Siêu thị tấp nập người mua sắm
Chị N.Ánh, nhân viên siêu thị ở Q.3, cho biết đã phải làm việc hết công suất vì lượng khách quá đông, phải thường xuyên đẩy hàng mới lên các quầy kệ. Gần như những ngày giáp tết này không có giờ cao điểm vì từ lúc mở cửa đến đóng cửa lúc nào khách hàng cũng tấp nập, đến nỗi không có thời gian nghỉ để… thở.
Sự quá tải ở các siêu thị ngay từ khu vực gửi xe đến bên trong các quầy hàng và khu vực tính tiền. Các siêu thị đều tổ chức khu vực gian hàng tết với đầy đủ nhu yếu phẩm. Nhiều gia đình ngoài việc đến siêu thị mua sắm còn là dịp để dạo chơi ngày giáp tết.
Anh Nguyễn Thế Hưng, một khách hàng, cho biết: “Những ngày này đi mua sắm dù đông khách cũng phải chấp nhận vì đi siêu thị có thể mua được nhiều mặt hàng khác nhau. Bên cạnh đó giá cả cũng rõ ràng khỏi phải trả giá, tính ra vẫn lợi hơn đi chợ rất nhiều”.
Tại các hệ thống phân phối lớn, tuy lượng khách hàng mua sắm tăng cao nhưng lượng hàng hóa vẫn rất dồi dào và giá cả ổn định. Các hệ thống phân phối trong những ngày qua sức mua tăng từ 50 – 70% so với ngày thường và tăng khoảng 20% so với dịp tết năm trước. Do đón trước nhu cầu thị trường nên các hệ thống phân phối đã phối hợp chặt chẽ với nhà sản xuất để bảo đảm nguồn cung hàng. Một số hệ thống siêu thị còn phối hợp với bà con nông dân cung ứng các mặt hàng đặc sản như bưởi hồ lô, bánh chưng, bánh tét…
Chạy mua “vét” quần áo ngày cuối năm
Hôm qua 31.1 (26 tết) nhiều cửa hàng tại các tuyến phố như Nguyễn Trãi, Hai Bà Trưng, Lê Văn Sỹ… ở TP.HCM không quá đông khách. Mặc dù hầu hết các cửa hàng đều treo bảng giảm giá từ 30 – 50% nhưng lượng khách mua chỉ lác đác. Khoảng 11 giờ sáng tại một cửa hàng quần áo trên đường Nguyễn Trãi, Q.1, có 2 khách nữ cùng vào xem nhưng sau đó lại quay ra tay không. Hai chị em này cho biết làm cùng một công ty và tranh thủ đi mua hàng vì 27 tết sẽ về quê. Họ muốn mua bộ áo dài để vui xuân nhưng mẫu ưa thích thì không còn kích cỡ của mình. “Muốn mua quần áo đẹp, có nhiều lựa chọn hơn thì nên mua ít nhất từ 2 tuần trước. Nhưng khi đó cứ bận việc rồi chần chừ mãi đến nay mới đi. Kiểu này không có áo dài diện tết rồi chị ơi”, cô gái tên Thu chia sẻ.
Bưởi hồ lô vào siêu thị ẢNH: CHÍ NHÂN
|
Ở các cửa hàng bán va li cũng trên đường Nguyễn Trãi thì khách đông hơn. Tín và Hùng, hai bạn nam khá trẻ đang lựa chọn một chiếc va li cỡ trung, cho biết ngày 28 tết sẽ về quê ở miền Trung đón tết cùng gia đình. Hai hôm trước soạn đồ thì mới thấy va li đã quá cũ nên quyết định mua cái mới. Hơn nữa, giá va li những ngày cận tết được giảm từ 50 – 70% và chỉ còn gần 900.000 đồng/cái. Giá này được Tín và Hùng cho là “phù hợp” với nhu cầu và túi tiền nên hai bạn không ngần ngại tậu ngay mỗi người một cái.
