23/12/2024

Những luật mới ‘sát sườn’ với người dân các nước

Đối với nhiều quốc gia trên thế giới, năm mới thường là mốc khởi đầu của nhiều thứ, trong đó có các luật mới được xây dựng và điều chỉnh sát với thực tiễn đời sống.

 

Những luật mới ‘sát sườn’ với người dân các nước

Đối với nhiều quốc gia trên thế giới, năm mới thường là mốc khởi đầu của nhiều thứ, trong đó có các luật mới được xây dựng và điều chỉnh sát với thực tiễn đời sống.
 
 
 

Những luật mới sát sườn với người dân các nước - Ảnh 1.

Từ tháng 7-2019, các du khách tới Venice (Ý) phải nộp thuế vào cửa từ 2,9 – 11,5 euro tùy mùa – Ảnh: CHI LAN

Những luật mới có hiệu lực trong năm 2019 cho thấy rõ nét các vấn đề dân sinh mà nhiều quốc gia trên thế giới đang có chung mong muốn tìm giải pháp.

Luật nhắm vào du khách

Với những người ưa “xê dịch”, các chính sách thuế mới “đánh” vào du khách tại các điểm đến có hiệu lực trong năm nay là điều họ cần lưu tâm để tránh bị “sốc” khi đến cũng như khi rời đi.

Các du khách muốn tới thành phố Venice của Ý kể từ tháng 7 năm nay sẽ phải nộp thuế “vào cửa” từ 2,9 – 11,5 euro tùy theo mùa. 

Theo AFP, đây là luật thuế mới đã được phê chuẩn tại Ý với mục đích có thêm nguồn thu giúp nhà chức trách trang trải chi phí giữ gìn vệ sinh và tăng cường an toàn cho Venice. Thuế mới áp dụng với bất cứ ai tới thành phố, dù họ có ở lại đó qua đêm hay không.

Các quan chức thành phố ước tính thuế mới sẽ giúp mang lại nguồn thu khoảng 50 triệu euro mỗi năm. 

Trước đây chi phí dọn dẹp vệ sinh cũng như bảo đảm an ninh cho Venice đều được lấy từ tiền thuế do người dân thành phố đóng góp. 

Chính quyền địa phương cũng cho biết sẽ xem xét để có cơ chế giúp những người tới Venice học tập hay làm việc không bị ảnh hưởng bởi luật mới.

Tương tự tại Nhật Bản, một trong nhiều điểm đến quen thuộc với người Việt Nam, kể từ 7-1 nước này sẽ áp dụng chính sách thu thuế xuất cảnh với mức 1.000 yen Nhật (9,12 USD)/người khi họ rời khỏi Nhật Bản bằng máy bay hay tàu biển. 

Thuế xuất cảnh được áp dụng với tất cả mọi hành khách, kể cả người Nhật.

 

Theo Japan Times, Chính phủ Nhật dự kiến khai thác nguồn thu từ việc đánh thuế xuất cảnh để phục vụ cho những giải pháp nhằm mở rộng năng lực tiếp nhận thêm du khách nước ngoài tới Nhật, phát triển các cơ sở du lịch cũng như giải quyết nhanh hơn các thủ tục nhập cư.

Theo luật này, những người rời Nhật trong vòng 24 giờ liên quan tới thủ tục quá cảnh và trẻ em dưới 2 tuổi sẽ không bị đánh thuế. 

Những người đã mua vé và vé đã phát đi trước thời điểm thứ hai tuần tới (7-1) về cơ bản sẽ được miễn loại thuế này. 

Nhà chức trách Nhật ước tính nguồn thu từ thuế xuất cảnh đạt khoảng 6 tỉ yen trong năm tài khóa 2018 tính tới tháng 3-2019 và đạt 50 tỉ yen trong năm tài khóa 2019.

Luật về rác nhựa

Rác nhựa là một trong những câu chuyện lớn của thế giới hôm nay. Hình ảnh xác một con cá nhà táng dạt vào bờ biển Indonesia ngày 20-11 năm ngoái với 5,9kg rác nhựa trong bụng đã trở thành một sự kiện mang tính biểu tượng và ám ảnh về rác nhựa thải ra đại dương.

Nhiều nước đã bắt tay xử lý rác nhựa và Hàn Quốc là một trong số đó. Theo báo Korea Herald, kể từ ngày 1-1 Hàn Quốc sẽ cấm các siêu thị lớn và các chuỗi bán lẻ trên toàn quốc không được sử dụng túi nhựa, căn cứ theo điều luật sửa đổi liên quan tới vấn đề bảo tồn tài nguyên và khuyến khích tái chế rác. 

Đối tượng phải thực thi luật mới là 2.000 cửa hàng thuộc các chuỗi bán lẻ lớn và 11.000 siêu thị có diện tích mặt sàn từ 165m2 trở lên.

Những cửa hàng vi phạm lệnh cấm có thể đối mặt với án phạt lên tới 3 triệu won (khoảng 2.683 USD). 

Thay cho các loại túi nhựa, họ phải có những lựa chọn thay thế cho khách hàng như túi đựng đồ, túi mua hàng có thể tái chế hoặc túi giấy. 

Riêng với các bao bì nhựa dùng để đựng đồ ướt như thịt và cá vẫn sẽ được sử dụng.

Xem điện thoại khi lái xe bị phạt nặng

Từ 1-1-2019, tỉnh Ontario (Canada) áp dụng hình phạt nặng gấp đôi với những tài xế vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại di động. 

Theo Đài CBC (Canada), những người vừa lái xe vừa gọi điện, nhắn tin, viết email bằng điện thoại sẽ bị phạt 1.000 USD, cao gấp đôi mức phạt hiện tại. 

Ngoài tiền phạt, các hình phạt bổ sung cho tội lơ đãng có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng còn là treo bằng lái 3 ngày và trừ 3 điểm trên bằng lái.

Nhưng như thế cũng mới chỉ là… khởi đầu. Nếu vi phạm tội này lần thứ 2 trong vòng 5 năm, mức phạt tối đa lên tới 2.000 USD, trừ 6 điểm trong bằng lái và treo bằng lái trong 7 ngày. 

Nếu tái phạm nhiều hơn 2 lần trong vòng 5 năm, mức phạt lên tới 3.000 USD, từ 6 điểm và treo bằng 30 ngày. 

Những tay lái bị kết tội cũng có thể phải đối mặt với mức phí bảo hiểm cao hơn. 

Tình huống duy nhất được chấp nhận ngoại lệ với luật này là khi một người phải gọi điện tới số khẩn cấp 911 hoặc khi tài xế đang đậu xe hợp pháp hay dừng lại bên lề đường.

Một điều luật khác cũng chính thức có hiệu lực từ 1-1 tại quốc gia chủ nhà World Cup 2022 Qatar khi đánh thuế 100% với bia rượu. 

Theo trang Channel News Asia, ở Qatar người ta gọi thuế với bia rượu là thuế “tội lỗi” đánh vào những “loại hàng hóa hủy hoại sức khỏe”. 

Theo đó, với mức thuế mới, một két bia 22 lon Heineken 330ml tại Qatar hiện có giá 384 rial (105 USD).

Israel thông qua luật cấm trả tiền cho gái mại dâm

Quốc hội Israel ngày 1-1 phê chuẩn luật cấm trả tiền mua dâm. Như vậy, theo trang Haaretz, Israel là quốc gia thứ 10 trên thế giới áp dụng luật này để ngăn chặn hoạt động hành nghề mại dâm.

Theo luật này, người vi phạm lần đầu bị phạt 2.000 shekel (534 USD), mức phạt này tăng gấp đôi khi tái phạm lần 2.

Những trường hợp tái phạm nhiều lần, mức phạt có thể lên tới 75.300 shekel (20.000 USD) và bị truy tố hình sự. Mặc dù được phê chuẩn đầu năm nay nhưng phải sau 1 năm rưỡi, luật này mới có hiệu lực tại Israel.

 

D.KIM THOA