18/11/2024

Căng thẳng quanh cuộc chiến miền đông Syria

Bộ Quốc phòng Nga chỉ trích chiến dịch quân sự của liên quân do Mỹ đứng đầu tại miền đông Syria.

 

Căng thẳng quanh cuộc chiến miền đông Syria

Bộ Quốc phòng Nga chỉ trích chiến dịch quân sự của liên quân do Mỹ đứng đầu tại miền đông Syria.
 
 
 
 
Các tay súng SDF được phương Tây ủng hộ tại tỉnh Deir al-Zor /// Reuters

Các tay súng SDF được phương Tây ủng hộ tại tỉnh Deir al-Zor  REUTERS

 
Hãng tin Sputnik ngày 16.12 dẫn lại dữ liệu radar cho thấy máy bay tuần tra P-8A Poseidon của Mỹ thời gian qua thường xuyên bay dọc khu vực bờ biển Syria và áp sát căn cứ không quân Hmeymim lẫn căn cứ hải quân Tartus của Nga trong khu vực. Về phần mình, quân đội Nga được cho là đã triển khai hệ thống tên lửa phòng không S-300 đến tỉnh Deir al-Zor, miền đông Syria, đồng thời thiết lập một căn cứ quân sự lớn cách khu vực al-Tanf do quân đội Mỹ kiểm soát ở đông nam Syria chỉ vài ki lô mét, theo trang Almasdar News.
 

Những thông tin trên xuất hiện trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh đẩy mạnh chiến dịch nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở miền đông Syria nhưng vấp phải chỉ trích từ Nga. Trong bức thư gửi người đồng cấp Mỹ James Mattis hồi cuối tuần, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình miền đông Syria. Ông Shoigu chỉ trích các cuộc không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu trong những tuần gần đây “khiến ít nhất 1.500 thường dân thiệt mạng” nhưng không thể đánh bật các tay súng IS. Trái lại, quân đội chính phủ Syria “thể hiện năng lực” giải phóng nhiều khu vực trong khoảng thời gian ngắn, theo ông Shoigu. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nga Shoigu chỉ trích sự hiện diện quân sự của Mỹ tại al-Tanf gây khó cho hoạt động vận chuyển hàng viện trợ đến một trại tị nạn lớn ở Jordan, nơi có hơn 50.000 người Syria trú tạm.

 
Trước đó, quân đội Mỹ thông báo liên quân bắt đầu chiến dịch quy mô lớn với mục tiêu chính là TP.Hajin thuộc tỉnh Deir al-Zor, được coi là thành lũy cuối cùng của IS ở Syria. Đóng vai trò chủ chốt trong chiến dịch là các nhóm vũ trang chống chính phủ Syria, bao gồm lực lượng tự vệ người Kurd và tổ chức Lực lượng dân chủ Syria (SDF) do phương Tây hậu thuẫn. Chỉ huy SDF Mazloum Kobani ước tính còn ít nhất 5.000 tay súng, bao gồm người nước ngoài cố thủ tại Hajin và dọc sông Euphrates. Theo ông này, thủ lĩnh tối cao của IS Abu Bakr al-Baghdadi cũng có thể đang ở miền đông Syria. AFP dẫn nguồn tin địa phương cho biết đến cuối tuần rồi ước tính ít nhất 900 tay súng IS và 500 người thuộc SDF thiệt mạng trong những đợt giao tranh.
 
Các quan chức phương Tây trước đây nhiều lần đưa ra “thời hạn chót” về đánh bại hoàn toàn IS nhưng đến nay vẫn không thành công. Hôm 11.12, Tổng thống Mỹ Donald Trump dự đoán lực lượng IS ở Syria sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn “chỉ trong vòng 1 tháng tới”. Tuy nhiên, tình hình càng thêm phức tạp khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vừa tuyên bố sẽ tiến hành chiến dịch quân sự mới “trong vài ngày tới nhằm mang đến hòa bình và an ninh tại những khu vực phía đông sông Euphrates”. Mục tiêu của chiến dịch này là các tay súng người Kurd, lực lượng chủ đạo trong cuộc chiến chống IS của phương Tây nhưng bị Thổ Nhĩ Kỳ xem là khủng bố. Các nhóm chính trị của người Kurd ở Syria đã gọi thông báo mới từ Ankara là “tuyên bố chiến tranh” còn EU và Lầu Năm Góc bày tỏ lo ngại về “bất kỳ hành động đơn phương nào đe dọa nỗ lực tiêu diệt IS ở Syria”.
 
 
PHÚC DUY