Trong khi đó, tại Trung tâm thương mại Vincom trên đường Đồng Khởi, Q.1, lượng người mua sắm ở các cửa hàng thời trang cũng vắng hơn ngày thường. Tại đây, hàng loạt thương hiệu trong và ngoài nước đều có chương trình khuyến mãi đón tết với giá giảm từ 20 – 50%. Ở một số quầy quần áo trẻ em, khách mua nhiều hơn các cửa hàng bán thời trang cho người lớn. Hai mẹ con chị Hạnh, ngụ Q.Tân Bình, đang lựa chọn quần áo ở một cửa hàng. Chị Hạnh cho biết do hôm qua bắt đầu được nghỉ làm nên mới đưa con gái đi sắm quần áo mới. “Thật ra mình ở đây thì trong năm cũng mua sắm lai rai và định không cần mua dịp tết. Nhưng nay suy nghĩ lại thì thấy cũng nên có đồ mới cho cả nhà cùng vui. Tuy nhiên mua hàng lúc cận tết thì có nhiều mẫu hết size nên không còn nhiều lựa chọn”, chị Hạnh kể.
Ngược lại, một số “chợ” tự phát những ngày cuối năm bùng phát khắp nơi khi nhiều người tranh thủ mang hàng ra bán. Thậm chí nhiều điểm bán cả ngày lẫn đêm. Đặc biệt, tại những khu vực có đông công nhân như cổng vào khu công nghiệp Tân Bình, nếu như ngày thường người bán chỉ giăng quần áo ra lề đường vào buổi tối thì 2 tuần qua cũng bán cả ban ngày. Tuy nhiên, khách chỉ đông vào buổi tối. Hai vợ chồng chị Kim ngụ Quảng Ngãi, chuyên bán quần áo nữ tại khu công nghiệp Tân Bình, cho biết ngày thường chỉ bán lai rai, nhưng một tháng dịp tết có khi chị kiếm được mức lời gần bằng cả năm. Đặc biệt nếu năm nào ở các vùng phía bắc và miền Trung trời lạnh nhiều thì vợ chồng chị và những người bán hàng ở đây càng “trúng” khi nhiều người mua áo lạnh để về quê. Chị Kim cho biết từ nay đến tối 30 tết, chị phải tìm thêm người phụ bán vì khách quá đông. Quần áo ở các nơi bán lề đường thường là hàng giá thấp. Ở các chợ hay cửa hàng, một chiếc quần jeans nữ phải từ 300.000 đồng trở lên thì mua ở đây chưa tới 200.000 đồng, hay quần dài nữ chỉ khoảng 70.000 – 80.000 đồng/cái, trong khi giá ở chợ mỗi cái hơn 100.000 đồng…
Vàng, USD đua tăng giá
Ghi nhận tại các tiệm vàng quanh khu vực chợ Bến Thành (Q.1), chợ Bàn Cờ (Q.3), chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh) sáng và trưa 31.1, lượng khách hàng mua trang sức như lắc tay, nhẫn, dây chuyền… tăng lên so với ngày thường. Một phụ nữ khoảng 50 tuổi làm nhân viên vệ sinh cho một công ty có trụ sở ở Q.1, vừa lựa nhẫn ở một tiệm vàng khu vực chợ Bến Thành, vừa kể: “Công ty vừa chi trả tiền thưởng tết nên đem cái nhẫn cũ ra tiệm vàng đổi nhẫn kiểu khác, bù thêm tiền để có nhẫn mới đeo trong mấy ngày tết”.
Nhu cầu mua, đổi nữ trang vàng dịp tết gia tăng ẢNH: NGỌC DƯƠNG
|
Giá mua lại các loại sản phẩm nữ trang vàng 18K của các tiệm vàng dao động từ 2,3 – 2,66 triệu đồng/lượng, trong khi giá bán ra tăng lên 2,8 – 2,9 triệu đồng/lượng, chênh lệch giữa giá mua và bán lên đến 300.000 – 600.000 đồng/chỉ. Chưa kể người mua sẽ phải trả thêm tiền phí gia công từ vài chục đến hàng trăm ngàn đồng mỗi sản phẩm.
