Những băn khoăn này được nêu ra trong chương trình Tư vấn mùa thi 2019 do Báo Thanh Niên tổ chức tại Trường THPT An Nghĩa (H.Cần Giờ, TP.HCM) sáng 22.12 với sự tham dự của học sinh (HS) lớp 12 các trường THPT: An Nghĩa, Cần Thạnh và Bình Khánh.
Ngay từ sáng sớm, dù còn hơn một giờ nữa chương trình mới bắt đầu nhưng HS các trường THPT ở huyện Cần Giờ đã hào hứng di chuyển về Trường THPT An Nghĩa để tiếp cận những thông tin liên quan đến tuyển sinh.
TS Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội nhân văn TP.HCM, tư vấn học sinh H. Cần Giờ Ảnh: Khả Hoà
Dù phải đi với khoảng cách khá xa, hơn 30 km nhưng HS Đặng Hoàng Thơ, lớp 12A3 Trường THPT Cần Thạnh, vui vẻ chia sẻ: “Lần đầu tiên được tiếp cận thông tin trực tiếp từ đại diện các trường ĐH nên việc di chuyển không còn là trở ngại. Hôm nay em có dịp tìm hiểu thông tin xét tuyển và cơ hội việc làm của ngành kinh tế tài chính mà em đang có dự định chọn cho tương lai”.
Còn Trương Thị Trúc Ly, lớp 12A2 Trường THPT An Nghĩa, cho hay sau khi nghe các chuyên gia tư vấn, em cảm thấy tự tin hơn trước khi quyết định chọn ngành nghề cho tương lai. “Bởi trong buổi tư vấn em được biết thông tin về nhu cầu lao động cùng với chương trình đào tạo ở các trường ĐH phù hợp với năng lực học tập”, Trúc Ly nói.
Học ngành gì để phát huy tiềm năng kinh tế cần giờ ?
Đặt câu hỏi tại chương trình, HS Trà My, Trường THPT Cần Thạnh, băn khoăn việc học ngành gì để phát huy tiềm năng phát triển kinh tế H.Cần Giờ trong những năm tới. Tiến sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, chia sẻ H.Cần Giờ có nhiều thế mạnh về phát triển du lịch, các ngành thủy hải sản. “Các em không nhất thiết phải vào ĐH và CĐ nếu điều kiện không cho phép. Có những nhánh rẽ phù hợp với những lợi thế mà địa phương đang có. Phát triển kinh tế gia đình liên quan đến thủy hải sản cũng là một hướng đi”, tiến sĩ Vũ gợi ý.
Một HS băn khoăn, tốt nghiệp ngành sư phạm Anh có thể làm thông dịch viên trong khi chờ đợi tìm việc làm phù hợp không? Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng HS này nên xem xét lại định hướng nghề nghiệp của mình. Nếu muốn đi theo nghề biên – phiên dịch thì có thể chọn học ngành ngôn ngữ Anh thay vì sư phạm Anh. Với H.Cần Giờ, một nơi sẽ rất phát triển về du lịch, HS có thể cân nhắc chọn học các ngành ngôn ngữ để phát triển kinh tế du lịch ở địa phương.
Trong khi đó, HS Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trường THPT Bình Khánh, băn khoăn: “Học công nghệ sinh học ở nước ngoài sẽ có tiềm năng hơn ở trong nước có đúng không?”. Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, chia sẻ để học được ngành này sinh viên (SV) sẽ học tập nhiều trong phòng thí nghiệm. Vì vậy, theo học ngành này ở nước ngoài sẽ tốt hơn do có điều kiện cơ sở vật chất được đầu tư nhiều. Tuy nhiên, trong nước vẫn có nhiều trường đang có sự đầu tư tốt.
Nói về cơ hội học tập và làm việc ở nước ngoài, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm, cho rằng môi trường này luôn có sự đào thải cao, đi học thường cơ hội tập trung vào bậc học sau ĐH. “Để làm việc ở nước ngoài với các ngành công nghệ, điều kiện tiên quyết phải là có ngoại ngữ”, ông Sơn nói.
Cần phân biệt giữa sở thích và năng lực
|
|
Sau khi tốt nghiệp, làm gì từ sáng đến tối?
