24/09/2024

Vì sao mình trẻ lại không dám mơ xa?

Vào thời điểm khó khăn nhất của sự nghiệp, TS Phạm Văn Việt nhớ đến thầy giáo già hơn 80 tuổi ngồi xe lăn say sưa nói về khát vọng giải Nobel ghi tên người Việt.

 

Vì sao mình trẻ lại không dám mơ xa?

Vào thời điểm khó khăn nhất của sự nghiệp, TS Phạm Văn Việt nhớ đến thầy giáo già hơn 80 tuổi ngồi xe lăn say sưa nói về khát vọng giải Nobel ghi tên người Việt.
 
 
 

Vì sao mình trẻ lại không dám mơ xa? - Ảnh 1.

TS Việt (trái) hướng dẫn học trò làm đề tài tách nước thành nhiên liệu – Ảnh: TƯỜNG HÂN

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Phạm Văn Việt (giảng viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên – ĐH Quốc gia TP.HCM, chân dung Quả cầu vàng 2018) thể hiện sự trăn trở con đường mang khoa học – công nghệ vật liệu vào đời sống, tháo gỡ hiểu lầm của dư luận về giới nghiên cứu và cách trở thành người thầy hữu ích với học trò.

* Nhắc tới nhà khoa học, người ta hay nghĩ về những bài báo chuyên ngành xếp trong ngăn kéo. Anh cảm thấy thế nào khi nghe những điều đó?

– Niềm động viên lớn nhất của các nhà khoa học là được cộng đồng khoa học đón nhận, trân trọng những bài báo đó. Dù vậy, dư luận đôi lúc chưa thấu hiểu, phê bình giới nghiên cứu bằng những lời lẽ khiến mình chạnh lòng như đất nước có bao nhiêu tiến sĩ mà không tự làm được ốc vít, thua nông dân, nghiên cứu không ứng dụng… 

Thực tế, các nhà nghiên cứu có thể làm được nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tầm và tâm để đầu tư làm cùng nhà khoa học. Không phải ai giàu lên, đến cuối đời cũng dành tiền cho khoa học như Bill Gate.

Đơn cử ngành khoa học và công nghệ vật liệu có rất nhiều ứng dụng nhưng phải đợi doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam đầu tư nhà máy, tuyển người, sinh viên tốt nghiệp ngành này mới được chào đón. Bản thân tôi từng được một công ty mời về làm lương cao nhưng đã kiên quyết ở lại trường, sống với khoa học bằng đam mê và niềm vinh dự.

* Định hướng nghiên cứu của anh như thế nào?

– Công nghệ vật liệu là lĩnh vực liên ngành, nhiều ứng dụng. Nhóm nghiên cứu chúng tôi đã tổng hợp vật liệu nano dùng trong nông nghiệp, chữa bệnh trên thực vật (cây hồ tiêu), động vật (bò sữa), đã chuyển giao cho nông dân và doanh nghiệp. Do vật liệu ở kích thước rất nhỏ đã giúp hoạt chất đến đích sâu và nhanh hơn phương pháp cũ.

Hướng thứ hai là tổng hợp vật liệu ứng dụng xử lý môi trường như xử lý nước thải từ nhà máy dệt nhuộm, bệnh viện, khu dân cư chứa hóa chất độc hại, vi khuẩn, tồn dư kháng sinh. 

Hướng thứ ba thách thức hơn trong lĩnh vực năng lượng: tách nước (H2O) thành nhiên liệu (H2), khử không khí ô nhiễm (chứa CO2) thành khí đốt (CH4) để sử dụng. Đây là mảng khó đang nghiên cứu, phải mất nhiều năm và kết hợp với công nghệ thu gom khí thải, vật liệu hấp phụ.

* Vào thời điểm khó khăn nhất, ai đã “tiếp lửa” cho anh?

– Đó là những người thầy của tôi, đặc biệt là PGS.TS Cao Minh Thì. Ông không dạy tôi một ngày, không công tác cùng đơn vị nhưng nếu hồi đó không gặp thầy, tôi đã đi nước ngoài từ lâu. 

Ở lại trường làm việc là niềm vinh dự to lớn nhưng lương thấp, cơ sở vật chất kém, nước ngoài lại trao học bổng làm tiến sĩ. Thầy – một ông giáo già, chân bị tật – mà hừng hực động lực nghiên cứu, thường nghĩ về giải Nobel. 

Tôi tự hỏi vì sao mình trẻ như vầy lại không dám mơ tới? Nguồn năng lượng từ thầy khiến mình ham thích, hào hứng ở lại TP.HCM “chiến đấu”.

