Cà phê lo thiếu nước
Cà phê được xác định là một trong hai ngành hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm hàng nông sản, tuy nhiên đến thời điểm này vẫn còn manh mún, lạc hậu.
Cà phê lo thiếu nước
Cà phê được xác định là một trong hai ngành hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm hàng nông sản, tuy nhiên đến thời điểm này vẫn còn manh mún, lạc hậu.
Dự báo xuất khẩu cà phê tiếp tục gặp bất lợi về giá ĐÀO NGỌC THẠCH
Trong 11 tháng qua xuất khẩu cà phê đạt 1,73 triệu tấn tương đương 3,3 tỉ USD; tăng 23,4% về khối lượng nhưng chỉ tăng 3,2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do giá cà phê giảm theo xu hướng chung của thị trường thế giới. