23/12/2024

Bầu cử Thái Lan khó đoán định

Sopa Trontong, 34 tuổi, là một cố vấn tài chính sống ở tỉnh Chiang Mai, miền bắc Thái Lan. Điềm tĩnh, chuyên nghiệp và ít quan tâm chính trị là những thứ để nói về cô.

 

Bầu cử Thái Lan khó đoán định

Sopa Trontong, 34 tuổi, là một cố vấn tài chính sống ở tỉnh Chiang Mai, miền bắc Thái Lan. Điềm tĩnh, chuyên nghiệp và ít quan tâm chính trị là những thứ để nói về cô.
 
 
 
 

Bầu cử Thái Lan khó đoán định - Ảnh 1.

Người dân đứng cạnh tấm bảng in hình Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha vào Ngày trẻ em ở Bangkok hồi năm 2018 – Ảnh: Reuters

Sopa tỏ ra ngạc nhiên khi tôi hỏi cô liệu cuộc tổng tuyển cử ở Thái Lan sắp tới có công bằng hay không.

Thái cần một vị thủ tướng “thật”

Nhìn đôi bàn tay được chăm chút tỉ mỉ cùng gu ăn mặc không chê vào đâu được của Sopa, không ai ngờ rằng đằng sau đó là một lai lịch phức tạp. Sinh ra trong một gia đình nông dân chật vật với công việc đồng áng ở huyện Mae Rim của tỉnh Chiang Mai, Sopa phải sống cùng bà trong lúc cha mẹ đi làm xa để kiếm tiền.

“Cha mẹ tôi trở nên ổn định về mặt tài chính và họ đã bắt đầu kinh doanh, bán nông cụ, phân bón và thuốc trừ sâu” – Sopa nhớ lại câu chuyện sinh kế của gia đình cô vào thời kỳ thịnh vượng chưa từng có, dưới sự lãnh đạo của thủ tướng Thaksin Shinawatra (2001-2006). 

Do đó, việc cha cô vô cùng yêu quý ông Thaksin cũng là điều dễ hiểu. Nhưng Sopa lại đánh giá khác hơn về ông Thaksin và cũng có lẽ vì lý do đó mà Sopa tâm sự: “Cha tôi và tôi có thể sẽ không còn bàn luận về chính trị nữa”.

Nhưng rồi Sopa tiết lộ những suy nghĩ của cô trở nên thay đổi khi sự bất bình với cuộc xung đột của phe áo đỏ và áo vàng sau thời kỳ lãnh đạo của ông Thaksin càng nhân lên. Thật ra Sopa từng tích cực ủng hộ cuộc đảo chính hồi năm 2014 của tướng Prayuth Chan-o-cha, vì sự ổn định mà chính quyền quân sự mang tới cho vương quốc 69 triệu dân. 

Nhưng giờ đây, khi Thái Lan trở nên “tiều tụy” với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm đi (dự kiến 4,1% trong năm 2018), Sopa vừa lắc đầu vừa nói: “Thái Lan giờ đây cần một vị thủ tướng “thật”, thậm chí có thể là một doanh nhân để dẫn dắt chúng tôi vượt qua những thách thức này”.

Làm cố vấn tài chính trong 4 năm qua và được tiếp xúc với các doanh nghiệp nhỏ mà nhiều trong số đó đã phải đóng cửa, Sopa tâm sự: “Nền kinh tế yếu kém tất sẽ ảnh hưởng sâu rộng tới người dân thành phố. Bạn thấy đấy! Nông dân phải tự cung tự cấp, trong khi thế hệ trẻ hơn đang cảm nhận được những thay đổi. Chúng vô cùng to lớn!”.

Thậm chí ngành du lịch – “rường cột” của Thái Lan – cũng hứng chịu những tổn thất khi lượng du khách Trung Quốc giảm đi (giảm tới 12% chỉ trong tháng 8-2018). Sự sụt giảm này một phần do thảm họa chìm phà gần đây ở Phuket, với hơn 40 người chết, đa số là du khách Trung Quốc.

