15/11/2024

Thượng đỉnh Mỹ – Triều ở Hà Nội: Cuộc gặp mang tính biểu tượng

Ngót nghét hai thập kỷ gắn bó với Triều Tiên, cựu đại sứ Việt Nam tại CHDCND Triều Tiên Dương Chính Thức đã có những chia sẻ cùng Tuổi Trẻ về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều sắp diễn ra tại Hà Nội từ ngày 27 đến 28-2.

 

Thượng đỉnh Mỹ – Triều ở Hà Nội: Cuộc gặp mang tính biểu tượng

Ngót nghét hai thập kỷ gắn bó với Triều Tiên, cựu đại sứ Việt Nam tại CHDCND Triều Tiên Dương Chính Thức đã có những chia sẻ cùng Tuổi Trẻ về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều sắp diễn ra tại Hà Nội từ ngày 27 đến 28-2.


Thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Hà Nội: Cuộc gặp mang tính biểu tượng - Ảnh 1.

“Việc chọn Việt Nam làm địa điểm gặp gỡ chính vì vậy sẽ là cơ hội lớn để quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam” – Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên Dương Chính Thức - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Ông Dương Chính Thức nhận định rằng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều lần hai là sự kiện tầm cỡ và sẽ như một cuộc “xông nhà” cho gương mặt của ngoại giao Việt Nam năm 2019.

Tìm kiếm con đường hòa bình ở thành phố hoà bình

* Với tư cách một người có nhiều gắn bó với Triều Tiên, từng là đại sứ ở CHDCND Triều Tiên, theo ông, sự kiện này có ý nghĩa như thế nào?

– Tôi nghĩ rằng Mỹ và Triều Tiên đã có thỏa thuận với nhau, vì vậy khi Mỹ lên tiếng thì chắc chắn có sự đồng ý của Triều Tiên. Cuộc gặp thứ hai này sẽ có những khác biệt so với lần thứ nhất.

Lần gặp thứ nhất (giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Singapore) có tính chất phá vỡ tảng băng trong quan hệ hai nước, song chưa ra được kết quả cụ thể. Nhưng trong lần thứ hai này chắc chắn sẽ có kết quả cụ thể, đến đâu thì còn tuỳ vào hai bên.

Với Việt Nam, việc chọn Việt Nam làm địa điểm gặp gỡ chắc chắn sẽ là cơ hội lớn để quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam.

Khi chúng ta tổ chức thành công sự kiện lớn như APEC 2017, ấn tượng của thế giới về an ninh – chính trị – xã hội của Việt Nam là rất tốt

Ông Dương Chính Thức

* Ông nghĩ thế nào về việc chọn Hà Nội?

– Tại Việt Nam, thành phố nào tổ chức thì an ninh của chúng ta vẫn có thể đảm bảo. Nhưng Hà Nội khác với những thành phố còn lại. Đây là thủ đô, trung tâm chính trị – văn hoá – kinh tế của đất nước. Hà Nội là biểu tượng, được thế giới vinh danh là thành phố hoà bình. Cuộc gặp tìm kiếm con đường hoà bình, được mang đến một thành phố hòa bình thì rất hay.

Giả sử ra được một tuyên bố chung Mỹ – Triều thì một “Tuyên bố Hà Nội” cũng mang tính biểu tượng.

* Trước đây nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Nhật Thành đã từng đến Việt Nam. Chi tiết này có ý nghĩa gì trong bối cảnh ngày nay?

– Ông Kim Nhật Thành từng đến Hà Nội trong sự kiện chính thức vào năm 1958. Từ đó, chưa một người đứng đầu Triều Tiên nào sang Việt Nam. Vì vậy, nếu ông Kim Jong Un ngày nay sang thăm chính thức Việt Nam thì đây là một sự kiện rất ý nghĩa.

Thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Hà Nội: Cuộc gặp mang tính biểu tượng - Ảnh 3.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay trong cuộc gặp ở Singapore hồi tháng 6-2018 – Ảnh: REUTERS

* Ấn tượng của ông về quan hệ Triều Tiên và Việt Nam thời chủ tịch Kim Nhật Thành thế nào?

– Việt Nam và Triều Tiên là hai nước xã hội chủ nghĩa, gắn bó với nhau rất chặt chẽ. Từ khi Triều Tiên còn trong cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950 – 1953, chúng ta đã có đoàn sang thăm Triều Tiên.

Đến cuộc kháng chiến chống Mỹ tại Việt Nam, Triều Tiên là một trong những nước đầu tiên ủng hộ, cả về vật chất lẫn tinh thần. Hội nghị trung ương Triều Tiên 1966 ra nghị quyết bày tỏ sự ủng hộ với cuộc kháng chiến của Việt Nam, họ coi chiến thắng của Việt Nam như chiến thắng của mình, ủng hộ nhân dân Việt Nam kháng chiến là nghĩa vụ của người yêu hòa bình khắp thế giới.

Năm 1958, khi lãnh tụ Kim Nhật Thành sang Việt Nam, ông ấy đã hội đàm với Bác Hồ rồi đi thăm nhiều nơi. Khi đến Nam Định, ông đã mở ra mối tương giao, kết nghĩa giữa Nhà máy dệt Nam Định và Nhà máy dệt Bình Nhưỡng, hay nhà máy, xí nghiệp của họ có phân xưởng mang tên Nguyễn Văn Trỗi…

* Kể từ thời chủ tịch Kim Jong Il, tức Kim Chính Nhật, quan hệ Việt Nam và Triều Tiên có vẻ trải qua những thăng trầm?

– Năm 1994, ông Kim Nhật Thành có gửi lời mời Tổng bí thư Đỗ Mười sang thăm. Nhưng khi công tác chuẩn bị cho chuyến thăm gần như xong hết, ông Kim Nhật Thành bất ngờ qua đời nên chuyến đi ấy không thực hiện được.

Có một giai đoạn không dài, quan hệ hai nước phát triển không được tốt. Năm 1979, khi tôi đang làm cán bộ ngoại giao ở Triều Tiên, Việt Nam đã rút đại sứ về, ngược lại Triều Tiên cũng rút đại sứ. Quan hệ hai nước khi ấy xấu đi. Từ năm 1980 tới 1983, mối quan hệ này dần nồng ấm lại, dẫn tới việc cử đại sứ hai bên trở lại.

Năm nay, nếu ông Kim Jong Un có chuyến thăm chính thức Việt Nam thì đó một lần nữa sẽ là hình ảnh mang tính biểu tượng cho quan hệ ngoại giao hai nước.

Thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Hà Nội: Cuộc gặp mang tính biểu tượng - Ảnh 4.

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên Dương Chính Thức cho rằng: Chủ tịch Kim Jong Un là người có suy nghĩ thoáng, cởi mở, và cũng được đào tạo từ phương Tây nên có cái nhìn thực tế hơn – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Lựa chọn của Kim Jong Un

* Cá nhân ông nghĩ gì về Kim Jong Un, nhà lãnh đạo trẻ, có những bước đi táo bạo của Triều Tiên?

– Ông Kim Jong Un là người có suy nghĩ thoáng, cởi mở và cũng được đào tạo từ phương Tây nên có cái nhìn thực tế hơn. Sau khi ông Kim Jong Il chọn phát triển quân sự để Triều Tiên có tiếng nói trọng lượng hơn, hiện ông Kim Jong Un phải mở cửa để bỏ bao vây, cấm vận.

* Liệu có khả năng phi hạt nhân h hoàn toàn ở bán đảo Triều Tiên hay không?

