28/01/2025

Giá xăng dầu giảm mạnh, cước vận tải tăng

Giá xăng dầu giảm 5 lần liên tiếp trong khoảng hai tháng qua song giá cước vận tải vẫn đứng yên. Thậm chí nhiều đơn vị vận tải còn cho biết sẽ tăng giá.

 

Giá xăng dầu giảm mạnh, cước vận tải tăng

Giá xăng dầu giảm 5 lần liên tiếp trong khoảng hai tháng qua song giá cước vận tải vẫn đứng yên. Thậm chí nhiều đơn vị vận tải còn cho biết sẽ tăng giá.


 

Giá xăng dầu giảm mạnh, cước vận tải tăng - Ảnh 1.

Nhu cầu vận chuyển hàng hoá bằng đường thuỷ đang tăng cao. Trong ảnh: tàu thuyền chở hàng hoá trên kênh Chợ Gạo (Tiền Giang) – Ảnh: CHÍ QUỐC

 

Vào dịp cuối năm thông lệ thường là tăng giá. Năm nay giá xăng dầu giảm nên mức độ tăng giá cước có thể ít hơn

Ông Nguyễn Văn Quyền

Người tiêu dùng kỳ vọng từ hàng không, vận tải hành khách, hàng hóa… sẽ có điều chỉnh giá sau khi giá xăng dầu giảm mạnh.

Đàm phán giá vẫn… đứng yên

Là doanh nghiệp (DN) chuyên sản xuất, chăn nuôi và chế biến thực phẩm, cung cấp bếp ăn đến khu công nghiệp, Công ty An Việt có đến hơn 50% lượng hàng hóa khi vận chuyển phải nhờ vào các dịch vụ thuê ngoài. Ông Đào Ngọc Nam, giám đốc công ty, cho biết khi giá xăng dầu giảm mạnh, DN đã trao đổi với các đối tác vận tải nhưng vẫn chưa được giảm giá.

Theo ghi nhận tại TP.HCM, giá xăng dầu liên tục giảm nhưng hầu hết DN vận tải, dịch vụ giao hàng vẫn tăng hoặc giữ nguyên giá. Tại bến xe Miền Đông, bến xe Miền Tây, các DN vận tải hành khách đều tăng từ 40 – 60% giá vé so với ngày thường dịp Tết Nguyên đán 2019.

Ông Hồ Quốc Đông – chủ DN vận tải H.Đ (Q.9) – cho biết vào dịp tết nhu cầu vận chuyển tăng cao, các chi phí vận hành khác cũng tăng. Việc vận chuyển hàng hóa tươi như rau củ quả dễ phát sinh phí bảo quản, bốc dỡ hàng… Do vậy, dù giá xăng có giảm cũng không đủ bù vào.

Còn ông Phan Văn Tài – chủ DN vận tải thức ăn cho tôm đi các tỉnh miền Tây – cũng cho biết không thể giảm giá mà ngược lại phải tăng cước phí lên. Giá xăng giảm nhiều lần nhưng lại giảm nhỏ giọt. Chưa kể việc một DN tự hạ giá cước sẽ dẫn tới “phá giá”, mất cân bằng thị trường vận tải.

Giá xăng dầu giảm mạnh, cước vận tải tăng - Ảnh 3.

Giá xăng giảm, cước xe vẫn đứng yên. Trong ảnh: khách đón taxi tại sân bay Tân Sơn Nhất – Ảnh: TỰ TRUNG

Tính giảm…nhưng giá lại tăng

Theo đại diện của Tổng công ty Đường sông miền Nam, nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy năm nay tăng cao, đặc biệt là các sản phẩm lúa gạo, trái cây… Do mặt bằng chi phí nói chung đều tăng, nên dù giá xăng dầu giảm cũng khó giảm giá theo. “Giá xăng dầu giảm liên tục, chúng tôi dự tính giảm, đang đưa ra kế hoạch nhưng tới đây giá cả có xu hướng tăng lại, đặc biệt là vận chuyển cuối năm, nên phải điều chỉnh lên” – vị này cho hay.