Chia sẻ trong chương trình, một HS băn khoăn: “Từ nhỏ đến lớn, suốt 12 năm đi học, nay tốt nghiệp THPT cảm giác đầu tiên là sẽ làm gì từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối mỗi ngày?”. Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ khuyên: “Nếu không còn cơ hội được học tiếp thì hãy nghĩ ngay đến việc làm gì để mình tồn tại, nuôi sống bản thân. Trả lời câu hỏi này là chính các bạn biết có trách nhiệm với chính mình, chưa nói đến trách nhiệm với gia đình và xã hội. Khi trả lời được câu hỏi này thì sẽ không bị rơi vào cảm giác hụt hẫng”.
|
|
|
Nhiều câu hỏi gửi tới chương trình quan tâm các ngành kinh tế, xã hội. HS Nguyễn Thị Tường Vy, Trường THPT An Nghĩa, hỏi: “Em thích học ngành ngân hàng nhưng không biết ngành này có thể làm việc ở đâu ngoài các ngân hàng?”. PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM, giải đáp hiện ngành này có nhu cầu lớn do các ngân hàng đang mở chi nhánh nhiều nơi nên số SV tốt nghiệp không đủ phục vụ nhu cầu tuyển dụng. Nhiều ngân hàng đến trường đặt yêu cầu nhưng trường không đáp ứng đủ. Cũng theo tiến sĩ Hà, tốt nghiệp ngành này SV có thể làm việc trong các ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc mảng tài chính thuộc các đơn vị ngoài ngân hàng. “Ban giám đốc doanh nghiệp luôn có một
người phụ trách mảng tài chính”, ông Hà nhấn mạnh.
Sự khác biệt giữa ngành kiểm toán so với kế toán, theo thạc sĩ Trần Duy Can, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, kiểm toán là kiểm soát công việc của kế toán, tìm ra hoạt động tài chính có đúng quy định, đảm bảo sự minh bạch để giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Người làm kiểm toán cần có chuyên môn, am hiểu pháp luật, có khả năng làm việc nhóm.
Học sinh lớp 12 H. Cần Giờ chăm chú lắng nghe các chuyên gia tư vấn Ảnh: Khả Hoà
HS Nguyễn Thanh Hồng, Trường THPT An Nghĩa, hỏi: “Muốn học ngành tâm lý cần có khả năng gì để đáp ứng công việc?”. Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng thích và làm nghề là khác nhau. Có thể là thích được chia sẻ với người khác nhưng khi lớn lên sở thích này có thể thay đổi nên cần xác định rõ làm nghề. Người học ngành này cần có kiến thức, nắm bắt tâm lý tốt, khả năng quan sát tốt, khả năng chịu đựng, biết lắng nghe và chia sẻ. Có thể tham vấn, tư vấn và trị liệu hoặc làm công tác nhân sự tại các đơn vị.
Cũng theo tiến sĩ Hạ, ngành quan hệ quốc tế phù hợp với người có tố chất linh hoạt, độc lập và hướng ngoại. Ngôn ngữ chính của ngành này là tiếng Anh, điều kiện tiếng Anh đầu ra là IELTS 6.0 mới đủ điều kiện làm việc trong môi trường quốc tế.
HS Võ Minh Hiền, Trường THPT An Nghĩa, băn khoăn nên học chuyên ngành luật kinh tế quốc tế ở trường đào tạo luật hay kinh tế. Thạc sĩ Trần Duy Can cho biết các trường ĐH khối ngành kinh tế chủ yếu đào tạo ngành luật về kinh tế. Dù học luật kinh tế nhưng vẫn phải có nền kiến thức cốt lõi về luật, tuy nhiên sẽ được học thêm về các luật về kinh tế. Các trường khối kinh tế đào tạo luật mục đích làm tư vấn trong kinh tế, tránh những tranh chấp trong thương mại có thể xảy ra. Cơ hội làm nghề rất lớn, ngoài làm luật thì có thể tham gia công việc pháp chế, nhân sự trong các doanh nghiệp.
HÀ ÁNH – BÍCH THANH