24/01/2025

Toan tính của Trump với Syria, Iraq

Tối 26-12, Tổng thống Donald Trump đã bất ngờ xuất hiện chỉ vài giờ tại căn cứ không quân Ayn al-Assad (Mắt Sư Tử) – nơi đóng Bộ chỉ huy quân đội Mỹ tham gia nòng cốt trong Liên minh quốc tế chống IS.

  

Toan tính của Trump với Syria, Iraq

Tối 26-12, Tổng thống Donald Trump đã bất ngờ xuất hiện chỉ vài giờ tại căn cứ không quân Ayn al-Assad (Mắt Sư Tử) – nơi đóng Bộ chỉ huy quân đội Mỹ tham gia nòng cốt trong Liên minh quốc tế chống IS.


 

Toan tính của Trump với Syria, Iraq - Ảnh 1.

Ông Trump và phu nhân chụp hình wefie với các quân nhân Mỹ tại căn cứ không quân Ayn al-Assad trong chuyến thăm bất ngờ đêm 26-12 – Ảnh: REUTERS

Đây không chỉ là cuộc ủy lạo thông thường của một tổng thống đối với binh sĩ Mỹ tại chiến trường chống khủng bố, mà còn nói lên rất nhiều điều thể hiện tính cá biệt của vị tổng thống không dễ “bắt bài” này.

Bỏ Syria lại cho ”những người khác”

Ngoài việc cùng đệ nhất phu nhân của mình động viên các quân nhân Mỹ tại Ayn al-Assad, ông Trump còn nhân cơ hội này để khẳng định lại quyết tâm dứt khoát rút hết lực lượng Mỹ khỏi Syria “trong thời gian không thể kéo dài”. Tổng thống Mỹ tự tin cho rằng rồi “mọi người” sẽ thấu hiểu và “tâm phục khẩu phục” quyết định này của ông.

Ngày 14-12, ông Trump viết trên Twitter: “Saudi Arabia đã đồng ý sẽ chịu trách nhiệm tái thiết Syria thay cho Mỹ”. Tổng thống Mỹ hoan hỉ bày tỏ: “Thật hay khi một quốc gia rất giàu có giúp các láng giềng của mình thay cho một cường quốc ở xa vạn dặm”.

Trước đó, ngày 13-12, sau khi điện đàm với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Trump cũng công khai tiết lộ trên Twitter: “Erdogan đã cung cấp các thông tin khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ đủ khả năng tiêu diệt số tàn dư của IS”. Đến ngày 25-12, tổng thống Mỹ lại viết trên Twitter khẳng định tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã cam kết với ông ta “sẽ nhổ hết những gì còn lại của IS ở Syria và Iraq”. Ông Trump tin rằng “Erdogan có khả năng trung thành với lời cam kết của ông ta” và “ông ấy có thể làm được việc này”.

Lời lẽ của ông Trump được truyền thông Ả Rập bình luận là tổng thống Mỹ đã “trao toàn quyền cho Erdogan” thay Mỹ đánh khủng bố còn lại ở Syria.

Nhưng có lẽ đây chỉ là những biện minh để trấn an dư luận rằng Mỹ rút đi thì đã có các “nhân vật đóng thế chất lượng” để giải quyết hai vấn đề gai góc ở Syria – tàn dư của IS và tái thiết đất nước bị tàn phá tan hoang này. Ông Trump thừa biết chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay chỉ nhắm xóa sổ lực lượng vũ trang người Kurd ở bên kia biên giới, mà ông Erdogan coi là “khủng bố số một” ở Syria, chứ IS chỉ là thứ yếu.

Còn sự nghiệp tái thiết Syria sau gần 8 năm chiến tranh tàn phá tới mức Liên Hiệp Quốc cho là cần tới hơn 400 tỉ USD tài trợ bên ngoài thì làm sao riêng Saudi Arabia cáng đáng cho được! Hơn nữa, ông Trump cũng biết quá rõ Saudi Arabia đang còn mắc kẹt trong cuộc chiến ở Yemen, mà nếu phải tham gia tái thiết thì Saudi Arabia sẽ làm ở Yemen – sân sau của vương triều Sa’oud, chứ không phải là tại nước Syria cách trở – nơi Saudi Arabia không có khả năng tranh chấp gì với các thế lực vốn đang xưng hùng xưng bá ở đó là Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Thế thì ông Trump cứ quyết ra đi, tránh xa chiến trường còn đầy rủi ro và vô cùng phức tạp này; bỏ lại cho Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ từ nay buộc phải ra mặt tranh chấp với nhau giành quyền “bảo trợ chính” đối với một giải pháp chính trị rất xa vời nhằm tiến tới ổn định đất nước tan tành này. Nếu ai đó phải lo sợ IS sẽ có cơ hội tái xuất tại Syria thì đó là các bên đang kiểm soát trên thực địa ở đây như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, rồi đến châu Âu chứ. Mỹ còn xa lắm! Chả thế mà ông Trump đã biện luận: IS không chỉ là kẻ thù riêng của Mỹ.

