22/01/2025

Chúa Nhật III TN C: Thời hồng ân

Bắt đầu từ “hôm nay”, ơn cứu độ mà Thiên Chúa hứa qua lời ngôn sứ Isaia xưa kia đã được hiện thực hoá nơi con người và sứ mạng của Chúa Giêsu. Đó là ơn cứu độ, là thời kỳ hồng ân dành cho những người thấp kém và thường bị lãng quên trong xã hội: người nghèo, người bị áp bức, tù đày, bệnh tật.

 

CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN C

(Nkm 8, 2-4a. 5-6. 8-10; 1 Cr 12, 12-30; Lc 1, 1-4; 4, 14-21)

THỜI HỒNG ÂN

“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19)

 

I. CÁC BÀI ĐỌC:

1. Bài đọc 1:

Đoạn trích sách Nơkhemia thuật lại cảnh dân Chúa nghe đọc Lề luật. Sau thời gian lưu đày, dân Israel được trở về quê hương và khi đã ổn định xong nơi ăn chốn ở, dân Chúa tập trung tại quảng trường để nghe kinh sư Esdra đọc sách Luật Môsê. 

    Trước hết, sau bao năm lưu lạc nơi đất khách quê người, dân Chúa lại được trở về và được nghe Lề luật của Chúa ngay trên mảnh đất thiêng liêng mà Thiên Chúa đã ban cho cha ông họ. Tất cả cộng đồng con cái Israel gồm “đàn ông, đàn bà, và tất cả trẻ em đã tới tuổi khôn” (Nkm 8,2) đều có mặt để nghe đọc Lề luật. Họ dành thời gian từ sáng đến trưa, để lắng nghe với thái độ cung kính, hiệp với ông Esdra để chúc tụng Thiên Chúa và sấp mình thờ lạy Người (Nkm 8,3.5-6). Thái độ sốt sắng lắng nghe Lề luật của Thiên Chúa cho thấy họ thật sự khao khát lời Người.

    Sau nữa, dân Israel không những được nghe mà còn được ông Esdra và các thầy Lêvi giải thích để có thể hiểu được những gì họ nghe. Có lẽ sau một thời gian dài lưu đày, nhiều người trong dân không còn có thể hiểu được ngôn ngữ Hípri nữa nên cần phải được cắt nghĩa bằng tiếng Aram. Và  khi hiểu được Lề luật của Chúa, toàn dân đều khóc, có lẽ vì đã lâu không được nghe lời Chúa ngay trên mảnh đất mà Thiên Chúa ban cho cha ông; đồng thời, họ cũng bày tỏ sự hối tiếc vì bấy lâu đã không nghe Lề luật và sống theo đường lối của Chúa.

    Cuối cùng, ông Esdra và các thầy Lêvi giúp dân hiểu rằng ngày mà họ trở về và được nghe Lề luật của Chúa ngay trên mảnh đất thiêng liêng, mà Chúa ban cho họ phải là ngày vui mừng, ngày được thánh hiến cho Chúa, được dành riêng để phụng thờ Người. Đây được xem là ngày khai sinh đạo Do Thái vì từ đây dân Chúa được thờ phượng Thiên Chúa cách công khai ngay trên quê hương của họ. Đây phải là ngày của niềm vui, không chỉ là niềm vui của dân mà còn là niềm vui của chính Thiên Chúa. Vì thế, dân không thể buồn bã, hối tiếc về những chuyện đã qua, nhưng vui mừng hướng về phía trước với sự tin tưởng và phó thác nơi Thiên Chúa, “vì niềm vui của Đức Chúa là thành trì bảo vệ anh em” (Nkm 8,10).

 

2. Bài đọc 2:

    Thánh Phaolô dùng hình ảnh về sự liên kết giữa các bộ phận trong thân thể, để nói về mối tương quan giữa các thành phần khác nhau trong Hội Thánh. Dù khác nhau về khả năng và chức vụ, nhưng mọi người đều được Thần khí liên kết chặt chẽ với nhau để phục vụ cho lợi ích của toàn thể Hội Thánh.

    Thân thể được cấu thành từ nhiều bộ phận, dù lớn hay nhỏ, chức năng có khác nhau, nhưng không một bộ phận nào quan trọng đến nỗi không cần những bộ phận khác, vì mỗi bộ phận đều có một vai trò không thể thiếu trong cơ thể. Một bộ phận không thể gánh hết chức năng của các bộ phận khác nên nếu loại trừ bất cứ bộ phận nào, thì đều làm ảnh hưởng đến hoạt động của toàn thân thể. Các bộ phận lệ thuộc vào nhau để cùng tồn tại, nên nếu một bộ phận đau thì các bộ phận khác cũng chịu ảnh hưởng.

