Tranh luận về tổ chức thi THPT quốc gia
Đại diện trường đại học đề nghị huy động lực lượng tại chỗ coi thi THPT quốc gia, nhưng Bộ GD-ĐT nói các trường đại học phải tham gia vào kỳ thi sâu hơn, rộng hơn năm trước.
Tranh luận về tổ chức thi THPT quốc gia
Đại diện trường đại học đề nghị huy động lực lượng tại chỗ coi thi THPT quốc gia, nhưng Bộ GD-ĐT nói các trường đại học phải tham gia vào kỳ thi sâu hơn, rộng hơn năm trước.
Đại diện các trường đại học đã góp ý, tranh luận về việc tổ chức thi THPT quốc gia an toàn, tin cậy tại Hội nghị chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng các trường tổ chức ngày 28-12 tại ba điểm cầu: Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.
Các trường đại học cần đặc biệt coi trọng việc tuyển chọn nhân sự tham gia kỳ thi. Đó phải là người có tinh thần trách nhiệm cao, hiểu biết về thi và sẽ được tập huấn kỹ lưỡng. Lực lượng từ các trường đại học tham gia vào kỳ thi những năm qua rất tốt, nhưng đâu đó vẫn cần phải điều chỉnh…
PGS.TS Mai Văn Trinh- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD- ĐT
Lo “mất ăn, mất ngủ” khi giảng viên đi tỉnh coi thi
Bà Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, chia sẻ việc tổ chức thi THPT quốc gia với yêu cầu điều động giảng viên đại học đi các tỉnh coi thi khiến bà không yên tâm.
Mỗi mùa tuyển sinh, với lực lượng lớn giảng viên đi coi thi, như Trường ĐH Văn Lang có hàng trăm con người từ TP.HCM đi các tỉnh coi thi khiến lãnh đạo nhà trường rất lo lắng, “lo không ăn, không ngủ”.
Đội ngũ là điều rất quan trọng nên “nếu có việc gì xảy ra thì tổn thất rất lớn”. Vì vậy, bà Diệu đề nghị Bộ GD-ĐT cần xem lại việc coi thi THPT quốc gia mà điều chuyển cán bộ quá lớn trong tình trạng giao thông không đảm bảo.
“Cần xem xét thế nào để huy động lực lượng tại chỗ. Địa phương cần đảm bảo lực lương coi thi đúng quy định” – bà Diệu nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Đậu Xuân Cảnh – Giám đốc Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam, cho rằng dựa vào sử dụng kết quả thi THPT quốc gia, nhiều trường đại học thuận lợi trong công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, kỳ thi THPT quốc gia cũng bộc lộ những bất cập cần được khắc phục, trong đó có hai khâu cần quan tâm là chấm thi và coi thi.
Trước thực tế phần lớn các trường đại học vẫn dựa vào kết quả thi THPT quốc gia để tuyển sinh, ông Cảnh khẳng định càng cần tăng cường hơn nữa vai trò các trường đại học trong coi thi và chấm thi.
“Bộ phải kiên quyết việc này vì như thế dữ liệu kết quả dùng để tuyển sinh sẽ được các trường tin tưởng hơn.
Học viện Y dược học cổ truyền chuyên đào tạo nhóm ngành sức khỏe, điểm đầu vào rất cao nên chúng tôi cũng hi vọng đó là những sinh viên giỏi. Tuy nhiên thời gian qua, sự tương thích này không rõ ràng. Điều này ở chừng mực nào đó khiến chúng tôi băn khoăn.
Vì vậy, cần tăng cường hơn nữa sự tham gia của các trường đại học trong kỳ thi THPT quốc gia khi chúng ta vẫn muốn sử dụng kết quả của kỳ thi “hai trong một” – ông Cảnh phân tích.
“Coi thi THPT quốc gia là nhiệm vụ chính trị”
Đáp lại những băn khoăn, góp ý của các trường, PGS.TS Lê Hải An – thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định các trường cần xác định việc phân công giảng viên đại học đi coi thi THPT quốc gia là nhiệm vụ chính trị.
“Không thể so sánh hay bắt các em học sinh lại phải di chuyển đến các trường đại học để thi như ngày xưa. Như vậy rất không ổn. Các trường cần chia sẻ với xã hội, với các em học sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia” – ông An nói.
Ông An cũng đề nghị các trường đại học tiếp tục đồng hành với Bộ GD-ĐT trong việc tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia chất lượng an toàn, trung thực. Điều này khẳng định thêm sự tin tưởng của các trường khi sử dụng kết quả thi để xét tuyển.
Còn ông Mai Văn Trinh – cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, khẳng định với kỳ thi THPT quốc gia 2019, chắc chắn các trường đại học sẽ phải tham gia sâu hơn, rộng hơn so với năm trước. Trong đó có một thay đổi quan trọng là giảng viên đại học sẽ trực tiếp tham gia chấm bài thi trắc nghiệm.