22/01/2025

Khát vọng phồn thịnh của châu Á

Khi năm Kỷ Hợi còn đang “rất mới”, những nước ăn tết theo âm lịch như Trung Quốc, Hàn Quốc… đang nỗ lực tạo đà khởi động cho 365 ngày trọn vẹn của năm.

 

Khát vọng phồn thịnh của châu Á

Khi năm Kỷ Hợi còn đang “rất mới”, những nước ăn tết theo âm lịch như Trung Quốc, Hàn Quốc… đang nỗ lực tạo đà khởi động cho 365 ngày trọn vẹn của năm.


 

Khát vọng phồn thịnh của châu Á - Ảnh 1.

Người dân Trung Quốc vui chơi ở Bắc Kinh trong ngày đầu tiên năm Kỷ Hợi – Ảnh: Reuters

Tựu chung, trong thông điệp đầu năm âm lịch, các nhà lãnh đạo đề ra mục tiêu mang lại sự thịnh vượng cho người dân.

Trung Quốc hướng về người nghèo

Trong bài phát biểu trước thềm năm mới Kỷ Hợi ngày 3-2, Tổng bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình nói người Trung Quốc vừa trải qua một năm khó khăn nhưng đã hoàn thành mục tiêu đặt ra. 

“Nền kinh tế Trung Quốc vẫn ổn định trong khi đạt thêm tiến bộ cùng những bước đi mới trong cải cách và mở cửa”, ông Tập nói.

Hãng tin Tân Hoa xã trong những ngày đầu năm mới Kỷ Hợi nhận định các chuyến thăm viếng dịp đầu năm âm lịch của Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục khẳng định rõ ràng quan điểm điều hành hướng về người dân xuyên suốt nhiều năm qua của chính quyền.

Chuyến thăm mới nhất của ông Tập là tới thăm các gia đình sống tại khu vực ngõ hẻm cổ xưa ngay trung tâm thủ đô Bắc Kinh vừa trải qua giai đoạn tôn tạo. 

Ở đó, ông Tập hỏi thăm tỉ mỉ về đời sống của người dân, từ chuyện sưởi ấm mùa đông, chi phí tiền điện và việc chuẩn bị tết. Ông cũng đích thân kiểm tra xem khu vực vệ sinh công cộng tại đó có sạch không.

Trong năm 2019, Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu nâng mức sống của 10 triệu cư dân nông dân vượt qua mức nghèo và hướng tới mục tiêu trở thành “xã hội thịnh vượng vừa phải trên mọi phương diện” vào năm 2020, ngay trước thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (1921-2021).

2019 cũng là năm đánh dấu giai đoạn nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới bắt đầu đối mặt với những sức ép ngày càng tăng trong việc tạo ra một xã hội bình đẳng hơn, cung cấp được các dịch vụ y tế, giáo dục và an sinh xã hội tới tất cả người dân, đặc biệt là nhóm người yếu thế, dễ tổn thương. 

2018 là năm nền kinh tế Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong 28 năm qua với 6,6%, thấp hơn 6,8% của năm 2017.

Trong năm nay, theo ước tính của Nikkei, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ chậm lại, còn khoảng 6,2%, giảm 0,4% so với 6,6% của năm 2018. 

Trong bối cảnh đó, giới quan sát thị trường đều đang dồn chú ý vào những động thái kích thích kinh tế của Chính phủ Trung Quốc. Từ giữa tháng 12 năm ngoái, Bắc Kinh đã hé lộ một trong những biện pháp kích thích đó là chính sách cắt giảm thuế và phí nhiều hơn.

Hàn Quốc tiếp tục “hướng nam”

2019 là năm tại nhiệm thứ 3 trong nhiệm kỳ của Tổng thống Moon Jae In và theo đánh giá của chuyên gia Kwang Kim của Quỹ châu Á (Asia Foundation), quốc gia này đang đứng tại “các bùng binh” của kinh tế, xã hội và chính sách đối ngoại. 

Bất kể còn nhiều ngờ vực, kỳ vọng về một khe cửa hẹp cơ hội sẽ là động lực thuyết phục Hàn Quốc, Triều Tiên và Mỹ có thể đạt được một thỏa hiệp nào đó trong vấn đề hạt nhân.

Dù vậy Hàn Quốc cũng đang đối mặt với thách thức, song cũng là cơ hội trong việc điều chỉnh chính sách hỗ trợ phát triển của nước này phù hợp hơn với các xu thế toàn cầu. 

Đó là việc chuyển đổi từ phương thức hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn tập trung cho các chính phủ và theo hướng từ trên xuống, sang các phương thức tiếp cận công – tư hợp tác hữu nghị của các mục tiêu phát triển bền vững (SDG). 

Sự chuyển đổi từ tư duy ODA sang SDG có thể được kiểm nghiệm trong “chính sách hướng nam” của chính quyền Tổng thống Moon Jae In, hướng nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ phát triển vào các nước ASEAN và Ấn Độ.

Về kinh tế, Hàn Quốc cũng đang chật vật ứng phó với những hệ quả từ việc tái định hướng nền kinh tế từ sản xuất sang dịch vụ trong bối cảnh các tập đoàn kinh tế lớn (còn gọi là chaebol) tiếp tục giữ vai trò vừa là nhân tố hỗ trợ, nhưng cũng lại vừa là trở ngại cho sự phát triển. 

Các chaebol sẽ tiếp tục được thử thách trong năm 2019 khi nền kinh tế toàn cầu giảm tốc theo dự đoán của IMF và nhiều tổ chức đánh giá quốc tế khác.

Trong hai năm qua, kinh tế Hàn Quốc cũng đã xuất hiện những tín hiệu sớm của căng thẳng, trong đó có giảm số việc làm. 

Nguy cơ kinh tế còn phức tạp hơn với tình trạng nợ của các hộ gia đình tăng, lãi suất có thể sẽ tăng. 

Trong khi đó tình hình nhân khẩu học thay đổi vẫn tiếp tục gây lo ngại khi dân số Hàn Quốc ngày càng già hơn, làm phát sinh căng thẳng giữa các thế hệ về công việc, phúc lợi xã hội và những nguồn tài nguyên khác.

 

D.KIM THOA