    Cũng vậy, các thành phần khác nhau trong Hội Thánh được Thần Khí liên kết chặt chẽ với nhau để tạo nên một thân thể. Tất cả những ai đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí đều thuộc về thân mình Đức Kitô, dù họ khác nhau về nguồn gốc, khả năng, vai trò… Sự khác biệt giúp bổ túc và làm phong phú cho các thành phần khác nhau trong Hội Thánh, chứ không loại trừ hay triệt tiêu lẫn nhau. Sự liên kết tương trợ lẫn nhau của các thành phần khác biệt nhau, với những đặc sủng khác nhau, vì lợi ích của toàn thể Hội Thánh, hơn là vì lợi ích riêng của bất kỳ thành phần nào, mới tạo nên sức mạnh của Hội Thánh trong các hoạt động mục vụ.

    Lời giáo huấn của thánh Phaolô cho cộng đoàn Côrintô đang bị chia rẽ xưa kia vẫn còn nguyên giá trị thời sự cho mọi cộng đoàn Kitô hữu thời nay.

 

3. Bài Tin mừng:

    Với sự thúc đẩy của quyền năng Thánh Thần, Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai với một chương trình hành động rõ ràng, gợi hứng từ việc đọc và ứng dụng lời của ngôn sứ Isaia cho chính mình.

    Dưới nhãn quan của tác giả Luca, Thánh Thần, Đấng đã ngự xuống trên Đức Mẹ vào ngày Mẹ thụ thai Đức Giêsu (Lc 1,35), Đấng sau đó ngự xuống trên Chúa Giêsu khi Người chịu phép rửa (Lc 3,22) và ở cùng Người khi Người từ sông Giođan trở về (Lc 4,1), Đấng dẫn Chúa Giêsu đi trong hoang địa khi Người chịu cám dỗ (Lc 4,2), giờ đây thúc đẩy Người khai mạc sứ vụ công khai (Lc 4,14). Cũng chính Thánh Thần đó sau này ngự xuống trên các môn đệ để khai mạc sứ vụ rao giảng Tin Mừng Phục Sinh của Hội Thánh (x. Cv 2,1-11). Như thế, Thánh Thần chính là khởi nguồn cho sứ mạng loan báo Tin mừng của Chúa Giêsu và của Hội Thánh.

   Hơn nữa, khi đọc và tuyên bố ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia (x. Is 61,1-2; 58,6) cho chính mình, Chúa Giêsu vạch ra một chương trình hành động rõ ràng cho sứ vụ Mêsia của Người. Thật vậy, nếu năm xưa ông Isaia thấy mình được Thiên Chúa chọn và xức dầu tấn phong làm ngôn sứ cho Người, thì Chúa Giêsu lại xác tín rằng sứ mạng được uỷ thác cho ngôn sứ Isaia “hôm nay” đã nên ứng nghiệm nơi cuộc sống và sứ vụ của Người; đó là sứ vụ đem tin mừng cho những người nghèo, cho người mù biết họ được sáng mắt, công bố ơn giải thoát cho kẻ bị giam cầm, loan báo sự tự do cho người bị áp bức và khai mở một thời kỳ hồng ân của Thiên Chúa dành cho con người.

    Bắt đầu từ “hôm nay”, ơn cứu độ mà Thiên Chúa hứa qua lời ngôn sứ Isaia xưa kia đã được hiện thực hoá nơi con người và sứ mạng của Chúa Giêsu. Đó là ơn cứu độ, là thời kỳ hồng ân dành cho những người thấp kém và thường bị lãng quên trong xã hội: người nghèo, người bị áp bức, tù đày, bệnh tật.

 

II. GỢI Ý ÁP DỤNG:

1/ Sau thời gian lưu đày, khi được trở lại mảnh đất của tổ tiên, dân Israel đã chăm chú nghe đọc Lề luật Môsê. Họ vừa xúc động vì lại được nghe Luật Chúa ngay trên quê hương, vừa bật khóc vì hối tiếc vì những lầm lỗi đã qua. Tuy vậy, họ được ông Esdra và các thầy Lêvi khích lệ hãy vui lên vì đó là ngày thánh hiến cho Thiên Chúa. Bao lâu các Kitô hữu biết khát khao nghe lời Chúa, nhận thấy mình thiếu sót, bất toàn, tội lỗi khi đặt mình trước lời Người, và để lời Chúa thanh tẩy và thánh hiến tâm hồn, thì đó thật sự là ngày của niềm vui, niềm vui vì được lời Người đổi mới.

