Trung Quốc ‘tranh thủ’ trên Biển Đông
Biển Đông chứng kiến việc quân sự hóa của Trung Quốc được thực hiện ráo riết, trong khi tiến trình tìm bộ quy tắc giải quyết mâu thuẫn lại trì trệ đáng ngại.
Trung Quốc ‘tranh thủ’ trên Biển Đông
Biển Đông chứng kiến việc quân sự hóa của Trung Quốc được thực hiện ráo riết, trong khi tiến trình tìm bộ quy tắc giải quyết mâu thuẫn lại trì trệ đáng ngại.
Trong tháng 12-2018, Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), đã công bố hàng loạt ảnh chụp vệ tinh cập nhật tình hình Biển Đông trong năm 2018.
“Giai đoạn 3”
Trong chiến thuật độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc đã tôn tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng, điều máy bay ra các thực thể ở Biển Đông. Nhưng đáng lo hơn, Bắc Kinh táo bạo thực hiện các bước đi mới đầy nguy hiểm.
“Thực tế từ cuối năm ngoái (2017), chúng ta đã chứng kiến những mối lo ngại từ các hoạt động trên không và cơ sở hải quân. Đáng ngại hơn, năm 2018 giờ đây đã trở thành giai đoạn 3, nghĩa là triển khai.
Trong 6 tháng đầu năm nay, chắc chắn đã có một sự gia tăng đều đặn, khá nhanh trong mức độ triển khai quân sự của Trung Quốc” – giám đốc AMTI Gregory Poling nhận xét.
Ông Poling chỉ ra việc Trung Quốc triển khai máy bay và tên lửa tới quần đảo Trường Sa của Việt Nam (nơi có các khu vực tranh chấp với Philippines và Trung Quốc), bao gồm đá Xubi, đá Vành Khăn và đá Chữ Thập. Đây là ba rạn san hô nhưng đã bị Trung Quốc cải tạo phi pháp thành đảo nhân tạo.
Tương tự ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng, Bắc Kinh cũng xây dựng các vòm che rađa và tấm năng lượng ở đá Bom Bay.
Những diễn biến mới đáng chú ý nhất, theo ông Poling, có thể kể tới việc lần đầu tiên đá Vành Khăn chứng kiến máy bay vận tải quân sự đáp xuống, hay việc triển khai thiết bị gây nhiễu sóng ở Vành Khăn và đá Chữ Thập cũng như những tên lửa ở Trường Sa.
Trung Quốc trong năm qua cũng triển khai lực lượng tàu bán quân sự đông đảo và quy mô hơn hẳn các nước. Theo ông Poling, lực lượng tàu này không thể xem thường vì chúng không chỉ là màn thị uy của Bắc Kinh mà còn có thể di chuyển liên tục “chặn đường tiếp tế” của đối phương, ví dụ Philippines, khi cần.
Không thể khoanh tay
Tổng kết của AMTI là sự cảnh báo cần thiết cho ý đồ “câu giờ” và âm thầm kiểm soát Biển Đông trong khái niệm “đường chín đoạn” mà Bắc Kinh đưa ra. Trong khi các cuộc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) không có tiến triển suốt năm qua, Trung Quốc lại gần như tiến từng bước quân sự hóa để chuẩn bị cho bất kỳ cuộc xung đột nào có thể xảy ra.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Zach Abuza, giáo sư tại Học viện Chiến tranh quốc gia Mỹ (National War College, Washington), nhận xét Trung Quốc có gặp gỡ Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhưng không có bất kỳ tiến triển nào về COC.
Trung Quốc trong khi đó chỉ đơn giản củng cố việc quân sự hóa các đảo, chứ không có thiện chí đàm phán, hay nói cách khác là Bắc Kinh thừa hiểu mình cần xoa dịu ASEAN bằng việc duy trì trạng thái đàm phán COC.
“Việc quân sự hóa Biển Đông giúp Trung Quốc giữ sự hiện diện 24/7 và trong 365 ngày tại đây. Nó cho phép lực lượng hàng hải của Bắc Kinh đảm bảo việc thực thi các tuyên bố chủ quyền đơn phương, bằng cách ngăn chặn sự tiếp cận của các nước khác” – ông Abuza nói.
Trong bài viết trên Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) hôm 29-12, ông Collin Koh – nhà nghiên cứu của Chương trình An ninh hàng hải, một phần trong Viện Nghiên cứu chiến lược quốc phòng (IDSS) thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) – bi quan cho rằng COC sẽ rất khó tiến triển trong năm 2019.
Theo ông Collin Koh, Trung Quốc trước đó nói rằng COC sẽ mất thêm ít nhất 3 năm đàm phán, nhưng tại thời điểm này còn quá nhiều bất đồng giữa các bên về chuyện thực thi, có nên quốc tế hóa vấn đề Biển Đông hay không, hoặc phải định nghĩa thế nào là quân sự hóa…
Sự nhùng nhằng này dĩ nhiên sẽ tạo điều kiện cho Bắc Kinh tiếp tục âm thầm triển khai các hoạt động phục vụ ý đồ của họ.
“Trung Quốc rất lão luyện trong việc giữ mọi thứ ở dưới ngưỡng chiến tranh. Nếu họ có thể dùng dân quân vũ trang trên biển thay vì lực lượng bảo vệ bờ biển, hoặc dùng lực lượng cảnh sát biển thay vì hải quân thì họ sẽ giữ căng thẳng ngoại giao ở mức thấp” – theo ông Koh.
Còn nói thẳng như ông Poling thì 3 năm là thời hạn Trung Quốc đặt ra để câu giờ và “tôi đoán rằng 3 năm ấy nếu thấy chưa thể thống trị được thì họ sẽ cần thêm 3 năm nữa, và rồi sẽ 3 năm nữa”.
Mỹ thúc giục đồng minh gia tăng sự hiện diện
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách đối ngoại châu Á và Thái Bình Dương Randy Schriver, trong cuộc phỏng vấn của báo The Australian mới đây, kêu gọi Anh, Pháp và Canada cũng như Úc, New Zealand cùng tăng cường các hoạt động hàng hải ở Biển Đông để gây áp lực lên Trung Quốc, theo trang tin quốc phòng Mỹ Stars and Stripes.
Ông nói: “Tôi nghĩ cái có thể mang tiềm năng tạo sức ép lên Trung Quốc là việc các đối tác và đồng minh cùng tham gia vào các hoạt động ở Biển Đông. Nếu không phải là Kế hoạch hoạt động tự do hàng hải (FONOPs)… thì cũng nên là các cuộc tuần tra chung, các hoạt động duy trì sự hiện diện”.