– Tôi cho rằng việc phi hạt nhân hoá đến mức nào thì sẽ tùy vào việc Mỹ và Triều Tiên tin nhau tới mức nào. Hai bên phải có cam kết cùng bước đi, còn Mỹ cứ trừng phạt, bao vây, cấm vận trong khi bắt Triều Tiên bỏ hết vũ khí thì không được.

* Triều Tiên có thể muốn một cam kết với Mỹ nhằm bỏ cấm vận, phát triển kinh tế đến một mức nào đó, khi có sức mạnh kinh tế thì họ sẽ tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Ông nghĩ sao về nhận định này?

– Tôi cho rằng Triều Tiên sẽ không có chuyện không tập trung hoàn toàn vào việc phát triển vũ khí và quân sự nữa. Tại Đại hội Đảng năm 2017, họ đã thay đổi khẩu hiệu. Trước đây là ưu tiên, đưa quân sự lên trên hết thì bây giờ đã là kinh tế xong rồi đến quân sự.

 

Tôi nghĩ rằng đến một mức nào đó, nếu hai bên thỏa thuận được với nhau, từng bước bình thường hóa quan hệ, Mỹ bỏ cấm vận, bỏ trừng phạt, tạo điều kiện cho Triều Tiên phát triển kinh tế rồi hội nhập với thế giới bên ngoài, thì vũ khí hạt nhân khi ấy không cần thiết nữa.

Triều Tiên đã phát triển tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung, thậm chí đã phát triển được tên lửa xuyên lục địa. Mục tiêu của Mỹ trước hết là làm sao bỏ tên lửa liên lục địa đi.

Nhưng nhắc tới việc cam kết, cách Mỹ tuyên bố bỏ INF (Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung) ký với Nga thì Triều Tiên cũng có lý do để thận trọng.

Thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Hà Nội: Cuộc gặp mang tính biểu tượng - Ảnh 5.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore tháng 6-2018. Hai nhà lãnh đạo được kỳ vọng sẽ đạt được một thoả thuận lớn tại Hà Nội cuối tháng này – Ảnh: AFP

Triều Tiên tìm bước đi

* Hiện tại Trung Quốc vẫn là đồng minh thân cận nhất và giúp đỡ Triều Tiên về mọi mặt. Vậy theo ông, vai trò của Trung Quốc như thế nào trong vấn đề Triều Tiên hiện nay?

– Tôi cho rằng Trung Quốc cũng thấy được Triều Tiên đi theo mô hình của Việt Nam là phù hợp. Bởi vì xuất phát điểm của Triều Tiên bây giờ cũng giống như thời kỳ Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Trung Quốc có thể tạo điều kiện cho Triều Tiên tiếp cận với Việt Nam để thấy được con đường Việt Nam đang đi như Việt Nam bình thường h quan hệ với Mỹ như thế nào.

* Theo ông, Triều Tiên đang mong muốn gì ở Việt Nam?

– Triều Tiên cũng thấy Việt Nam bây giờ mở rộng quan hệ với tất cả các nước. Việt Nam có nhiều đối tác chiến lược. Trong 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, nước ta đều có quan hệ tốt.

Điểm khác biệt nằm ở điều kiện hiện tại của Việt Nam và Triều Tiên. Tình hình Triều Tiên bây giờ giống thời kỳ khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Khi ấy cũng phải đi dần từng bước. Vậy nên tôi cho rằng bên trong họ (Triều Tiên) rất muốn Việt Nam trao đổi kinh nghiệm với họ về quá trình bình thường hóa quan hệ với Mỹ, các bước đi triển khai như thế nào.

Triều Tiên thì khác với Việt Nam, vẫn còn chia đôi, chưa thống nhất như Việt Nam. Triều Tiên vừa đi vừa thăm dò và tìm bước đi sao cho phù hợp với hoàn cảnh của mình.

Thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Hà Nội: Cuộc gặp mang tính biểu tượng - Ảnh 6.

