Harvard không dạy bạn những gì?
Harvard không dạy bạn thành công giống như định nghĩa của người khác, không dạy bạn kiếm được nhiều tiền. Sinh viên của Harvard cũng không được dạy phải học đến 4 giờ rưỡi sáng…
Harvard không dạy bạn những gì?
Harvard không dạy bạn thành công giống như định nghĩa của người khác, không dạy bạn kiếm được nhiều tiền. Sinh viên của Harvard cũng không được dạy phải học đến 4 giờ rưỡi sáng…
Các cựu sinh viên Harvard chia sẻ thông tin với người trẻ tại TP.HCM ẢNH: THUÝ HẰNG
Hơn 400 ghế ngồi trong khán phòng của Trường ĐH Fulbright VN chiều 20.12 chật kín. Những cánh tay người trẻ muốn đặt câu hỏi giơ cao không ngừng. Nhiều câu chuyện thú vị được chia sẻ trong buổi nói chuyện “Harvard đã dạy và không dạy bạn những gì?” do Câu lạc bộ cựu sinh viên Harvard tại VN và Trường ĐH Fulbright VN tổ chức .
Giáo sư không “cung cấp” kiến thức
Anh Trương Phạm Hoài Chung, đồng sáng lập Stella Education, thạc sĩ giáo dục 2016 luôn ám ảnh bởi những cái nhìn mang đầy áp lực mọi người nói về những cựu sinh viên Harvard như anh, ví dụ như “học ở Harvard mà nghĩ thế à” khiến anh nhiều lần nhụt chí khi đã về nước làm việc.
Anh Chung chia sẻ, Harvard không dạy bạn thành công theo định nghĩa của xã hội, không dạy bạn kiếm thật nhiều tiền, ở Harvard dạy bạn đi tìm sự thật. “Có 2 sự thật tôi ngẫm ra, ở đâu bạn cũng cần học, đó là sự công bằng và đột phá. Công bằng để tạo cơ hội ai cũng có thể đến được nơi bạn muốn đến. Đột phát để cuộc sống tốt hơn. Nếu không có ai hiểu mình, thì mình hãy chia sẻ, để truyền cảm hứng cho mọi người. Hơn 300 ngày ở Harvard tôi có hơn 300 câu chuyện viết trên mạng xã hội”, anh Chung nói.
Chị Doãn Hoàng Lan, Tập đoàn tư vấn Boston, thạc sĩ quản trị kinh doanh năm 2016, kể ở Harvard, các giảng viên bao giờ cũng đứng khu vực thấp nhất trong giảng đường, các giáo sư không nêu quan điểm và cung cấp kiến thức cho bạn, mà chỉ gợi mở để bạn tự tìm hiểu, bạn cần học từ những sinh viên đủ màu da, châu lục, nền tảng kiến thức khác nhau, tư duy khác nhau. “Tôi vẫn nhớ có những tiết học hơn 100 sinh viên ngồi thành hình vòng cung, mọi người có 70 phút để cùng nêu ra quan điểm của chính mình, hãy làm sao để ý kiến của mình sâu sắc và có lý nhất. Harvard dạy tôi, không có cách đánh giá vấn đề nào là tuyệt đối, hãy lắng nghe mọi người xung quanh nhiều hơn, học mọi người nhiều hơn”, chị Lan chia sẻ.
Sinh viên không phải là cỗ máy biết học
Những sinh viên tốt nghiệp từ ngôi trường này cho hay họ vừa học vừa chơi, chính những hoạt động ngoại khóa, các buổi “networking” kết nối mọi du học sinh cũng cho họ học được nhiều thứ. “Trước mỗi buổi học với giáo sư, bạn cần đọc trước cả hơn 100 trang sách trong thư viện. Học đến 4 giờ rưỡi sáng hay hơn cũng không thể nào học hết được nên hãy tranh thủ tìm kiếm kiến thức từ một buổi nói chuyện nào đó chẳng hạn”, anh Trương Phạm Hoài Chung nói.