 

Vài lần mỗi tuần, thầy lại đi xe lăn lên phòng thí nghiệm, giọng nói vẫn hào sảng, sẵn sàng móc tiền túi cho sinh viên đi kiểm tra, đo lường thí nghiệm, mua sắm máy móc để tự chủ nghiên cứu.

Ngoài ra, còn nhiều người thầy truyền ngọn lửa đam mê, tạo động lực phấn đấu, lặng thầm trao đi nhiều phần thưởng tiếp sức cho tôi cùng học trò nghiên cứu như GS Lê Văn Hiếu, GS Odon Vallet, GS Phạm Văn Hường…

* Nếu khoa học là con đường chông gai, làm thế nào để anh thuyết phục học trò?

– Tôi không cố gắng thuyết phục. Là thầy, tôi cố gắng truyền đam mê cho gần 200 sinh viên năm nhất mỗi khóa. Với các bạn đam mê nghiên cứu khoa học, mình phải tạo điều kiện để sớm vào phòng thí nghiệm, tiếp xúc những dự án thầy đang làm, tiếp cận thế giới, trau dồi kỹ năng nghiên cứu. 

Từ đầu mình phải trò chuyện thẳng thắn rằng con đường nghiên cứu chông gai, khó khăn, tiền bạc không nhiều, nếu lựa chọn phải chấp nhận con đường phía trước. Tôi gửi các bạn đi nước ngoài thực tập, cọ xát môi trường, khi trở về sẽ biết mỗi bạn có phù hợp để đi tiếp hay thay đổi con đường khác phù hợp hơn.

Với mối quan hệ quốc tế, tôi hướng dẫn các bạn tìm học bổng du học, càng sớm càng tốt chứ để vật vờ 1-2 năm đầu tiên trong nước, nghiên cứu không xong, áp lực gia đình, bạn bè thăng tiến, cực kỳ căng thẳng. Khi đủ kiên trì, đam mê thì may mắn sẽ đến.

Nếu ở lại trong nước, các giáo sư, thầy cô phải bồi dưỡng tại chỗ, cho phép các bạn cùng tham gia dự án, một vị trí công việc ở trường để hiểu rằng công việc của mình được trân trọng.

Bài báo là sản phẩm của nhà khoa học, việc này hiển nhiên cũng như nông dân trồng ra lúa gạo. Nhưng nếu lúa gạo giải quyết bữa ăn hằng ngày, bài báo khoa học để lại nhiều giá trị mang ứng dụng thực tiễn về sau. Có thể mất 10 năm, 20 năm, 100 năm, công trình nghiên cứu mới được cộng đồng công nhận, tiếp cận ứng dụng. Mình làm khoa học chỉ có động lực để lại di sản về sau, chứ không phải giành giải thưởng, tăng uy tín, nổi tiếng, nhận tung hô”.

TS PHẠM VĂN VIỆT

TS Phạm Văn Việt (sinh năm 1987), phó trưởng khoa khoa học và công nghệ vật liệu ĐH Khoa học tự nhiên – ĐH Quốc gia TP.HCM, là một trong 10 gương mặt Quả cầu vàng 2018 – giải thưởng do Trung ương Đoàn, Bộ KH-CN chủ trì dành cho các tài năng trẻ có thành tích xuất sắc trong học tập, công tác ở các lĩnh vực CNTT và truyền thông, công nghệ y – dược, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường và vật liệu mới.

“Kết quả thành công của Việt, theo tôi, dựa vào ba yếu tố: nỗ lực cá nhân tốt, môi trường làm việc (khoa) có tinh thần nghiên cứu khoa học cao, thúc đẩy tinh thần nỗ lực, khả năng tập hợp nguồn nhân lực đông đảo làm khoa học (sinh viên). Nhờ đó, số lượng kết quả nghiên cứu của Việt tăng nhanh thời gian vừa rồi”, PGS.TS Phan Bách Thắng, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử (INOMAR), chia sẻ.

Nhìn rộng hơn, gần đây giới khoa học trong nước đánh giá rất cao về kết quả nghiên cứu, không phân biệt tác giả là người có học vị, tuổi tác như thế nào. Các nhà khoa học có năng lực, say mê nghiên cứu đã dễ dàng hơn khi tiếp cận các nguồn kinh phí từ cấp khoa, trường, vườn ươm Thành đoàn… Tất cả cộng hưởng làm cho kết quả của một nhà khoa học đi nhanh hơn, nhiều hơn.

 

TƯỜNG HÂN thực hiện