24/01/2025

Chính trường Thái dần nóng lên

Hơn một tháng trước bầu cử, chính trường Thái Lan nóng hơn bao giờ hết sau khi công chúa Ubolratana tuyên bố ra tranh cử thủ tướng nhưng bị hoàng gia ngăn cấm và tin đồn đảo chính quân sự.

 

Chính trường Thái dần nóng lên

Hơn một tháng trước bầu cử, chính trường Thái Lan nóng hơn bao giờ hết sau khi công chúa Ubolratana tuyên bố ra tranh cử thủ tướng nhưng bị hoàng gia ngăn cấm và tin đồn đảo chính quân sự.
 
 
 
 

Chính trường Thái dần nóng lên - Ảnh 1.

Tranh vẽ trên tường về cuộc bầu cử sắp tới tại Bangkok, Thái Lan – Ảnh: Reuters

Tuy vậy, việc một đảng chính trị đề cử một thành viên hoàng gia ra tranh cử thủ tướng phát đi tín hiệu đầu tiên về cuộc chiến ngầm giữa các đảng phái trước thềm cuộc bầu cử dự kiến diễn ra ngày 24-3 tại xứ sở chùa vàng.

 

Thế lực thân Thaksin – phe đối lập chính – sẽ vẫn là lực lượng mạnh ghê gớm chừng nào ông ấy còn muốn liên quan. Tôi nghĩ sẽ còn nhiều bất ngờ phía trước.

Chuyên gia Nicholas Farrelly của Đại học Quốc gia Úc nhận định.

Đằng sau đề cử công chúa

Sau nhiều tin đồn, Thai Raksa Chart cuối tuần trước gây ra cơn địa chấn khi tuyên bố đề cử chị gái của nhà vua Maha Vajiralongkorn là ứng viên duy nhất của đảng này ra tranh cử ghế thủ tướng Thái Lan. 

Sự tham gia của công chúa có khả năng đảo lộn tình hình chính trị khi Thủ tướng đương nhiệm Prayuth Chan-o-cha và Đảng Palang Pracharath đang muốn giành thêm quyền lực sau cuộc bầu cử.

Đề cử chưa từng có tiền lệ, phá vỡ truyền thống này mở ra khả năng Thái Lan sẽ có một thủ tướng xuất thân từ hoàng gia đầu tiên trong gần 100 năm và quan trọng hơn hết gần như “bất khả xâm phạm”.

Liên minh dưới trướng công chúa Ubolratana gồm các đảng nhân dân và dân túy được dự báo có thể giúp ổn định tình hình Thái Lan sau nhiều năm dưới quyền chính quyền quân sự. Họ cũng có thể xóa bỏ các cáo buộc khiến cựu thủ tướng Thaksin đang phải sống lưu vong. Khả năng liên minh này sẽ “làm nên chuyện” không hề nhỏ khi mà chính quyền dưới trướng ông Thaksin từng liên tục chiến thắng các đợt bầu cử.

Nhưng hi vọng nhanh chóng bị dập tắt. Dù công chúa đã từ bỏ tước hiệu hoàng gia sau khi kết hôn với người nước ngoài, nhà vua cho biết bà vẫn là một thành viên của hoàng gia và không được phép tham gia chính trị. 

Thai Raksa Chart sau đó cho biết sẽ tuân lời nhà vua. Dù hoàng gia không can dự gì đến hiến pháp nhưng “chiếu chỉ” của nhà vua coi như kết liễu sự nghiệp chính trị của công chúa.

Sự “phủ quyết” của nhà vua thậm chí có thể ngầm hiểu như một sự đảm bảo cho sự cầm quyền của quân đội. Nếu liên minh các đảng thân quân đội thắng lợi sau cuộc bầu cử, ông Prayuth gần như chắc chắn sẽ tiếp tục là thủ tướng Thái Lan.

Ngày 11-2, Ủy ban Bầu cử (EC) của Thái Lan đã chính thức hủy tư cách tranh cử thủ tướng của công chúa Ubolratana Rajakanya Sirivadhana Barnavadi. 

Theo Bangkok Post, EC đã công bố danh sách ứng viên của các đảng nhưng không có tên của vị công chúa 67 tuổi, người từng tuyên bố sẽ đại diện Đảng Thai Raksa Chart – một chi nhánh của Đảng Pheu Thai – thân cựu thủ tướng và “anh hùng của nông dân” Thaksin Shinawatra. 

“Tất cả thành viên hoàng gia đều đứng trên chính trị” – EC giải thích, cho rằng công chúa tham gia chính trường là vi hiến.

Chỉ là mở màn

Tuy nhiên một số ý kiến lại cho rằng sự ra mặt của công chúa, dù không thành công, cũng đủ để vực dậy phe “áo đỏ” (lực lượng ủng hộ chính phủ của cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra) trong cuộc bầu cử tháng sau và để lại dấu ấn trong lòng cử tri Thái Lan. 

“Đối với người ủng hộ Thai Raksa Chart, điều đó sẽ càng tạo ra sự đồng cảm với đảng này… Trong mắt họ, đảng này chỉ là một nạn nhân” – Anusorn Unno, trưởng khoa xã hội và nhân loại học Đại học Thammasat, nói. Điều này càng củng cố dự đoán các đảng thân Thaksin vẫn có thể giành đa số ghế trong cuộc bầu cử tháng sau.

Nhưng kịch bản nào cũng có nguy cơ khiến Thái Lan tiếp tục bất ổn. Chiến thắng của các đảng thân quân sự sẽ vấp phải sự bất mãn của phe thân Thaksin và ngược lại. Thậm chí nếu các đảng dân túy chiến thắng, có khả năng sẽ tiếp tục xảy ra đảo chính như năm 2014 và rồi lặp lại kịch bản bất ổn kéo dài gần hai thập kỷ qua.

Trong khi đó, chính trường Thái Lan đang căng như dây đàn khi hình ảnh xe tăng trên đường phố cũng đủ tạo ra tin đồn đảo chính dù quân đội đã nhanh chóng bác bỏ. Ngày 12-2, chính quyền Bangkok tuyên bố tạm đình chỉ Đài Voice TV, thuộc sở hữu của con cái ông Thaksin, vì phát các nội dung gây hỗn loạn và “kích động xung đột” trước thềm bầu cử.

Thai Raksa Chart có nguy cơ bị xoá sổ

Truyền thông Thái Lan đưa tin Uỷ ban Bầu cử Thái Lan ngày 12-2 yêu cầu Tòa án hiến pháp nước này giải thể Đảng Thai Raksa Chart vì lôi kéo hoàng gia vào chính trị.

Yêu cầu này dựa trên cáo buộc Thai Raksa Chart vi phạm luật đảng phái chính trị 2018 và các bằng chứng: tuyên bố hoàng gia 8-2, thư thông báo ứng viên của đảng này và thư báo lên quốc hội. Luật bầu cử yêu cầu các ứng viên công bố ứng viên ít nhất 90 ngày trước bầu cử và không có quyền thay đổi.

Nếu tòa án chấp thuận, Thai Raksa Chart sẽ bị giải tán và 13 lãnh đạo của đảng này sẽ bị cấm tham gia chính trị trong 10 năm hoặc suốt đời. Điều quan trọng là nó cũng có nghĩa không có ứng viên nào của đảng này được phép tranh cử sắp tới, theo Bangkok Post.

 

TRẦN PHƯƠNG