Thế hệ ‘sampo’ Hàn Quốc ghét Valentine
Valentine 14-2 hay lễ tình nhân là dịp để trai gái hẹn hò và trao yêu thương cho nhau nhưng với thế hệ ‘sampo’ tại Hàn Quốc, đó là một điều cấm kỵ.
Thế hệ ‘sampo’ Hàn Quốc ghét Valentine
Valentine 14-2 hay lễ tình nhân là dịp để trai gái hẹn hò và trao yêu thương cho nhau nhưng với thế hệ ‘sampo’ tại Hàn Quốc, đó là một điều cấm kỵ.Xu hướng “ba 0” được đánh giá sẽ ảnh hưởng đáng kể tới tỉ lệ sinh của Hàn Quốc – Ảnh chụp màn hình AL JAZEERA
Nho giáo hay đạo Khổng bắt nguồn tại Trung Quốc, nhưng nhiều học giả tin rằng Hàn Quốc mới là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều hơn cả bởi Nho giáo.
Thật vậy, nhiều giá trị Nho giáo vốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết hôn và nối dõi dòng tộc. Và tại Hàn Quốc, từ lâu kết hôn đã được xem là một trách nhiệm xã hội.
Cuộc chiến “ba 0″ và ”gói hôn nhân”
Ngày nay, nhiều người trẻ Hàn Quốc ngày càng né tránh chuyện cưới xin và trở thành một “thế hệ sampo”. Theo báo New York Times, đây là khái niệm để chỉ những người nói “không” với ba thứ là: hẹn hò, cưới xin và con cái/lập gia đình.
Nhiều người trẻ Hàn Quốc đang có xu hướng chọn cuộc sống độc thân bất chấp biết bao cơ hội để hò hẹn, chẳng hạn ngày lễ Valentine 14-2 hay các chính sách khuyến khích của chính phủ. Điều này đi ngược lại các quan niệm truyền thống tại xứ kim chi.
Các nhà nhân khẩu học thường sử dụng thuật ngữ “gói hôn nhân” để mô tả những cuộc hôn nhân tại nhiều nước Đông Á: Đó không chỉ là mối quan hệ giữa hai người, mà còn gắn với nhiều vai trò khác nhau.
Theo đó, đám cưới, sinh con, nuôi dạy con cái, chăm sóc cha mẹ già… đều có liên quan tới nhau. Do đó, đám cưới và các vai trò trong gia đình sẽ được gộp vào một “gói hôn nhân”.
Tuy nhiên, các tư tưởng gắn với chủ nghĩa cá nhân của phương Tây ngày càng ảnh hưởng tới cách nhìn của nhiều người trẻ Hàn Quốc và họ dần cảm thấy chán ngán “gói hôn nhân”. Không ít người đã hoãn lại chuyện cưới xin và thưởng thức cuộc sống độc thân, đặc biệt đối với nữ giới.
Từ năm 1990 tới 2013, độ tuổi trung bình kết hôn của cả nam giới và nữ giới Hàn Quốc đã tăng lên 5 năm. Năm 1970, chỉ 1,4% phụ nữ giữa độ tuổi 30-34 không kết hôn. Trong khi đó, vào năm 2010, tỉ lệ này đã tăng lên tới gần 30%.
Nguyên nhân và tác động
Xu hướng chọn cuộc sống độc thân của người trẻ ở các nước châu Á đã gây sự chú ý từ cách đây nhiều năm và không ít lần xuất hiện trên mặt báo. Năm 2011, tờ Economist từng có bài viết “Những trái tim cô đơn của châu Á”, nói về thực tế nữ giới từ chối kết hôn và việc phân chia vai trò không công bằng trong gia đình.
Một khi phụ nữ quyết định đi tới hôn nhân, nhìn chung họ được kỳ vọng sẽ ưu tiên các trách nhiệm trong gia đình. Phụ nữ luôn làm phần lớn công việc nhà, chịu áp lực về chăm sóc con cái và là người chịu trách nhiệm chính cho sự thành công của đứa trẻ trong chuyện học hành.
Theo nghiên cứu của bà Nhạc Tiền – phó giáo sư ngành xã hội học tại Đại học British Columbia (Canada), năm 2006, 46% phụ nữ Hàn Quốc đã kết hôn giữa độ tuổi 25-54 đều làm công việc nội trợ toàn thời gian. Nhiều phụ nữ gánh vác tới 80% công việc nhà dù vẫn ra ngoài làm, trong khi chồng họ làm chưa tới 20% công việc nhà.
Do đó, đối với nhiều phụ nữ Hàn Quốc, kết hôn không còn là một lựa chọn hấp dẫn. Thay vì bù đầu bù cổ với đống công việc nhà, họ lựa chọn cuộc sống độc thân để có được nhiều cơ hội hơn.
Một nguyên nhân khác khiến nhiều người trẻ Hàn Quốc hi sinh chuyện hẹn hò – cưới xin – có con chính là vấn đề tài chính. Nhiều người trẻ xứ kim chi làm những công việc tạm thời và bấp bênh, với mức thu nhập không đủ để trang trải cuộc sống.
Hơn nữa, văn hóa làm việc nhiều giờ liền ngày càng thắng thế tại Hàn Quốc, khiến họ không còn nhiều thời gian để dành cho chuyện yêu đương.
Năm 2017, người Hàn Quốc làm việc trung bình 2.024 giờ/năm, theo Đài CNN. Con số này được xem thuộc hàng khủng khi so với các nước khác, chẳng hạn người Canada làm việc ít hơn người Hàn Quốc 300 giờ/năm và người Pháp – vốn được xem rất giỏi trong chuyện cân bằng công việc và cuộc sống – làm việc ít hơn người Hàn 500 giờ/năm.
Đầu năm 2018, Chính phủ Hàn Quốc đã thông qua luật cắt giảm giờ làm việc tối đa hằng tuần từ 68 giờ xuống còn 52 giờ, với hi vọng người dân nước này có nhiều thời gian cho cuộc sống cá nhân sau công việc.
Thuộc nhóm quốc gia có tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới và tốc độ già hóa dân số ngày càng nhanh, Hàn Quốc hiện đứng trước nguy cơ khủng hoảng lao động và thiếu nguồn lực phát triển kinh tế giữa bối cảnh nhiều người trẻ chọn cuộc sống “ba 0”. Báo New York Times gọi tình hình nhân khẩu học này chính là “kẻ thù nguy hiểm nhất của Hàn Quốc” hiện nay.
Chọn “ba 0” dù cơ hội quanh năm
Ngày Valentine 14-2 hay lễ tình nhân là một ngày đặc biệt dành cho các cặp đôi trên toàn cầu. Tuy nhiên tại Hàn Quốc, ngày 14 của mỗi tháng đều quan trọng đối với mỗi người đang yêu nhau, theo trang Asia Society.
Một số ngày lễ nổi tiếng phải kể tới như 14-6 (ngày hôn nhau), 14-12 (ngày ôm nhau)… và cả Valentine đen 14-4. Vào ngày “đen tối” này, những người độc thân thường mặc trang phục màu đen và đi ăn mì tương đen để an ủi mình.