Đại diện một hãng hàng không công nhận giá nhiên liệu bay Zet A1 giảm từ 90 USD/thùng xuống 80 USD/thùng nhưng do khi giá nhiên liệu tăng, hàng không phải “gồng gánh” trong suốt thời gian dài nên giá nhiên liệu giảm chỉ là cơ hội để các hãng cơ cấu lại giá vé, có thể cung cấp nhiều mức vé rẻ hơn. Với câu hỏi về khả năng giảm giá vé dịp tết, đại diện một hãng bay cho rằng giá vé các hãng bán hiện không vượt trần.

Cần đơn giản hoá thủ tục đăng ký giá

Vì sao giá xăng dầu giảm sâu mà cước vận tải chưa giảm? Theo ông Nguyễn Hồng Minh – phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội (chủ Hãng taxi Nguyên Minh), việc tăng hay giảm giá cước vận tải không thể song hành với việc điều hành giá xăng dầu, bởi chu kỳ mỗi lần điều hành giá xăng dầu là 15 ngày, trong khi các thủ tục, quy định xin điều chỉnh giá cước vận tải lại khá phức tạp. “DN có hàng nghìn xe mà dừng lại niêm yết, cài đặt lại đồng hồ, rồi gửi công văn đi xin cơ quan quản lý nhà nước để điều chỉnh giá… cho nên cực chẳng đã mới để như vậy” – ông Minh nói.

Ông Nguyễn Văn Quyền, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô VN, cho rằng chi phí xăng dầu chiếm từ 35 – 40% chi phí vận tải, nhưng hiện nay việc kê khai và niêm yết giá chỉ có xe taxi, còn các DN tự quyết giá. Ông Quyền cho rằng vào dịp cuối năm thông lệ thường là tăng giá. Năm nay giá xăng dầu giảm nên mức độ tăng giá cước có thể ít hơn.

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh cho rằng các DN có cách lý giải của mình. Song về phía cơ quan quản lý cần tính toán tới việc đơn giản hóa các thủ tục đăng ký giá với loại hình vận tải như taxi. Đồng thời cần nghiên cứu áp dụng công nghệ và có cách thức quản lý giá cước vận tải linh hoạt hơn, giúp DN minh bạch về giá thành, cạnh tranh lành mạnh hơn.

Theo TS Chung Thành Tiến, với dịch vụ vận tải, khi giá nhiên liệu giảm đến 5 lần so với trước thì giá cước vận tải cũng phải giảm mới phù hợp. Các cơ quan quản lý, theo ông Tiến, đã quá buông lỏng, không có phương thức quản lý giá thành dịch vụ hiệu quả.

Lĩnh vực vận tải hàng hoá, giá cả do cơ chế thị trường quyết định. Nhưng với các hãng taxi, công ty vận tải hành khách thường xuyên điều chỉnh giá thì căn cứ vào giá xăng, các DN này phải có thay đổi giá để hành khách không phải chịu thiệt thòi.

Giá xăng dầu giảm mạnh, cước vận tải tăng - Ảnh 4.

Đồ hoạ: VĨ CƯỜNG

* Ông Phạm Ngọc Hưng (phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM):

Có công cụ nhưng không kiểm soát được tăng giá

Bình thường cứ đến dịp tết là các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đều tăng giá cước phi mã, có năm tăng đến 50 – 70% so với thời điểm bình thường, dù cơ chế buộc các doanh nghiệp đăng ký giá được áp dụng lâu nay. Thực tế không có ai kiểm soát được vấn đề này, biện pháp chế tài không đủ sức răn đe, nên việc yêu cầu các doanh nghiệp tự điều chỉnh giá theo hướng giảm là điều rất khó có thể xảy ra.

Mặt khác, thời điểm hiện tại giá xăng dầu có giảm mạnh, nhưng các doanh nghiệp sản xuất vẫn không dễ điều chỉnh giá bán bởi hàng hoá chuẩn bị bán cho mùa tết phần lớn đã được chốt giá xong từ cách đây mấy tháng, lúc giá xăng dầu còn ở mức cao. Tuỳ theo chiến lược kinh doanh của từng doanh nghiệp, việc điều chỉnh giá bán theo hướng giảm có lợi cho người tiêu dùng sẽ được các doanh nghiệp tính toán, nhưng e rằng khó khả thi.

 

T.V.N. ghi

NGỌC AN – THU DUNG – CÔNG TRUNG