Bắt tay “người khổng lồ”
Hợp tác với các doanh nghiệp lớn trên thế giới đang là hướng đi mới mà các doanh nghiệp lựa chọn để đưa thương hiệu Việt ra quy mô toàn cầu.
Bắt tay “người khổng lồ”
Hợp tác với các doanh nghiệp lớn trên thế giới đang là hướng đi mới mà các doanh nghiệp lựa chọn để đưa thương hiệu Việt ra quy mô toàn cầu.
Các doanh nghiệp Việt đang chủ động bắt tay với đối tác ngoại, thậm chí “thôn tính” doanh nghiệp ngoại để mở rộng thị trường. Các thương vụ ngày càng lớn hơn.
Bắt tay để tiến lên
Cuối tháng 1-2019, khi mọi người đang còn tất bật trong không khí chuẩn bị Tết Nguyên đán, chuỗi hệ thống Nha khoa Kim và hệ thống Lotte Members Vietnam của Hàn Quốc bất ngờ công bố hợp tác chiến lược.
Thương vụ đưa Nha khoa Kim trở thành công ty Việt Nam đầu tiên gia nhập hệ sinh thái Lotte, đứng cùng các thương hiệu quốc tế như Lotteria, Lotte Cinema…
Ông Sử Duy Bin, CEO Nha khoa Kim, cho biết việc hợp tác này giúp mạng lưới của Nha khoa Kim có thể vươn đến tất cả những khách hàng đang có thẻ thành viên của hệ thống Lotte ở VN và có thể cả ở Hàn Quốc. Chỉ tính riêng ở VN, hệ thống Lotte Members đã có hơn 2 triệu thành viên, tại Hàn Quốc con số này cao gấp nhiều lần.
Theo ông Bin, việc hợp tác với Lotte membership sẽ giúp hệ thống vươn xa hơn đến khách quốc tế.
48,8 tỉ USD
là giá trị của trên 4.000 thương vụ mua bán sáp nhập tại VN được thực hiện trong 10 năm từ 2009 đến nay.
Nguồn: Diễn đàn Mua bán
sáp nhập VN 2018
Đầu năm 2019, Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood đã cùng Tập đoàn Asahi của Nhật Bản công bố thành lập một liên doanh hợp tác giữa hai bên để đưa các sản phẩm dinh dưỡng trẻ em chuẩn Nhật Bản vào thị trường Việt Nam.
Asahi là tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản chuyên kinh doanh các mặt hàng thực phẩm (sữa công thức, thực phẩm dinh dưỡng trẻ em) và nước giải khát (bia, nước ngọt đóng chai) với tổng doanh thu năm 2017 là hơn 2.000 tỉ yen (khoảng 19 tỉ USD).
Nói về lý do Asahi hợp tác tại Việt Nam, ông Shoyama Katsuo, chủ tịch Asahi Group Foods, cho hay công ty này đã bán nhiều sản phẩm tại Việt Nam trước đây và nhận thấy Việt Nam ngày càng trở thành thị trường quan trọng và đã tìm hiểu rất kỹ để chọn NutiFood làm đối tác.
Có lịch sử hình thành giống thương hiệu WAKODO vì cùng khởi đầu là những dược sĩ và bác sĩ, ông Shoyama Katsuo cho hay vẫn ký kết với NutiFood dù các sản phẩm của Asahi Group Foods đã có mặt ở 70 quốc gia trên toàn thế giới và đây là lần đầu tiên tập đoàn này thành lập một liên doanh với một doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực sản phẩm tiêu dùng.
Trước đó, hồi tháng 9-2018, cũng là NutiFood đã cùng Tập đoàn Backahill của Thụy Điển ký biên bản ghi nhớ nhằm hợp tác đầu tư sản xuất các sản phẩm sữa, thực phẩm dinh dưỡng organic ở Thụy Điển.
Mục đích cũng được công khai: để xuất khẩu các sản phẩm làm từ sữa ra thị trường châu Âu và thị trường châu Á (Backahill là cổ đông chiến lược ở năm công ty lớn niêm yết tại NASDAQ Stockholm, Thụy Điển).
Trong lĩnh vực thương mại điện tử, hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) cũng diễn ra khá sôi động, như Công ty JD.com, doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu Trung Quốc, rót hàng triệu đô vào Tiki.
Đây sẽ là kênh giúp JD thâm nhập thị trường VN nhưng theo bà Vũ Thị Nhật Linh – giám đốc Sàn giao dịch Tiki, việc hợp tác với JD cũng được định hướng sẽ giúp mang thương hiệu Việt như các mặt hàng nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ… tiếp cận nhiều thị trường khác trên thế giới thông qua sàn thương mại Joybuy, trong đó có Trung Quốc.
Tiếp tục chờ những thương vụ triệu USD
Sự chủ động hợp tác của doanh nghiệp VN để len lỏi vào hệ sinh thái, chuỗi cung ứng của doanh nghiệp nước ngoài không chỉ là sự chia sẻ thị trường tiêu dùng, mà còn cho thấy các doanh nghiệp VN đang ngày càng vững hơn trong quản trị, công nghệ.
Năm 2019 với những hiệp định tự do thương mại lớn tiếp tục có hiệu lực, việc đi ra biển lớn của doanh nghiệp VN hứa hẹn còn sôi động hơn. Theo ông Phan Đức Hiếu – viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), đây là xu hướng phản ánh phần nào sự mạnh lên của các doanh nghiệp nội địa. Họ đã có tiềm lực về vốn để có thể tận dụng những nền tảng về quản lý, tổ chức mà doanh nghiệp nước ngoài xây dựng từ trước.
Theo ông Vũ Bá Phú – cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), hoạt động M&A là một trong những cách thức giúp tăng tiếp cận thị trường. Việc bắt tay hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài cũng là cách thức để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, cải thiện nguồn lực vốn, quản trị…
Xu hướng tới đây khi các hiệp định thương mại tự do được thực thi, sức ép cạnh tranh ngày càng lớn nên xu hướng M&A sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn.
Ngoài những lĩnh vực như hàng tiêu dùng, bán lẻ thì nhiều doanh nghiệp ở lĩnh vực công nghiệp, sản xuất cũng sẽ là xu thế trong các hoạt động M&A sắp tới.
Vươn ra ngành giày dép – túi xách thế giới
Nhắc lại kỷ niệm về việc lấy hình ảnh đôi giày làm biểu tượng cho Công ty giày Thái Bình hơn 30 năm trước – tiền thân của TBS Group – doanh nghiệp tư nhân top 5 xuất khẩu giày dép VN ngày nay, ông Nguyễn Đức Thuấn, chủ tịch TBS Group, cho biết từ năm 1996 trở đi, Giày Thái Bình vươn ra thị trường quốc tế khi ký kết thành công hợp đồng với nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới như Decathlon, Reebok, Schekers, Wolverine, không nhận đơn hàng thông qua các đơn vị trung gian từ Đài Loan, Hàn Quốc như trước.
Đến nay, chỉ tính riêng ngành sản xuất giày của TBS Group, công ty hiện sở hữu 15 nhà máy sản xuất giày thể thao và hai nhà máy sản xuất đế, công suất trên 40 triệu đôi giày/năm.