18/11/2024

Ngoại trưởng Mỹ đi Trung Âu giành lại đồng minh từ Nga, Trung Quốc

Trận địa mới trong cuộc cạnh tranh sức ảnh hưởng của Mỹ với Nga và Trung Quốc rất có thể là Trung Âu, phản ánh góc nhìn khác trong chiến lược ‘Nước Mỹ trên hết’ của Tổng thống Donald Trump.

 

Ngoại trưởng Mỹ đi Trung Âu giành lại đồng minh từ Nga, Trung Quốc


Trận địa mới trong cuộc cạnh tranh sức ảnh hưởng của Mỹ với Nga và Trung Quốc rất có thể là Trung Âu, phản ánh góc nhìn khác trong chiến lược ‘Nước Mỹ trên hết’ của Tổng thống Donald Trump.



Ngoại trưởng Mỹ đi Trung Âu giành lại đồng minh từ Nga, Trung Quốc - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo – Ảnh: REUTERS

Hôm 11-2, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bắt đầu chuyến thăm Hungary, Slovakia và Ba Lan.

Một công nhiều việc

Một trong những mục tiêu trọng tâm của ông Pompeo trong chuyến đi này là nhấn mạnh cam kết của Mỹ và cạnh tranh sức ảnh hưởng với Trung Quốc và Nga. Nói theo trang Politico, nhiệm vụ của ông Pompeo là đảm bảo rằng Washington vẫn đang muốn Trung Âu và Đông Âu “hướng Tây”.

Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức giấu tên trong chính quyền Tổng thống Trump tiết lộ tình thế hiện tại đang rất khẩn trương. 

Vị này nói: “Những nỗ lực của chúng tôi trong việc gắn kết quan hệ ngoại giao là nhằm vào sự cạnh tranh tầm ảnh hưởng và mang tới sự hỗ trợ cũng như lợi ích của Mỹ cho các đồng minh trong khu vực, để họ có sự thay thế vai trò của Nga và Trung Quốc”.

Mỹ đang lo ngại về sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc tại Trung Âu, đặc biệt là việc Công ty viễn thông Huawei mở rộng quy mô tại Hungary và Ba Lan.

Huawei là một chủ đề nóng trong quan hệ Mỹ – Trung thời gian qua, kể từ lúc Mỹ yêu cầu chính quyền Canada bắt giữ giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu của hãng này. 

Washington cũng thường xuyên cảnh báo rằng Bắc Kinh kiểm soát các công ty công nghệ lớn tại Trung Quốc, từ đó sử dụng Huawei hay ZTE để trộm thông tin tình báo các nước, thông qua thực tế rằng đây là những đại gia công nghệ chuyên cung cấp thiết bị hạ tầng viễn thông. 

Tại Trung Âu, Mỹ và các đồng minh phương Tây cũng tin rằng các thiết bị của Huawei có thể được dùng để do thám.

Trong khi đó đối với Nga, Mỹ đang tích cực vận động để các nước Đông và Trung Âu cắt đứt mối quan hệ hợp tác trong ngành năng lượng. Lấy ví dụ, Mỹ kêu gọi Hungary không ủng hộ dự án đường ống TurkStream, vốn nằm trong kế hoạch của Nga trong việc dẫn khí đốt thẳng từ Nga sang châu Âu mà không cần thông qua Ukraine.

Hiện Hungary sử dụng phần lớn khí đốt từ Nga, và nguồn điện chính của nước này là Công ty năng lượng hạt nhân Paks, vốn có sự hiện diện lớn của tập đoàn năng lượng hạt nhân nhà nước của Nga (Rosatom). 

Hồi đầu tháng này, Thủ tướng Peter Szijjarto của Hungary nói Mỹ sẽ giúp nước này đa dạng hóa nguồn cung, thoát khỏi sự lệ thuộc năng lượng vào Nga. Ông Szijjarto khuyến khích sự có mặt của công ty Mỹ ExxonMobil trong một dự án khí đốt ở Biển Đen.

Chính quyền tiền nhiệm nghĩ rằng Đông và Trung Âu là nơi mà chúng tôi đã làm xong công việc của mình… Nhưng không phải thế

Daniel Fried (cựu đại sứ Mỹ ở Ba Lan và hiện làm việc tại Hội đồng Atlantic, Mỹ)

Góc nhìn khác của “nước Mỹ trên hết”

Theo lịch trình, ông Pompeo sẽ đến thủ đô Budapest của Hungary, trước lúc sang Bratislava của Slovenia ngày 12-2, và sau đó kết thúc hành trình ở Ba Lan.

Ngoại trưởng Mỹ gần nhất thăm Budapest là bà Hillary Clinton vào năm 2011. Trong khi đó, Bratislava sẽ lần đầu đón quan chức ngoại giao cấp cao như vậy từ Mỹ sau tròn 20 năm. Những mốc thời gian cách nhau một cách ấn tượng như vậy có thể lột tả thái độ quan tâm của Mỹ ở khu vực Trung Âu sau khi chú trọng châu Á, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hay Trung Đông.

Trong chương trình, Ngoại trưởng Pompeo cũng đồng chủ tọa một hội nghị an ninh về Trung Đông với chính quyền Ba Lan. Washington mong sẽ lấy dịp này để tranh thủ sự ủng hộ trong việc gây áp lực trừng phạt lên Iran, sau khi cáo buộc Tehran vi phạm thỏa thuận hạt nhân.

Câu chuyện Iran là điểm khiến châu Âu soi xét kỹ chuyến thăm của ông Pompeo lần này vì có thể gợi lên sự chia rẽ trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU). Hiện tại, các nước được xem là đầu tàu của EU như Anh, Đức và Pháp đều khác biệt với Mỹ trong quan điểm về Iran.

Nói cách khác, Mỹ đang có thể lôi kéo các nước Trung và Đông Âu về phía mình trong trường hợp Iran, giữa lúc bản thân Hungary và Ba Lan cũng đang hục hặc với EU trong các cáo buộc vi phạm các giá trị nền tảng của khối này.

Trường hợp Trung và Đông Âu hiện tại có thể phần nào gợi lên chiến thuật cốt lõi mà Tổng thống Trump thể hiện tính đến nay. Theo đó, “Nước Mỹ trên hết” không phải là cách chính quyền ông Trump bỏ rơi đồng minh, mà là khai thác triệt để các vết nứt, buộc các đồng minh của mình phải điều chỉnh các mối quan hệ.

Hoặc theo lập luận thường nghe từ Nhà Trắng, các đồng minh cũng phải san sẻ gánh nặng và trách nhiệm, mà việc cùng chỉ thẳng mối lo ngại an ninh đối với Huawei là ví dụ điển hình.

Nói cách khác, Nước Mỹ trên hết của ông Trump không phải một dạng rút khỏi mọi cam kết đa phương, mà là tái định hình trật tự giữa Mỹ và đồng minh. Dĩ nhiên, đó là trật tự có lợi hơn cho Washington.

 

NHẬT ĐĂNG