11/01/2025

Sợi buồn thổ cẩm

Theo dòng chảy của thời gian, nghề dệt thổ cẩm dần bị mai một, tiếng thoi đưa cũng dần lịm tắt trong những nóc nhà sàn.

 

Sợi buồn thổ cẩm

Theo dòng chảy của thời gian, nghề dệt thổ cẩm dần bị mai một, tiếng thoi đưa cũng dần lịm tắt trong những nóc nhà sàn.
 
 
 
Nghệ nhân Rơchâm Ri ngồi dệt thổ cẩm dưới gốc cây  /// ĐỨC NHẬT

Nghệ nhân Rơchâm Ri ngồi dệt thổ cẩm dưới gốc cây  ĐỨC NHẬT

 
Từ ngàn xưa, các loại vải thổ cẩm là thứ không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người đồng bào thiểu số nói chung và người đồng bào Jrai nói riêng. Nó là thứ bảo vệ những chàng trai khi lên rừng, là thứ trang trí cho vẻ đẹp của các cô gái đến tuổi cập kê hay đơn giản là chiếc địu quấn chặt em bé trên lưng mẹ…

Nghề truyền thống

Thổ cẩm là loại hàng vải dệt thủ công giàu họa tiết và các họa tiết này thường nổi lên mặt vải giống như được thêu. Ở VN thổ cẩm thường để chỉ loại vải tự dệt, có hoa văn dệt theo phương pháp truyền thống của các dân tộc ít người.
 

Chúng tôi có dịp gặp nghệ nhân Rơchâm Ri (55 tuổi, xã Ia Yok, H.Ia Grai, Gia Lai) tại Lễ hội cồng chiêng Tây nguyên (tổ chức tại Gia Lai). Ngồi lặng lẽ dưới gốc cây trong khuôn viên Bảo tàng Hồ Chí Minh, già Ri lướt những ngón tay thon nhỏ trên những sợi thổ cẩm mềm mịn, đôi mắt nhìn chăm chú vào mảnh thổ cẩm đang dần hoàn thiện. Dường như không để ý tới sự xuất hiện của người lạ, già Ri cứ thế say mê với công việc của mình.

 
Nghe tiếng chào của chúng tôi, già Ri buông nhẹ thoi dệt. Gật đầu chào khách, già nhoẻn miệng cười: “Người Kinh cũng muốn học dệt à. Lại đây ngồi với già”. Rồi vừa kéo khách lại gần, già Ri vừa giới thiệu: Từ thời xa xưa, cuộc sống của người đồng bào Jrai rất giản dị, bình thản. Họ sống dựa vào những sản vật của rừng và tạ ơn yang (các đấng thần linh) đã ban tặng cho họ.
 
Ngày thường, đàn ông Jrai trồng ngô, tỉa lúa bên nương rẫy. Những lúc nông nhàn, họ đem ná, bẫy vào rừng săn bắn, hái lượm. Còn công việc chăm lo góc bếp, nóc nhà là của người phụ nữ. Mỗi sáng sớm, khi con gà trống vừa cất tiếng gáy, mặt trời đang còn ngủ quên ở bên kia đỉnh núi, là những người chị, người mẹ ra giọt (một điểm lấy nước chung của làng, dẫn từ suối về) gùi nước. Khi hừng đông, đàn bà đã chuẩn bị xong bữa sáng với cơm ấm nước mát cho người chồng, người cha của mình.
 
Đến trưa khi đàn ông đã lên rẫy, đàn bà ra bìa rừng chặt củi đem về chất đầy dưới chân nhà sàn. Khoảng tháng 5, khi quả bông gòn rừng đã nở bung, trắng xóa giữa đại ngàn, đàn bà, con gái mới vào rừng thu hái từng đụn bông nhỏ xíu đem về quay thành sợi. Để tạo màu sắc cho sợi thổ cẩm, người phụ nữ lại vào rừng sâu hái từng loại lá, hoa đem về nhuộm màu cho vải.
 
Cũng từ đây họ bắt đầu hành trình dệt ra những tấm áo, manh khố sặc sỡ sắc màu cho chồng, cho cha. Hình ảnh người phụ nữ ngồi bên khung dệt đã trở nên quen thuộc, gần gũi trong đời sống người Jrai.
 
Qua năm tháng, công việc dệt vải nghiễm nhiên trở thành một quy tắc bắt buộc đối với người phụ nữ. Người con gái Jrai sẽ phải học nghề dệt từ khi mới lên 14 – 15 tuổi. Khi đến tuổi trưởng thành, những người con gái muốn “bắt” chồng phải tự dệt cho người mình ưng và gia đình người yêu những bộ trang phục, khăn, túi đeo, váy, áo… làm quà ra mắt. “Chưa biết dệt là không được bắt chồng đâu, người con gái nào không biết dệt là xấu lắm”, già Ri kể. 
 
