24/01/2025

Trung Quốc áp thuế cao, xuất khẩu gạo Việt gặp khó

Xuất khẩu gạo của Việt Nam dù có chuyển dịch sang chất lượng cao nhưng vẫn có dấu hiệu gặp khó khăn do thị trường lớn là Trung Quốc áp dụng nhiều biện pháp hạn chế nhập khẩu.

 

Trung Quốc áp thuế cao, xuất khẩu gạo Việt gặp khó

Xuất khẩu gạo của Việt Nam dù có chuyển dịch sang chất lượng cao nhưng vẫn có dấu hiệu gặp khó khăn do thị trường lớn là Trung Quốc áp dụng nhiều biện pháp hạn chế nhập khẩu.


 

Trung Quốc áp thuế cao, xuất khẩu gạo Việt gặp khó - Ảnh 1.

Việc xuất khẩu khó khăn, giá gạo ở ĐBSCL gần đây giảm khi bắt đầu vào vụ thu hoạch – Ảnh: CHÍ QUỐC

Trước đó, nghị định 107 của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 10-2018 đã gần như xóa bỏ mọi rào cản đối với sản xuất và kinh doanh, xuất khẩu gạo nhưng tác động tới thị trường chưa được như kỳ vọng.

Chịu thuế nhập khẩu tới 50%

Ông Lê Thanh Khiêm, phó giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang, cho cho biết từ ngày nghị định 107 có hiệu lực (từ 1-10-2018), tuy có tạo thuận lợi, khuyến khích xuất khẩu gạo, nhưng nhìn chung chuyển biến về xuất khẩu gạo hiện chưa thấy gì rõ nét.

Lý do là vấn đề xuất khẩu gạo muốn được tốt thì ngoài những quy định về khung pháp lý còn có yếu tố thị trường, mà vấn đề này chưa có gì sáng sủa.

“Công ty Lương thực Tiền Giang là một trong hai doanh nghiệp của tỉnh được thị trường Trung Quốc cấp giấy phép nhập khẩu gạo. Tuy nhiên, năm qua sản lượng xuất khẩu giảm vì chính sách hạn chế từ Trung Quốc. Song bù lại nhờ giá bán cao hơn nên hi vọng trong năm 2019 có sự thay đổi” – ông Khiêm nói.

Theo một số doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo ở Cụm công nghiệp chế biến gạo Tân Bình, thị xã Cai Lậy (Tiền Giang), từ cuối năm 2018 đến nay thị trường xuất khẩu lúa gạo khá trầm lắng do Thái Lan chào bán ở mức giá thấp.

Thứ hai là do Trung Quốc đột ngột áp thuế nhập khẩu gạo ở mức rất cao từ giữa năm 2018 đã ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ lúa gạo.

Ông Nguyễn Ngọc Nam – tổng giám đốc Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA) – cho biết kể từ tháng 6-2018 đến nay Trung Quốc đánh thuế nhập khẩu gạo VN lên mức 50%, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu mặt hàng này.

Trước đó, Trung Quốc yêu cầu VN gửi danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu gạo để xem xét cấp giấy phép cũng gây khó khăn cho xuất khẩu và giảm mạnh số đầu mối xuất khẩu sang thị trường này.

Cụ thể, trong số 152 doanh nghiệp xuất khẩu gạo là thành viên của VFA mới chỉ có 21 doanh nghiệp được phía Trung Quốc cho phép xuất khẩu gạo vào thị trường nước họ. “Với những tác động kể trên, Trung Quốc chỉ còn chiếm 22% lượng gạo xuất khẩu của VN so với trên 30% của các năm trước”, ông Nam cho biết.

Tương tự, lãnh đạo Sở Công thương tỉnh An Giang cho biết tình hình xuất khẩu gạo sau khi nghị định 107 có hiệu lực cũng không quá đột biến do thị trường và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp vẫn là yếu tố chính.

