Giáo dục phổ thông: Giảm tiết học, giảm môn học
Chiều 28-7, Bộ GD-ĐT đã thông qua chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sau một thời gian lắng nghe góp ý và điều chỉnh.
Giáo dục phổ thông: Giảm tiết học, giảm môn học
Chiều 28-7, Bộ GD-ĐT đã thông qua chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sau một thời gian lắng nghe góp ý và điều chỉnh.
Theo chương trình vừa công bố, hệ thống môn học các cấp chỉ chia hai loại: môn học, hoạt động bắt buộc và môn học tự chọn, không chia làm nhiều loại như dự thảo lần trước.
Thực ra theo khảo sát của chúng tôi, thời lượng giáo dục trong chương trình hiện hành của VN còn thấp hơn ở nhiều nước khác. Tuy nhiên, do điều kiện của VN chưa tốt (thiếu trường lớp, sĩ số đông), phương pháp dạy học còn chưa đổi mới nên tình trạng quá tải xảy ra |
GS NGUYỄN MINH THUYẾT |
Giảm thời lượng nhiều môn học
Bậc tiểu học, các môn học và hoạt động bắt buộc gồm có toán, tiếng Việt, ngoại ngữ (ở lớp 3, 4, 5), đạo đức (thay cho môn giáo dục lối sống trong dự thảo cũ), tự nhiên và xã hội của lớp 1, 2, 3 (thay cho môn cuộc sống quanh ta), khoa học của lớp 4, 5 (thay cho tìm hiểu tự nhiên), lịch sử và địa lý lớp 4, 5 (thay cho tìm hiểu xã hội), tin học và công nghệ ở lớp 4, 5 (thay cho môn tìm hiểu công nghệ và tìm hiểu tin học), giáo dục thể chất, nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm (thay cho tên hoạt động trải nghiệm sáng tạo).
So với dự thảo cũ, chương trình tiểu học đã bỏ môn thế giới công nghệ ở lớp 1, 2, 3. Thời lượng một số môn học được giảm.
Cụ thể giảm 50% thời lượng môn đạo đức ở lớp 1, 2, 3 so với dự thảo cũ, môn tin học và công nghệ thời lượng chỉ có 70 tiết/năm (bằng một nửa thời lượng khi nó được tách làm hai môn như trước).
Chương trình lưu ý thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học. Mỗi tiết học từ 35 phút đến 40 phút, giữa các tiết học có thời gian nghỉ.
Các môn học ở bậc THCS gồm có ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1 (không thay đổi so với dự thảo), giáo dục công dân, lịch sử và địa lý, khoa học tự nhiên, tin học, công nghệ (thay cho môn công nghệ và hướng nghiệp trong dự thảo cũ), giáo dục thể chất, nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm.
Môn giáo dục công dân điều chỉnh thời lượng lớp 8, 9 từ 52,5 tiết/năm xuống 35 tiết/năm, giống lớp 6, 7; môn công nghệ giảm từ 52,5 tiết/năm xuống 35 tiết/năm với lớp 6, 7 và giảm từ 70 tiết/năm xuống 52 tiết/năm với lớp 8, 9. Môn tin học, giáo dục thể chất, công nghệ được thiết kế thành những học phần.
Hoạt động trải nghiệm được chia thành các chủ đề để học sinh lựa chọn theo nguyện vọng và khả năng tổ chức của nhà trường.
Nội dung giáo dục địa phương ở bậc THCS được tách riêng với 35 tiết/năm. Các môn tự chọn gồm tiếng dân tộc, ngoại ngữ 2 với thời lượng 105 tiết/năm.
Đồ hoạ: NHƯ KHANH |
THPT: học theo chuyên đề
Không chia thành giai đoạn dự hướng (lớp 10) và định hướng (lớp 11, 12), theo chương trình vừa công bố, bậc THPT bao gồm các môn bắt buộc là ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm, giáo dục địa phương. Trong đó giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm chia theo học phần, chủ đề.
Điểm khác biệt ở bậc học này là sẽ thiết kế các chuyên đề học tập theo định hướng nghề nghiệp.
Cụ thể mỗi môn học ngữ văn, toán, lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ, tin học, nghệ thuật có một số chuyên đề học tập, tạo thành cụm chuyên đề học tập của môn học.
Việc này giúp học sinh tăng cường kiến thức và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp.
Thời lượng dành cho mỗi chuyên đề học tập từ 10 đến 15 tiết; tổng thời lượng dành cho cụm chuyên đề học tập của một môn là 35 tiết. Ngoài ra, các môn học tự chọn ở bậc học này là tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2.
“Giảm để phù hợp với điều kiện VN”
Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Nguyễn Minh Thuyết – tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới – cho biết thời lượng các môn học của tiểu học và THCS giảm so với dự thảo cũ và giảm so với chương trình hiện hành, cả về tổng số tiết và số môn học.
GS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho rằng sau khi cân nhắc, ban soạn thảo giảm thời lượng để phù hợp với điều kiện VN.
Nhưng ông Thuyết cũng khẳng định chương trình thiết kế vừa được thông qua là sử dụng cho việc dạy 2 buổi/ngày, có linh hoạt đối với những nơi chưa đáp ứng yêu cầu dạy 2 buổi. Và để nâng chất lượng, điểm cần chú trọng là thay đổi cách tổ chức dạy học, đổi mới phương pháp dạy học.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sẽ tiếp tục được xem xét để ban hành chính thức cùng chương trình môn học.