2/ Qua hình ảnh các bộ phận trong cơ thể, tuy khác nhau về cấu tạo, kích thước, chức năng, nhưng được liên kết và phối hợp nhịp nhàng với nhau để tạo nên một cơ thể thống nhất, thánh Phaolô muốn nói về sự liên kết cần có giữa các thành phần trong Hội Thánh. Nhờ cùng chịu một phép rửa của cùng một Thần Khí nên các thành phần trong Hội Thánh, dù được trao những công việc khác nhau tuỳ ân sủng ban cho, nhưng được hiệp nhất với nhau thành một thân thể duy nhất. Lời giáo huấn xưa kia của thánh Phaolô cho các tín hữu Côrintô để hàn gắn sự chia rẽ trong cộng đoàn vẫn là lời giáo huấn có giá trị cho bất kỳ cộng đoàn Kitô hữu nào thời nay. Bao lâu các thành phần trong Hội Thánh chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của nhau, nhờ mối giây liên kết của Thánh Thần, thì mới tạo nên sức mạnh của sự hiệp nhất trong việc làm chứng cho Tin Mừng.

3/ Khi tuyên bố rằng “hôm nay” lời ngôn sứ Isaia đã nên ứng nghiệm nơi cuộc đời và sứ mạng của mình, Chúa Giêsu vạch ra một chương trình hành động cho sứ mạng ngôn sứ của Người. Đó là sứ mạng công bố và hiện thực hoá tin mừng giải thoát cho những người thấp kém nhất trong xã hội: những người nghèo khó, những kẻ bệnh tật, và bị giam cầm. Sự hiện diện của Chúa Giêsu là thời kỳ hồng ân cho nhân loại. Các Kitô hữu cũng được mời gọi tiếp nối chương trình hành động của Chúa Giêsu, để hiện thực hoá sứ điệp tin mừng cho con người trong thế giới “hôm nay”. Tất cả những việc làm để nâng đỡ người nghèo, quan tâm chăm sóc những người bệnh tật về cả thể xác lẫn tinh thần, đem lại sự ủi an cho những người cô đơn, thua thiệt trong xã hội, khoan dung với những kẻ lầm lỡ… đều là những hành động thiết thực để những “năm hồng ân” tiếp tục được lan toả cho con người “hôm nay”.

 

III. LỜI NGUYỆN CHUNG:

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Qua Ðức Giêsu Kitô, Thiên Chúa Cha đã yêu thương giải thoát con người khỏi những khốn khổ xác hồn và khai mở mùa hồng ân cứu độ cho trần gian. Chúng ta cùng vui mừng cảm tạ Thiên Chúa và dâng lời cầu nguyện.

1. “Chúa đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh luôn ý thức sứ mạng truyền giáo, và nỗ lực thực thi sứ mạng ấy mọi nơi, mọi lúc theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

2. “Lời Chúa là Thần Khí và là sự sống”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người chưa nhận biết Chúa ở khắp nơi trên thế giới, biết mở lòng lắng nghe, suy gẫm và thực hành Lời Chúa, để họ cũng được nhận lãnh dồi dào hồng ân cứu độ của Thiên Chúa.

3. “Trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta chịu phép rửa để làm thành một thân thể. Xin cho tất cả những người là môn đệ Chúa Kitô trong cùng một đức tin và một phép rửa, luôn tôn trọng và hiệp thông với nhau, hầu làm nên một đoàn chiên duy nhất.

4. “Hôm nay đã ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh quý vị vừa nghe”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, luôn yêu thương hợp nhất và tích cực dấn thân cho công cuộc rao giảng Tin Mừng, loan báo mùa hồng ân cứu độ cho thế giới.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha rất nhân từ, xin thương nhận những ước nguyện chân thành của chúng con. Xin Thánh Thần tình yêu luôn liên kết và thôi thúc chúng con tích cực dấn thân xây dựng Giáo Hội và hăng hái loan báo niềm vui cứu độ cho mọi người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.