Với hơn 300.000 quân nhân thường trực, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (JSDF) hiện đứng hàng thứ 8 trên thế giới về nhân lực và luôn được giới chuyên gia quân sự đánh giá cao về năng lực chiến đấu lẫn khí tài. Tuy nhiên, cùng với thực trạng chung của cả nước, lực lượng này đang đối diện thách thức lớn trước chiều hướng dân số già hóa và giảm dần.
|
|
|
Cha mẹ và bạn bè đều lo ngại, nhưng tôi hỏi ngược lại vậy thì ai sẽ bảo vệ đất nước?
|
|
|
Cựu y tá Yoshihara
|
|
|
Kyodo News dẫn dự đoán của chính phủ và các chuyên gia cảnh báo đến năm 2065, dân số Nhật Bản sẽ giảm từ hơn 126 triệu người hiện nay xuống còn 88 triệu người. Ngay từ những năm gần đây, JSDF đã gặp nhiều khó khăn khi tuyển quân và phải nới lỏng giới hạn độ tuổi. Trước đây, thanh niên nhập ngũ phải dưới 27 tuổi, nhưng hiện tại bất kỳ ai từ 18 – 32 đều có thể tham gia. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng hướng đến tăng cường chiêu mộ nữ giới để đảm bảo quân số. Hiện tại, số lượng nữ binh sĩ chiếm 6,1% trong JSDF, so với 16,5% ở Úc, 12,2% đối với Anh và 16% tại Mỹ. Nhật Bản kỳ vọng đến năm 2030 sẽ tăng tỷ lệ này lên 9%, theo Kyodo News.
Lâu nay, truyền thống tâm lý và xã hội Nhật Bản xem phụ nữ chỉ thích hợp với vai trò nội trợ hoặc làm công việc hành chính. Khi JSDF được thành lập vào năm 1954, phụ nữ chỉ được chiêu mộ làm y tá. Sau đó lực lượng này dần mở cửa hơn với nữ giới nhưng họ vẫn không được tham chiến. Đến năm 2013, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe cam kết tăng cường và tạo điều kiện cho thêm nhiều phụ nữ làm việc trong mọi lĩnh vực của đời sống, xem đây là một trong 3 mũi nhọn của chính sách tăng trưởng kinh tế – xã hội được gọi là Abenomics.
Lực lượng phòng vệ biển (JMSDF) và phòng vệ mặt đất (JGSDF) là những đơn vị tiên phong giao trọng trách cho nữ giới. Nữ bộ binh Nhật hiện đảm nhận hầu hết các nhiệm vụ như nam giới trừ các công việc phải tiếp xúc với chất độc hóa học. Trong khi đó, JMSDF đang lên kế hoạch trang bị phòng thay đồ dành riêng trên tàu ngầm để đón nữ binh. “Tôi muốn đóng góp công sức bảo vệ đất nước”, tân binh Kokoro Isomura (23 tuổi) nói với CNN. “Tôi vẫn đang chật vật với môn chạy 3.000 m và hít đất, nhưng tôi sẽ nỗ lực tập luyện hết mình”, Isomura hào hứng cho hay và bày tỏ hy vọng sẽ trở thành thủy thủ tàu ngầm. Trong khi đó, nữ tân binh Moeka Yoshihara (26 tuổi) chia sẻ cô muốn tham gia các chiến dịch trên tàu khu trục. “Cha mẹ và bạn bè đều lo ngại, nhưng tôi hỏi ngược lại vậy thì ai sẽ bảo vệ đất nước?”, cựu y tá Yoshihara chia sẻ.
Không chỉ dừng ở tân binh, phụ nữ ngày càng thể hiện vị thế và giữ vai trò chỉ huy trong JSDF. Hồi tháng 3.2018, đại tá Ryoko Azuma (44 tuổi) được bổ nhiệm làm nữ chỉ huy đầu tiên cho một đơn vị với 4 tàu chiến, bao gồm một khu trục hạm chở trực thăng lớp Izumo và 800 thủy thủ. Mới đây, trung úy Misa Matsushima (26 tuổi) trở thành nữ phi công tiêm kích đầu tiên của Nhật Bản, theo tờ Asahi Shimbun. “Phụ nữ giữ vai trò chỉ huy không còn được xem là điều bất khả như trước”, theo trung úy Misako Yamada, người đứng đầu trại huấn luyện tại căn cứ Yokosuka. Bên cạnh đó, các binh sĩ nam giới cũng tỏ ra khá hào hứng với những thay đổi đang diễn ra. “Sau khi biết tin Nhật Bản có nữ phi công tiêm kích đầu tiên, tôi nghĩ rằng đây là điều tuyệt vời. Ở đây, chúng tôi có phụ nữ lái xe quân sự. Tôi cảm thấy rất bình thường khi làm việc cùng phái nữ”, binh sĩ Katsunari Takahashi tại trại huấn luyện Asaka ở thủ đô Tokyo chia sẻ với Kyodo News.
PHÚC DUY