Sợi buồn thổ cẩm1
Nghệ nhân Ri buồn cái bụng khi thiếu nữ Jrai không còn mặn mà với nghề dệt thổ cẩm

Nghề dệt cũng lắm công phu

 
 
Sợi buồn thổ cẩm - ảnh 3

Bây giờ thiếu nữ chỉ thích quần áo phong cách, thời trang, vì nó tiện lợi, dễ may mặc lại không tốn nhiều công sức. Con gái không muốn học dệt, không muốn nối tiếp văn hóa của tổ tiên, mình buồn cái bụng lắm, nhưng biết làm sao được

Sợi buồn thổ cẩm - ảnh 4
 

Nghệ nhân Rơchâm Ri

 

Ngồi cách đó không xa là nghệ nhân Rơmah H’Blup (ở xã Ia Dom, H.Đức Cơ, Gia Lai). Già H’Blup chẳng nhớ nổi cái tuổi của mình, đâu chừng 60 cái mùa rẫy. Bà là một trong những người già hiếm hoi của xã Ia Dom còn biết đến nghề dệt thổ cẩm. Lần này già được mời về dự lễ hội với vai trò là một người giới thiệu về nghề truyền thống của cha ông mình.

Theo già H’Blup, nghề dệt cũng tốn không ít công phu, phải trải qua nhiều giai đoạn. Lật lại kỷ niệm về những ngày xưa cũ, già H’Blup kể, khi quả bông gòn đã nở bung, chị em trong làng í ới gọi nhau lên rừng lấy bông. Con gái ra giọt gánh nước về ngâm bông để tách hạt như đi hội. Sau đó bông đã làm sạch được đem đi phơi rồi quay thành sợi. Những đêm trăng như thế, cả làng rộn rã tiếng thiếu nữ ca hát, khắp các nóc nhà sàn vang lên tiếng kẽo kẹt quay sợi.
 
Để tạo màu cho sợi, người phụ nữ lại vào rừng lấy lá, hoa rừng đem giã rồi ngâm với sợi trong chum hơn 1 tuần lễ. Sau đó lại đem phơi với hoa rừng giữa trời nắng để tạo hương thơm cho sợi. Tiếp tục sợi sẽ được trộn với cơm nếp rồi đem phơi để tạo độ dai, chắc. Sau đó mới quấn lại thành từng cuộn và bắt đầu dệt. Mỗi bộ quần áo may nhanh nhất cũng phải mất một ông trăng (15 ngày). Để hoàn tất các công đoạn từ lấy bông đến khi dệt nên thành mảnh áo cũng phải mất từ 2 – 3 tháng.
 
Thổ cẩm của người Jrai không đơn thuần chỉ là tấm vải bình thường, mà ẩn chứa trong đó là cả tâm hồn của người đồng bào Jrai. Mỗi sản phẩm thổ cẩm được làm ra đều mang vẻ đẹp hài hòa với thiên nhiên, đậm nét văn hoá của dân tộc, đồng thời nói lên sự cần cù, sáng tạo của người phụ nữ Jrai. Dưới đôi bàn tay khéo léo, những họa tiết mang tính cách điệu thể hiện bằng các hoa văn chấm dải, gồm các mô típ: bông hoa, con chim, chiêng, ché, ngà voi… dần hiện ra. Mỗi dân tộc ở Tây nguyên có một nét văn hóa riêng, với người Jrai thì thổ cẩm chính là thứ để kể lại cho con cháu đời sau nghe những chuyện của thế hệ đi trước.

Tiếng thoi đưa lịm tắt

Sợi buồn thổ cẩm2
Nghệ nhân H’Blup miệt mài bên khung dệt

 
Kể hết một đoạn, giọng già H’Blup chợt chùng xuống, những nếp nhăn xô lại với nhau trên khuôn mặt đầy vết chân chim. Già bảo rằng, bây giờ người trong làng không còn lên rừng lấy bông nữa, không quay sợi hay nhuộm sợi nữa. Không còn khung cảnh nhộn nhịp thêu dệt như những ngày xưa. Sợi tổng hợp của người Kinh bán đầy dưới chợ ai muốn dệt thì xuống mua về.
 
Theo già H’Blup, để hoàn thành một bộ quần áo thổ cẩm cần rất nhiều thời gian và công sức. Do vậy thiếu nữ trong làng cũng không mấy mặn mà với nghề thêu dệt nữa. Ngày nay, khi các trào lưu thời trang du nhập vào đã làm giới trẻ dần quên đi trang phục của dân tộc mình, những bộ trang phục thổ cẩm chỉ còn xuất hiện thưa thớt trong những lễ hội hoặc hội làng.
 
“Bây giờ còn ít người biết dệt lắm. Những người già cũng dần về với tổ tiên. Còn đám con gái chỉ thích quần áo của người Kinh thôi. Không còn ai học dệt cả. Ở Ia Dom chỉ có vài ba người già biết dệt vải”, già H’Blup thở dài.
 
Cùng nỗi tâm tư như già H’Blup, già Ri tâm sự: “Bây giờ thiếu nữ chỉ thích quần áo phong cách, thời trang, vì nó tiện lợi, dễ may mặc lại không tốn nhiều công sức. Con gái không muốn học dệt, không muốn nối tiếp văn hoá của tổ tiên, mình buồn cái bụng lắm, nhưng biết làm sao được”.
 
Chúng tôi chia tay các nghệ nhân dệt thổ cẩm ra về, những nghệ nhân già vẫn cặm cụi bên khung dệt. Thỉnh thoàng già H’Blup lại nhổm người dậy vì mỏi lưng, những giọt mồ hôi cứ lăn dài qua các nếp nhăn của ngày tháng. Ngoài kia, các thiếu nữ người Jrai với sặc sỡ váy áo tân thời chụp ảnh lưu niệm. Ở một góc bảo tàng, tiếng thoi đưa cứ nhỏ dần, nhỏ dần rồi lịm tắt.
 
 
ĐỨC NHẬT