25/12/2024

Cuộc đua của Singapore với thượng đỉnh Mỹ – Triều

Tổ chức cuộc thượng đỉnh lịch sử giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên là áp lực khổng lồ nhưng cũng mang lại lợi ích to lớn cho nước chủ nhà Singapore.

 

Cuộc đua của Singapore với thượng đỉnh Mỹ – Triều

Tổ chức cuộc thượng đỉnh lịch sử giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên là áp lực khổng lồ nhưng cũng mang lại lợi ích to lớn cho nước chủ nhà Singapore.

 
 
 

Lực lượng an ninh Singapore bảo vệ khách sạn Shangri-La, nơi diễn ra hội nghị	
 /// Ảnh: chụp màn hình The Independent

Lực lượng an ninh Singapore bảo vệ khách sạn Shangri-La, nơi diễn ra hội nghị  ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH THE INDEPENDENT

 
Thủ đô Hà Nội của Việt Nam sẽ là nơi tổ chức cuộc gặp lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un. Theo thông báo của chủ nhân Nhà Trắng, sự kiện quan trọng này sẽ diễn ra trong hai ngày 27 và 28.2. Trước đó, Singapore đã phải nhiều lần “nín thở” khi đăng cai cuộc gặp lần đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo, chỉ diễn ra 1 ngày 12.6.2018.

Nhiệm vụ bất khả thi

Quá trình tổ chức thượng đỉnh Mỹ – Triều lần đầu tiên ẩn chứa đầy rẫy khó khăn đối với nước chủ nhà vì những diễn biến khó lường trong quan hệ Washington – Bình Nhưỡng vào thời điểm đó. Theo Bộ trưởng Nội vụ và Luật pháp Kasiviswanathan Shanmugam, Singapore chính thức nhận được đề nghị tổ chức thượng đỉnh chỉ 2 tuần trước khi sự kiện diễn ra dù phía Mỹ đã tiếp cận và ngỏ ý từ tháng 5.2018. Đến ngày 24.5, Tổng thống Trump gây ngỡ ngàng khi tuyên bố hủy gặp lãnh đạo Kim rồi chỉ 2 ngày sau lại khôi phục. “Chúng tôi đã phải xây dựng, rồi đập bỏ, rồi lại khôi phục từ đầu”, tờ The Straits Times dẫn lời Bộ trưởng Shanmugam cho biết. Vấn đề có nhận lời tổ chức hay không đã được thảo luận căng thẳng ở cấp nội các. “Cuối cùng, chúng tôi nhất trí nên tổ chức vì đây là đề nghị từ cả hai bên và sự kiện này rất hữu ích cho tiến trình hòa bình”, ông nói thêm.
 
Quỹ thời gian ít ỏi buộc Singapore phải huy động mọi nguồn lực với khoảng 7.400 nhân sự của các bộ ngành chạy đua cho công tác chuẩn bị. “Đây giống như nhiệm vụ bất khả thi”, ông Jimmy Toh, người phụ trách thành lập và quản lý trung tâm truyền thông cho hơn 2.500 phóng viên quốc tế kể lại. Cuối cùng, khoảng 5 triệu SGD (85 tỉ đồng) đã được chi để cải tạo một tòa nhà phục vụ giải đua xe Công thức 1 thành trung tâm truyền thông vì những nơi khác đều không đạt yêu cầu hoặc đã kín lịch.
 
Bên cạnh đó, việc các nhà lãnh đạo giữ kín lịch trình cho đến phút cuối gây muôn vàn khó khăn cho lực lượng an ninh nước chủ nhà. Theo The Straits Times, phía Triều Tiên chỉ thông báo chuyến đi dạo, tham quan tối 11.6 của lãnh đạo Kim Jong-un tại các địa điểm như khách sạn Marina Bay Sands, cầu Jubilee… trước vài giờ. Thế là cảnh sát và quân đội Singapore phải lập tức triển khai lực lượng tại các điểm đến và tuyến đường, sử dụng các thiết bị quét an ninh để đảm bảo không có mối đe dọa hóa học, sinh học, phóng xạ và chất nổ. Thậm chí, đến khi lãnh đạo Kim chuẩn bị ra về, giới chức Singapore cũng không biết ông sẽ đi vào lúc mấy giờ và chọn chiếc nào trong 4 chiếc máy bay đậu tại khu VIP của sân bay để trải thảm đỏ đón chờ. Cuối cùng, họ trải 2 thảm đỏ, mỗi tấm dẫn đến một máy bay của Hãng Air China và thở phào nhẹ nhõm khi ông Kim lên một trong hai chiếc.
 

Khó lường và khắt khe

Về phía Mỹ, tờ The Washington Post dẫn nguồn giấu tên tiết lộ sau khi đến Singapore ngày 10.6, Tổng thống Trump bất ngờ có ý đẩy cuộc họp sớm lên một ngày, vào thứ hai 11.6. “Chúng ta đều có mặt hết rồi. Sao không tiến hành luôn?”, nguồn tin kể lại câu hỏi của chủ nhân Nhà Trắng. Cuối cùng, các cố vấn đã thuyết phục được tổng thống giữ kế hoạch ban đầu là họp vào ngày 12.6 với lý do dùng thời gian chờ đợi để chuẩn bị và không gây khó khăn cho giới truyền thông trong việc tường thuật sự kiện, vì sáng thứ hai ở Singapore sẽ là tối chủ nhật ở Mỹ.
 
Bên cạnh đó, để đảm bảo không gây phật lòng bên nào, Singapore đã phải đáp ứng những yêu cầu hết sức khắt khe. Theo The Straits Times, trước khi lãnh đạo Kim Jong-un ký tên lên sổ lưu niệm tại Dinh Istana trước khi gặp Thủ tướng Lý Hiển Long, phía chủ nhà phải gửi bản nháp có đề chức danh của nhà lãnh đạo cho phía Triều Tiên kiểm tra để bảo đảm không có sai sót, đồng thời miêu tả trước buổi gặp sẽ diễn ra như thế nào, với những ai có mặt. Bên cạnh đó, hai phái đoàn đều yêu cầu được đón tiếp ngang bằng, từ số lượng xe đưa đón, lễ đón ở sân bay cho đến độ sang trọng, nổi tiếng của khách sạn nơi 2 nhà lãnh đạo nghỉ ngơi.
Cuộc đua của Singapore với thượng đỉnh Mỹ - Triều

Bên trong trung tâm truyền thông quốc tế  ẢNH: REUTERS

 

Tổng kết hội nghị, Singapore ước tính tốn khoảng 20 triệu SGD chi phí tổ chức nhưng lợi ích thu về mặt hình ảnh, uy tín và du lịch được cho là gấp rất nhiều lần. Số liệu của Tổng cục Du lịch Singapore cho thấy lượng du khách quốc tế đến đây đạt 18,5 triệu lượt, cao nhất trong vòng 3 năm qua và thượng đỉnh Mỹ – Triều là một nhân tố đóng góp quan trọng. Hơn nữa, theo Bộ trưởng Shanmugam, thành công của hội nghị khẳng định vị thế của Singapore là một đất nước mà cộng đồng quốc tế có thể tin tưởng. “Lợi ích cốt lõi là chúng tôi hỗ trợ cho con đường đến hòa bình. Đó là mối quan tâm của thế giới, khu vực và đặc biệt là của Singapore. Tôi không nghĩ có thể đặt giá trị tiền bạc lên đó”, ông nhấn mạnh.
 
 
BẢO VINH