28/12/2024

Mỹ đối phó hải cảnh, tàu cá Trung Quốc

Mỹ được dự báo sẽ tăng cường các biện pháp ứng phó tình trạng tàu hải cảnh và tàu cá Trung Quốc gây bất ổn tại các vùng biển nhạy cảm.

 

Mỹ đối phó hải cảnh, tàu cá Trung Quốc

Mỹ được dự báo sẽ tăng cường các biện pháp ứng phó tình trạng tàu hải cảnh và tàu cá Trung Quốc gây bất ổn tại các vùng biển nhạy cảm.

 

 

Tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động phi pháp trong vùng biển Hoàng Sa của VN  /// Ảnh: Mai Thanh Hải

Tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động phi pháp trong vùng biển Hoàng Sa của VN  ẢNH: MAI THANH HẢI

 
Tờ South China Morning Post (SCMP) hôm qua dẫn lời các nhà phân tích dự đoán trong năm 2019, Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai hải cảnh và đội tàu cá bọc thép cỡ lớn, đóng vai trò như “dân quân biển” đến hoạt động tại những vùng biển mà nước này áp đặt tuyên bố chủ quyền phi pháp.
 
Lâu nay, 2 lực lượng này được gọi là “hạm đội thứ 2 và thứ 3” bên cạnh hải quân, và là công cụ để Trung Quốc tăng cường hiện diện trên biển mà không cần phải triển khai quân đội. Nếu xảy ra đối đầu, Trung Quốc có thể chỉ trích lực lượng chức năng các nước khác “đàn áp tàu dân sự” và mượn cớ triển khai lực lượng chính quy với danh nghĩa “bảo vệ ngư dân”.
 

Hiện hải quân Trung Quốc và gần 20 nước khác tham gia Bộ quy tắc ứng xử khi chạm trán bất ngờ trên biển nhằm tránh nguy cơ xảy ra đụng độ không lường trước. Thế nhưng, nhiều nước và giới chuyên gia gần đây liên tục cảnh báo về những hoạt động gây quan ngại và mất ổn định của tàu hải cảnh và tàu “dân quân biển” Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông.

 
Trong bài phát biểu chúc tết lực lượng hải cảnh mới đây, Phó chủ tịch Quân uỷ trung ương Trung Quốc Hứa Kì Lượng kêu gọi “chuẩn bị tốt trước mọi tình huống có thể xảy ra” tại Biển Đông và biển Hoa Đông. Tân Hoa xã còn dẫn lời Tướng Hứa thúc giục lực lượng này hãy “kiên định bảo vệ” cái gọi là quyền và lợi ích của Trung Quốc ở những vùng biển nhạy cảm.
 
Nhận định với SCMP, chuyên gia Adam Ni của ĐH Macquarie (Úc) nói những phát biểu của ông Hứa là chỉ dấu cho thấy hải cảnh Trung Quốc “đóng vai trò then chốt trong thực thi tuyên bố chủ quyền của nước này, giúp hải quân rảnh tay thực thi những kế hoạch quy mô”. Chuyên gia Collin Koh của Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore) cũng cho rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục sử dụng con cờ hải cảnh và tàu cá tại những vùng biển nhạy cảm.
 
Theo giới chuyên gia, đến nay, các bên vẫn đang chật vật tìm biện pháp hữu hiệu ứng phó “hạm đội thứ 2 và 3” của Trung Quốc mà không khiến tình hình vượt tầm kiểm soát hoặc tạo cớ để nước này đẩy mạnh quân sự hóa trên biển. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ đã bắt đầu tìm kiếm đối sách. Hồi tháng 10.2018, Lầu Năm Góc lần đầu tiên trình lên quốc hội báo cáo chi tiết về tàu cá Trung Quốc. “Lực lượng này được trả lương nên hầu như không có chức năng đánh bắt để kiếm nguồn thu về thương mại mà đóng vai trò lớn trong những hoạt động dọa dẫm nhằm phục vụ mục đích chính trị của Trung Quốc”, báo cáo viết.
 
Mới đây, phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington D.C, Tham mưu trưởng hải quân Mỹ John Richardson kêu gọi cộng đồng quốc tế phải mở rộng các quy định an ninh trên biển để bao gồm cả hải cảnh và tàu cá vũ trang của Trung Quốc. Ngoài ra, các chuyên gia thuộc Đại học Sydney (Úc) và Diễn đàn Thái Bình Dương (trụ sở ở bang Hawaii, Mỹ) vừa ra báo cáo chung kêu gọi Washington phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác trong khu vực để đẩy lui chiến thuật sử dụng các lực lượng “quân sự trá hình” trên biển.
 
SCMP dẫn lời nhà phân tích Lyle Morris thuộc Tổ chức Nghiên cứu Rand (Mỹ) nhận định những diễn biến mới, đặc biệt là phát biểu của Đô đốc Richardson, phản ánh “sự thay đổi quan trọng trong tư duy của Mỹ” và chắc chắn Lầu Năm Góc sẽ có động thái đối phó 2 “hạm đội” Trung Quốc.
 
 
THUỴ MIÊN