Cũng theo lãnh đạo Sở Công thương An Giang, hoạt động xuất khẩu gạo tập trung hiện nay vẫn được giao cho các tổng công ty lương thực, không khác nhiều so với trước đây. Riêng tại An Giang, đa số chỉ xuất khẩu qua ủy thác, chỉ có vài doanh nghiệp lớn xuất khẩu gạo trực tiếp.

Chuyển hướng

Theo lãnh đạo một số doanh nghiệp, Trung Quốc là thị trường rất lớn và có nhu cầu cao, do đó các doanh nghiệp VN cần phải chấp nhận “luật chơi” để tiếp tục xuất khẩu vào thị trường này. Bên cạnh đó là nâng cao chất lượng gạo để mở rộng sang các thị trường cao cấp khác.

Theo VFA, năm 2018 VN xuất khẩu 6,1 triệu tấn gạo các loại với giá trị trên 3 tỉ USD, tăng 5,1% về lượng nhưng tăng 16,3% về giá trị.

Điều đó cho thấy các doanh nghiệp đã tích cực chủ động trong việc thay đổi cơ cấu gạo xuất khẩu từ gạo thường sang gạo cao cấp như gạo thơm, gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ… để tăng giá trị. Đây cũng là hướng đi mà VN cần phát triển cho hạt gạo trong thời gian tới.

Tuy xuất khẩu gạo mấy tháng cuối năm có phần trầm lắng, nhưng nhìn tổng thể là đáng mừng khi giá gạo xuất bình quân tăng, lượng gạo thơm vươn lên chiếm tỉ trọng cao nhất khoảng 30%, nhiều doanh nghiệp không chạy theo xuất khẩu mà hướng tới thị trường nội địa với nhiều sản phẩm lấy lại lòng tin người tiêu dùng, chứng minh điều hiển nhiên nhu cầu, thị trường vẫn là yếu tố quyết định sự chuyển đổi nguồn cung và hệ thống ngành.

Tại cuộc họp với các doanh nghiệp tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc) vào cuối năm 2018, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết không chỉ gạo mà nhiều nông sản khác của VN cũng sẽ gặp khó do các yêu cầu về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và thông tin trên bao bì mà phía Trung Quốc đưa ra. Tuy nhiên, đây là các yêu cầu hợp lý của các thị trường nhập khẩu chứ không riêng gì Trung Quốc.

Vì vậy, các doanh nghiệp và các địa phương sớm nghiên cứu các yêu cầu từ phía Trung Quốc để triển khai xuống các vùng sản xuất nhằm đáp ứng các điều kiện này trước tháng 7-2019 khi Trung Quốc chính thức áp dụng các biện pháp nói trên.

16,3%

Đó là tỉ lệ gia tăng về giá trị xuất khẩu gạo VN năm 2018 khi xuất khẩu 6,1 triệu tấn gạo, tăng 5,1% về lượng so với năm trước.

Thị trường Trung Quốc sụt giảm mạnh

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của VN trong 5 năm trở lại đây. Theo VFA, nếu như năm 2017 VN xuất khẩu được 5,7 triệu tấn gạo thì riêng thị trường Trung Quốc đã mua đến 2,2 triệu tấn, chiếm 38,5%. Thế nhưng năm 2018 VN xuất khẩu 6,1 triệu tấn thì gạo đưa sang Trung Quốc chỉ đạt 1,33 triệu tấn, chiếm chưa đến 22% tổng lượng gạo xuất khẩu.

“Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc sẽ tiếp tục gặp khó nếu các chính sách của Trung Quốc không có sự thay đổi. VFA đã gửi thêm hồ sơ của các doanh nghiệp vào danh sách xuất khẩu nhưng phía Trung Quốc vẫn chưa trả lời” – ông Nguyễn Ngọc Nam nói.

 

T.MẠNH – C.QUỐC – T.TÚ – B.ĐẤU – K.NAM