“Tôi nhớ là trong nhiều năm học ở Harvard, tôi có 3 buổi ngồi quá 12 giờ khuya, đó là lúc tôi viết bài phát biểu cho Chủ tịch Hội Sinh viên VN tại Mỹ. Tôi thích hoạt động xã hội, ngoài giảng đường, bí quyết luôn làm việc năng suất cao của tôi là làm nhiều việc cùng một lúc, khi nào mệt quá thì hãy đi ngủ chứ đừng cố gắng”, anh Huỳnh Thế Du, giảng viên ĐH Fulbright VN tiết lộ.
Học tập, nghiên cứu giữa những sinh viên đến từ nhiều quốc gia, châu lục và tất nhiên ai cũng vô cùng xuất sắc, nhiều bạn trẻ VN lúc đầu có thể tự ti, mặc cảm và nghĩ mình kém cỏi nhất. Theo các cựu sinh viên Harvard, hãy tìm niềm vui cho chính mình, học cái gì khiến mình cảm thấy vui nhất. Chị Đào Nguyễn, đồng Chủ tịch Câu lạc bộ cựu sinh viên Harvard ở VN, cho biết chị từng theo học ngành y ở Harvard nhưng sau đó thấy rất tẻ nhạt, buồn chán, chị chuyển sang học ngôn ngữ Hy Lạp cổ đại và thấy rất đam mê, hứng khởi, chính những kiến thức từ đây hỗ trợ chị nhiều trong việc học và nghiên cứu luật sau này.
Anh Nguyễn Bảo Hoàng, Chủ tịch McDonald’s VN và Saigon Heat, cử nhân Harvard 1995 chọn ngành y vì nguyện vọng của gia đình, tuy nhiên sau đó anh tìm cho mình niềm đam mê từ văn học Hy Lạp cổ đại. Thời gian là sinh viên, anh có nhiều hứng thú từ công việc làm thêm ở kênh radio của trường.
Chị Lê Quỳnh Trâm, Giám đốc tuyển sinh chương trình ĐH, Trường ĐH Fulbright VN, người từng vừa chăm con nhỏ, vừa tốt nghiệp thạc sĩ quản lý công năm 2013 tại Harvard, cho biết khi lần đầu tiên đặt chân tới Harvard, chị “ngộp” vì sao quanh mình có nhiều người giỏi như vậy, mình có phải bị chọn nhầm hay không. Có những lúc hoang mang vì tới 76 cái thư viện trong trường, biết chọn cái nào để đọc sách đây, nhưng rồi bạn sẽ phải “vùng lên”, nỗ lực để đạt được giấc mơ của chính mình. “Bí quyết thành công là hãy chọn cho mình một mentor (người cố vấn) cho bạn dù bạn ở bất cứ độ tuổi nào”, chị Trâm nhấn mạnh.
20 năm nữa, người ta sẽ hỏi “Bí quyết nào để vào được Trường ĐH Fulbright VN ?”
Một bạn trẻ hỏi các cựu sinh viên Harvard, bí quyết nào để trở thành sinh viên ngôi trường của những giấc mơ này? Anh Nguyễn Bảo Hoàng cho rằng, một trường ĐH tốt là nơi có thể đào tạo mỗi công dân thành người tử tế, có thể làm điều có ích cho gia đình, đất nước, làm ra những điều ý nghĩa, có giá trị, thu hút nhiều giáo sư, sinh viên giỏi, thu hút đầu tư tài chính… Và đó là giấc mơ của ĐH Fulbright VN. “Tôi muốn Fulbright VN là trường Harvard của VN và 15 – 20 năm nữa, nhiều bạn trẻ sẽ hỏi chúng tôi, bí quyết nào để vào ngôi trường này chứ không phải bất cứ nơi nào khác”, anh Hoàng nói.
|
THUÝ HẰNG