Liệu có bầu cử công bằng?

Giữa bầu trời tin tức đầy ảm đạm đó, những chi tiết mới về cuộc tổng tuyển cử sắp tới (dự kiến tổ chức ngày 24-2-2019) đã tạo thêm một đám mây u ám. Sopa cho rằng cuộc bầu cử lần này sẽ không tự do và công bằng. 

Không chỉ riêng Sopa, một cựu nhà báo ở Chiang Mai cũng từng bày tỏ sự thất vọng khi chúng tôi bàn luận về chính trị. Nhà báo này chia sẻ: “Nếu bạn muốn nói về tính công bằng ở nước Thái, điều đó sẽ không diễn ra đâu!”.

Các nhà chỉ trích cho rằng hiến pháp mới được phê chuẩn năm 2017 sẽ giúp tăng cường vị thế của tướng Prayuth. Chẳng hạn, theo quy định trong hiến pháp, tất cả 250 thành viên thượng viện sẽ do Hội đồng quốc gia vì hòa bình và trật tự (NCPO) lựa chọn. Hơn nữa, 6 trong số 10 ghế của hội đồng này dành riêng cho các thành viên của lực lượng an ninh và cảnh sát. 

Điều này làm nảy sinh lo ngại rằng sự lựa chọn của NCPO sẽ ảnh hưởng đến thành phần thượng viện. Quả thật, nếu thượng viện thống nhất rằng một chính phủ được bầu chọn không đủ năng lực cầm quyền, họ vẫn có thể kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Hiến pháp cũng không chỉ rõ liệu các ứng viên cho vị trí thủ tướng có cần được bầu chọn bởi các thành viên Quốc hội hay không. Điều này đồng nghĩa rằng một thủ tướng mới có thể được chọn ra mà không cần sự đồng thuận của Quốc hội Thái Lan hay quan trọng hơn là người dân xứ chùa vàng.

Những hành vi khuất tất của hệ thống bầu cử sẽ làm giảm độ đáng tin của cuộc tổng tuyển cử năm nay cũng như tương lai của “người chiến thắng” tiềm năng. Việc quay lại “trạng thái thường” của chính trị mà nhiều dân thường Thái Lan như Sopa mong muốn có thể sẽ không diễn ra sớm.

Có lẽ tướng Prayuth cần nhìn về phía nam, nhìn về cuộc bầu cử của nước bạn. Cũng khoảng thời gian này năm ngoái, cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak cũng đối mặt trước nhiều chỉ trích, trong bối cảnh nền kinh tế Malaysia đang có các dấu hiệu sa sút và những yêu cầu của người dân về một cuộc bầu cử “sạch sẽ”. Và rồi lịch sử cho thấy rằng ông Najib Razak đã thua cuộc.

Sau sự chờ đợi kéo dài 5 năm, giờ đây người Thái được thực hiện những quyền dân chủ của họ. Dù thất vọng với hành động của chính quyền quân sự, họ vẫn không bị ngăn cản để chọn ra người lãnh đạo mà mình cần. 

Prayuth cần nhìn nhận rằng một người lãnh đạo không thể được “sản xuất” ra. Chiến lược xây dựng trên nỗi sợ và sự thờ ơ của dân thường Thái Lan có thể sẽ gây ra những phản ứng dữ dội trên diện rộng.

Tháng 12-2018, đề xuất của tướng Prayuth về việc loại bỏ logo đảng trên các phiếu bầu cử đã hứng vô số chỉ trích từ công chúng. Uỷ ban bầu cử Thái Lan (EC) sau đó phải sửa lại thiết kế phiếu bầu, đưa vào logo đảng, tên đảng và số đảng.
 
 
 

Karim Raslan (người Malaysia) – chuyên gia về ASEAN – BÌNH AN chuyển ngữ