Một số công ty không bỏ lỡ dịp tung ra các chương trình khuyến mãi thu hút người mua, như Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đưa ra chương trình “Mở cửa đón Thần Tài Kỷ Hợi 2019” nhằm nhận các đơn đặt hàng của khách mua vàng ngày Thần Tài kể từ ngày 7.2 (mùng 3 tết) đến ngày 14.2 (mùng 10 tết) mà không phải xếp hàng; chương trình “Tài Lộc vững vàng, gia quyến An Khang” với những miếng vàng Thần Tài… Giá cả những sản phẩm này không “mềm” khi giá nhẫn vàng trơn 4 số 9 đóng vỉ của PNJ loại 1 chỉ có giá 3,734 triệu đồng, miếng vàng PNJ vàng 1 chỉ 24K hình con heo giá 3,831 triệu đồng/miếng…
Trong khi đó, giá vàng miếng SJC trên thị trường ngày 31.1 cũng mỗi đơn vị một kiểu. Giá do PNJ công bố mua vào là 36,8 triệu đồng/lượng, bán ra 37,05 triệu đồng/lượng. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC mua với giá 36,9 triệu đồng/lượng, bán ra 37,1 – 37,12 triệu đồng/lượng. Công ty Doji mua vào 36,94 triệu đồng/lượng, bán ra 37,04 – 37,07 triệu đồng/lượng… Giá vàng miếng SJC ngày 31.1 tăng 180.000 đồng/lượng so với giá ngày 30.1 và có tốc độ tăng giá khá nhanh so với giá vàng thế giới. Giá vàng thế giới ngày 31.1 tăng thêm 6 USD/ounce (tương ứng 160.000 đồng/lượng), lên 1.320 USD/ounce. Chính vì tăng nhanh nên khoảng cách chênh lệch giá vàng SJC cao hơn giá vàng thế giới rút ngắn còn 100.000 đồng/lượng, đây là khoảng cách thấp nhất của giá vàng hơn 1 năm trở lại đây.
Một điểm lạ trên thị trường là giá vàng nguyên liệu thấp hơn giá vàng thế giới 200.000 đồng/lượng, cụ thể giá mua và bán vàng “bóng phân” ở mức 36,5 – 36,7 triệu đồng/lượng, còn vàng “bóng đẹp” ở mức 36,74 – 36,82 triệu đồng/lượng.
Giá USD trên thị trường tự do ngày 31.1 “ép” giá mua và tăng giá bán. Đồng bạc xanh mua vào với giá giảm 10 đồng, còn 23.180 đồng/USD, giá bán ra lại tăng 20 đồng, lên 23.220 đồng/USD. Ngày 31.1, một số ngân hàng thương mại tăng giá USD 10 đồng so với ngày 30.1, Vietcombank mua USD lên 23.160 đồng/USD, bán ra 23.250 đồng/USD.
Lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng mấy ngày qua vẫn ở mức cao đã kìm hãm giá USD ở mức ổn định.
Ngày 31.1, Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất tiền đồng thị trường liên ngân hàng ngày 29.1 tăng khoảng 0,1% so với ngày trước đó, lãi suất qua đêm lên 5,23%/năm, 1 tuần lên 5,6%/năm, 3 tháng lên 6,06%/năm, 6 tháng lên 6,1%/năm…
Thanh khoản giao dịch trên thị trường cũng tăng mạnh ở kỳ hạn qua đêm thêm khoảng 6.000 tỉ đồng, lên 36.526 tỉ đồng; 2 tuần tăng 1.000 tỉ đồng, lên hơn 3.000 tỉ đồng.