Mỹ chọn Iraq để đứng chân

Tại căn cứ Ayn al-Assad, ông Trump công khai tuyên bố Mỹ “không có kế hoạch rút khỏi Iraq” và còn nói rõ thêm: “Thực ra chúng ta có thể sử dụng Iraq làm căn cứ khi chúng ta muốn làm việc đó ở Syria”.

Trong cuộc chiến chống IS được phát động từ tháng 8-2014 đến nay, Iraq chính là căn cứ tiền phương của Bộ chỉ huy Liên minh quốc tế do Mỹ làm nòng cốt. Lực lượng Mỹ tại Iraq hiện lên đến 5.200 quân nhân, với những căn cứ không quân và lực lượng lính thủy đánh bộ tập trung chính ở phía tây Iraq, gần biên giới Syria.

Mỹ còn có vị thế “chính danh” ở Iraq bởi được Hội đồng Bảo an ủy nhiệm cho Liên minh quốc tế chống khủng bố, đồng thời được Chính phủ Iraq chính thức yêu cầu trợ giúp. Điều này hoàn toàn khác với ở Syria, nơi mà sự hiện diện của quân đội Mỹ bị coi là “bất hợp pháp”, nhất là sau khi IS được coi là “đã bị xoá sổ”.

Chọn đứng chân tại Iraq cũng nằm trong đường lối cơ bản của chính quyền Trump ở Trung Đông là nhằm chống Iran. Với Mỹ, Iraq có vị trí địa – chính trị ngăn cách Iran với Syria và Libăng – địa bàn mà Iran cố công nhiều năm nay gây dựng thế lực để “áp sát kẻ thù Zionist – Israel”, đồng thời tìm đường gần nhất từ Tehran đến Địa Trung Hải.

Nhưng phản ứng tại Iraq trước việc ông Trump bất ngờ xuất hiện tại căn cứ quân sự Mỹ tại đây cũng bộc lộ những rủi ro mà Mỹ phải đối mặt, khi muốn đứng chân tại đất nước vốn chưa bao giờ bình yên kể từ năm 2003 đến nay. Iraq nay có thủ tướng mới, người không trực tiếp ký văn bản cầu cứu quân đội Mỹ hồi năm 2014. Một số giới chính trị Iraq coi việc ông Trump “không mời mà đến” là “xâm phạm chủ quyền Iraq”.

Đã có nghị sĩ Iraq cảnh báo quốc hội nước này sẽ ra luật yêu cầu quân đội Mỹ rời khỏi đất nước họ. Quốc hội mới của Iraq, được bầu sau tổng tuyển cử hồi tháng 5 năm nay, đang do các thế lực không ưa gì Mỹ kiểm soát. Nếu một dự luật như thế được đưa ra thảo luận, không loại trừ khả năng sẽ được đa số nghị sĩ bỏ phiếu tán thành. Câu chuyện không hoàn toàn nằm trong vòng kiểm soát của Tổng thống Donald Trump.

Chuyến đi bị nhiều nghị sĩ Iraq phản đối

Theo Reuters, Văn phòng Thủ tướng Iraq có công văn xác nhận chính quyền Mỹ đã thông báo trước cho Iraq về chuyến thăm của tổng thống Mỹ, và xác nhận lãnh đạo hai nước đã nói chuyện qua điện thoại.

Tuy nhiên, chuyến thăm của tổng thống Mỹ bị nhiều nghị sĩ Iraq đồng loạt chỉ trích. Ông Sabah al Saadi, thủ lĩnh khối Islah trong Quốc hội Iraq, đã kêu gọi triệu tập một phiên họp bất thường tại quốc hội “để thảo luận về hành động vi phạm chủ quyền Iraq và ngăn chặn những hành động gây hấn của ông Trump, người nên biết các giới hạn của mình: sự chiếm đóng của Mỹ đã chấm dứt ở Iraq”.

Khối Bina, đối thủ của khối Islah tại quốc hội, cũng phản đối chuyến đi này của ông Trump, coi đây là “một sự vi phạm trắng trợn và rõ ràng các chuẩn mực ngoại giao, cho thấy thái độ coi thường và thù địch của ông trong cách đối xử với chính quyền Iraq”. Khối Bina cho biết thêm chuyến thăm của ông Trump “đặt ra nhiều dấu hỏi về bản chất sự hiện diện quân sự của Mỹ, các mục tiêu thực sự của nó và mối đe doạ của các mục tiêu này với an ninh của Iraq”.

 

HỒNG VÂN

NGUYỄN NGỌC HÙNG