18/11/2024

Mức hỗ trợ cho học sinh, sinh viên quá thấp!

Nhiều bất cập, hạn chế trong chính sách hỗ trợ người học theo quy định hiện hành đã được ghi nhận tại hội thảo góp ý dự thảo nghị định quy định về học bổng chính sách, hỗ trợ học phí học tập và các chính sách hỗ trợ khác đối với học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục do Bộ GD-ĐT tổ chức chiều 27.12 tại TP.HCM.

 

Mức hỗ trợ cho học sinh, sinh viên quá thấp!

Nhiều bất cập, hạn chế trong chính sách hỗ trợ người học theo quy định hiện hành đã được ghi nhận tại hội thảo góp ý dự thảo nghị định quy định về học bổng chính sách, hỗ trợ học phí học tập và các chính sách hỗ trợ khác đối với học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục do Bộ GD-ĐT tổ chức chiều 27.12 tại TP.HCM.
 
 
 
 

Sinh viên tại TP.HCM đóng học phí  /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Sinh viên tại TP.HCM đóng học phí   ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

 

Một đối tượng nhưng hưởng chính sách khác nhau

 
 
Đề xuất hỗ trợ cho cả sinh viên mồ côi
Bà Lâm Thị Kim Liên, Trưởng phòng Công tác SV Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, đề nghị: “Trong dự thảo nghị định, các đối tượng hưởng học bổng chính sách và hỗ trợ chi phí học tập chưa có đối tượng HS – SV mồ côi. Thực tế quá trình công tác tôi thấy các sinh viên mồ côi đều có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn và cần được hỗ trợ, dù mồ côi cha hoặc mẹ hoặc cả hai”.
 

Phát biểu tại hội thảo, ông Dương Văn Bá, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục công tác học sinh – sinh viên (HS – SV) – Bộ GD-ĐT, cho rằng khi triển khai chính sách có nhiều văn bản bị chồng lấn và thiếu sự liên thông. Trong đó, cùng đối tượng nhưng học ở cấp này thì được hưởng chính sách mà cấp khác, loại hình khác không được. Cùng đối tượng nhưng trong văn bản này được hưởng hỗ trợ 60% mức lương cơ sở, văn bản khác 80%.

Theo ông Bá, vì những lý do này nên Bộ đang xây dựng dự thảo nghị định quy định mới thay thế và tích hợp cho tất cả văn bản liên quan ban hành trước đó.
Riêng về học bổng chính sách với SV hệ cử tuyển, có quá nhiều văn bản quy định khác nhau. HS sau khi học dự bị vào ĐH không được hưởng chính sách. Quy trình, thủ tục rườm rà, SV phải xin giấy xác nhận ở trường nơi mình học sau đó về địa phương xin xét duyệt. Điều này ảnh hưởng không ít đến quyền lợi người học, gây mất thời gian, tiền bạc với những SV ở xa không có điều kiện đi lại nhiều.

Hỗ trợ 100.000 đồng/tháng là quá thấp

Báo cáo của Bộ cũng chỉ ra rằng mức hỗ trợ nói chung vẫn thấp, SV thuộc đối tượng này gặp không ít khó khăn, có những người gia đình không đủ chu cấp nên buộc phải bỏ học.


Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Trưởng phòng Công tác HS – SV Trường ĐH An Giang, kiến nghị nghị định này nên tăng số tiền học bổng và hỗ trợ. Theo bà Loan, HS – SV thuộc hộ nghèo, mồ côi và tàn tật theo quy định hiện hành chỉ hưởng 100.000 đồng/tháng thì quá thấp vì mức lương cơ bản hằng năm đều tăng.

 
Đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB-XH) cho rằng trong dự thảo nghị định còn chưa nhắc đến đối tượng bộ đội xuất ngũ theo học bậc TC, CĐ thậm chí ĐH. Họ là những người đã bỏ cả thanh xuân đi nghĩa vụ nhưng khi học không được hỗ trợ gì.
 
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Công Ba, Trưởng phòng Công tác chính trị và HS – SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, bộ đội xuất ngũ đã được hưởng nhiều chính sách trong thi cử, nên chỉ ưu tiên bộ đội xuất ngũ trong các đối tượng đặc biệt. Cũng theo ông Ba: “Người đi học được hưởng chính sách là thương binh hay con thương binh, cần làm rõ vì nếu không dẫn đến quy định thiếu thực tế như trước đây khi quy định bà mẹ VN anh hùng được cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh”.
 
Ông Ba cho rằng hỗ trợ tiền đi lại là điểm mới nhưng chỉ nên áp dụng một mức, còn 300.000 đồng/năm thì không thấm thía nếu SV ở xa.

Hỗ trợ 4 hay 8 năm ?

PGS-TS Đồng Văn Hướng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, đặt vấn đề việc hưởng chế độ này nên thực hiện theo thời gian đào tạo tối đa hay thời gian thiết kế chương trình đào tạo. Vì theo quy định hiện hành, SV có thời gian học tập tối đa gấp đôi thời gian thiết kế chương trình đào tạo (thời gian thiết kế từ 3,5 – 5 năm và thời gian tối đa 7 – 10 năm tùy ngành). Nên chăng chỉ tính thời gian thiết kế cộng thêm vài học kỳ tránh tình trạng SV cố tình kéo dài thời gian học để hưởng chính sách thì không nên. Nếu kéo dài 8 – 10 năm sẽ bất hợp lý.
 
Tương tự, ông Nguyễn Thanh Tường, Trường ĐH Cần Thơ, cũng cho rằng nên xem xét số năm hoặc số học kỳ tối đa người học được hưởng chính sách này. “Thực tế có những SV bị dừng học vì kỷ luật, nhưng có khi vì lý do khác. Nếu không vô hình trung chúng ta phải trả tiền cho những SV không đi học mà đang làm việc khác”, ông Tường nói.
 
Ông Huỳnh Công Ba cho biết hiện Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chỉ áp dụng chính sách này cho SV theo học 8 học kỳ chính.
 
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó hiệu trưởng ĐH Kiên Giang, đặt vấn đề để triển khai thực hiện tốt nên chăng có những ràng buộc về kết quả thực tế quá trình học tập. “Trong dự thảo chỉ quy định HS – SV bị kỷ luật buộc thôi học mới không được nhận học bổng chính sách. Vậy giả sử vẫn đi học nhưng yếu kém chưa hiệu quả thì có được hưởng? Hầu hết các đối tượng không có ràng buộc, chính sách cần có thêm tiêu chuẩn về học lực để thể hiện được sự động viên”, ông Thành đề xuất.
 
Giải đáp băn khoăn này, ông Dương Văn Bá cho rằng đây là học bổng chính sách không phải học bổng khuyến khích học tập. Vì vậy, tiêu chuẩn của học bổng chính sách chính là đối tượng, người nào thuộc đối tượng theo quy định đương nhiên được hưởng, không căn cứ vào điều kiện học tập và rèn luyện.
 
 
HÀ ÁNH