tới có thể quản lý được.

Ông Lâm cho hay để thống kê 5 nhóm hoạt động kinh tế thuộc NOE, Tổng cục Thống kê sẽ sử dụng phương pháp thống kê trực tiếp để đo lường kết quả sản xuất kinh doanh của hoạt động kinh tế phi chính thức, hoạt động kinh tế tự sản tự tiêu của hộ gia đình và hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thống kê để nâng cao tính chính xác.

Đối với hoạt động kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp, sẽ sử dụng phương pháp thống kê gián tiếp, hoặc ước lượng bằng phương pháp lập mô hình kinh tế vĩ mô để đo lường. Tổng cục Thống kê cũng sử dụng phương pháp sản xuất để cập nhật kết quả sản xuất kinh doanh của khu vực NOE.

Đưa kinh tế ngầm ra ánh sáng - Ảnh 3.

Phải thay đổi nền kinh tế tiền mặt

Giải thích vì sao quy mô NOE còn lớn, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh – giám đốc nghiên cứu Công ty Viet Analytics – cho rằng đa phần hoạt động kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp hiện không thống kê được, một phần do công tác thống kê, nhưng nguyên nhân chính do nền kinh tế sử dụng quá nhiều tiền mặt.

Hơn nữa, muốn thống kê được NOE trước hết phải hợp pháp hóa để thu hẹp khu vực này và đương nhiên vẫn còn một phần kinh tế ngầm sẽ không thể thống kê. Nhiều nước cũng chỉ ước tính quy mô khu vực kinh tế ngầm chứ không thống kê chính xác. “Ngay cả doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh đôi khi vẫn kinh doanh ngoài sổ sách” – ông Đinh Tuấn Minh nói.

Theo vị chuyên gia này, việc lập đề án thống kê kinh tế không quan sát, hướng tới thu hẹp khu vực này đang đi đúng hướng, nhưng cần giải pháp mạnh mẽ hơn, thúc đẩy việc giao dịch, mua bán không dùng tiền mặt, hợp pháp hóa một số hoạt động kinh tế ngầm và cải thiện công tác thống kê.

Đề án thống kê NOE cũng nhấn mạnh đến 6 giải pháp để thu hẹp phạm vi, quy mô khu vực kinh tế ngầm, bất hợp pháp, trong đó nhấn mạnh việc sẽ ban hành văn bản pháp lý quy định đăng ký sản xuất kinh doanh, nghĩa vụ đóng góp ngân sách nhà nước, quy định sử dụng lao động, cung cấp tín dụng, mức đóng và hưởng bảo hiểm xã hội, quy định xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hoạt động kinh tế ngầm.

Luật chặt chẽ, kinh tế ngầm sẽ nhỏ

Theo nghiên cứu của giáo sư kinh tế Friedrich Schneider thuộc Đại học Johannes Kepler of Linz (Áo), tại hơn 50 nước trên thế giới, quy mô của kinh tế ngầm tương đương ít nhất 40% GDP chính thức.

Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho rằng kinh tế ngầm thường không được tính toán vào số liệu GDP chính thức khiến các chỉ số kinh tế trở nên thiếu chính xác, kèm theo đó là nhà nước thất thu một lượng thuế khổng lồ. Điều này tương đối phổ biến.

Nghiên cứu của giáo sư Friedrich Schneider lại cho thấy những nước có luật pháp chặt chẽ và thu thuế hiệu quả thì quy mô kinh tế ngầm rất nhỏ, như Thụy Sĩ với tỉ lệ 7,2%, theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Với những quốc gia có tỉ lệ kinh tế ngầm cao, nền kinh tế sẽ vô cùng trì trệ. Như Hi Lạp từng suýt lâm vào cảnh phá sản khi hơn 31 tỉ USD tiền thuế, tương đương 10% GDP, chính thức bị thất thu.

Minh Khôi

Ông Đậu Anh Tuấn (trưởng ban pháp chế VCCI):

Tạo động lực để chính thức hóa, minh bạch hóa

 

dauanhtuana
 

Quy mô khu vực kinh tế ngầm, kinh tế chưa quan sát hay “kinh tế xám” còn lớn, nhiều giao dịch đáng 10 đồng nhưng chỉ khai 3-4 đồng. Quy mô “kinh tế xám” theo một số nghiên cứu gần đây tương đương khoảng 30% GDP và có xu hướng thu hẹp dần.

Thu hẹp khu vực kinh tế ngầm sẽ tạo môi trường kinh doanh bình đẳng hơn. Phải giảm rào cản để khu vực ngầm có động lực, dễ dàng chính thức hóa, minh bạch hóa. Như phải thúc đẩy được 5 triệu hộ kinh doanh hiện nay có động lực trở thành doanh nghiệp chính thức.

Muốn vậy, phải làm cho gánh nặng hành chính về thuế, kế toán, kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, những rủi ro của hệ thống pháp luật với doanh nghiệp giảm. Chứ hiện nay nếu hộ kinh doanh chính thức hóa họ bị thiệt thòi, rủi ro và sợ không cạnh tranh được.

Gánh nặng rủi ro khi chính thức hóa còn cao nên trong kinh doanh, doanh nghiệp càng nổi càng có xu hướng rơi vào tầm ngắm của các cơ quan quản lý nhà nước, làm ăn đường hoàng lại thiệt thòi hơn, nên mới có câu “khôn dựng trại, dại dựng nhà”.

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo (trưởng khoa tài chính ĐH Kinh tế TP.HCM):

Phá hoại ghê gớm

 

nguyenkhacquocbao
 

Một số loại kinh tế ngầm, đặc biệt nạn buôn lậu, gian lận thương mại… phá hoại nền kinh tế rất lớn vì tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, ngân sách thất thu. Do vậy, cần thiết phải thống kê khu vực này để từng bước có biện pháp quản lý hiệu quả.

Tôi cho rằng đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát là hợp lý. Tuy nhiên quan trọng nhất là kỹ thuật và phương pháp đo lường thế nào vì hiện nay có rất nhiều loại hình kinh doanh, dù công khai nhưng rất khó thống kê, chẳng hạn như kinh doanh qua mạng, bán hàng qua Facebook.

Rồi các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp nhưng sử dụng hệ thống hai sổ sách, kinh doanh vỉa hè kê khai doanh thu thấp… Đó là chưa kể những mảng tối trong kinh tế ngầm, trong đó có tín dụng đen.

Do vậy, để có thể thống kê ra con số gần đúng nhất cần có phương pháp khả thi để làm sao đo lường được, từ đó từng bước giải quyết triệt để, đưa kinh tế ngầm từ bóng tối ra ánh sáng. Nói cách khác, cần phương pháp tốt để “chẩn bệnh” đúng, từ đó có thể “trị bệnh” được.

 

Bảo ngọc – Ánh Hồng ghi

BẢO NGỌC