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên Dương Chính Thức nhận định rằng Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần hai là sự kiện tầm cỡ, và sẽ như một màn “xông nhà” cho gương mặt của ngoại giao Việt Nam năm 2019 – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Kỳ vọng

* Nhiều khả năng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều sẽ có thỏa thuận tại Hà Nội. Nếu có, thỏa thuận này sẽ có tiến bộ gì so với lần gặp trước đây tại Singapore?

– Cuộc gặp thượng đỉnh thứ nhất thông qua bốn nguyên tắc, nhưng không có gì cụ thể. Lần thứ hai này tôi nghĩ rằng sẽ có tiến bộ, cụ thể hơn.

Triều Tiên yêu cầu Mỹ những gì? Theo tôi, đầu tiên là phải tôn trọng chế độ của họ, từng bước bỏ trừng phạt, bao vây cấm vận và giúp họ phát triển kinh tế.

Mỹ cần Triều Tiên những gì? Triều Tiên phải cụ thể phi hạt nhân hóa, công khai lượng vũ khí tên lửa của họ đang sở hữu, nếu không công khai hết cũng phải công khai một phần, phải có lộ trình phi hạt nhân hóa…

Vì vậy, hai bên đều phải cùng hành động.

* Theo ông, vì sao đến thời Tổng thống Trump mới có bước ngoặt dẫn tới những cuộc đối thoại với Triều Tiên?

– Tôi thấy các tổng thống Mỹ trước cũng có nhìn nhận tương tự về vấn đề Triều Tiên. Họ cũng muốn đối thoại với Triều Tiên nhưng thực sự niềm tin giữa hai bên chưa xây dựng được.

Đến ông Trump thì khẩu hiệu tranh cử của ông là “Nước Mỹ trên hết”. Vì vậy, khi vũ khí hạt nhân Triều Tiên cũng là mối đe dọa với Mỹ, ông Trump rất quyết tâm.

Về phần Triều Tiên, ông Kim Jong Un ngày nay cũng khác với thời cha và ông của mình, suy nghĩ thực tế hơn, có cái nhìn thoáng hơn. Bối cảnh quốc tế cũng có những chuyển biến tốt hơn.

Thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Hà Nội: Cuộc gặp mang tính biểu tượng - Ảnh 7.

Tổng thống Donald Trump quyết tâm bảo vệ người dân Mỹ khỏi mối đe doạ hạt nhân từ Triều Tiên – Ảnh: REUTERS

Mỹ muốn cùng Triều Tiên “tiến xa”

Phát biểu tại một sự kiện ở Warsaw (Ba Lan) ngày 14-2, Ngoại trưởng Pompeo cho biết Nhà Trắng mong muốn cùng Triều Tiên tiến xa hết mức có thể trong các vấn đề hai bên đang bàn thảo.

“Chúng tôi chắc chắn sẽ nói về cách chúng tôi giảm căng thẳng, giảm rủi ro quân sự để có thể có được hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên” – ông Pompeo tiết lộ về nội dung bàn thảo tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Việt Nam.

Cách đó một ngày, đô đốc Philip Davidson, tư lệnh Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, tiết lộ kết quả đánh giá của tình báo Mỹ về khả năng Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Tướng Davidson nói: “Chúng tôi cho rằng ít có khả năng Triều Tiên chịu từ bỏ toàn bộ vũ khí hạt nhân hoặc năng lực sản xuất, nhưng (họ) sẽ tìm cách phi hạt nhân hóa một phần để đổi lại sự nhượng bộ của Mỹ và cộng đồng quốc tế”.

Thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Hà Nội: Cuộc gặp mang tính biểu tượng - Ảnh 9.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nhìn thấy hợp tác với các nước sẽ giúp ích người dân hơn là bị cô lập – Ảnh: REUTERS

Thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Hà Nội: Cuộc gặp mang tính biểu tượng - Ảnh 10.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore tháng 6-2018 – Ảnh: AFP

 

QUỲNH TRUNG – NHẬT ĐĂNG thực hiện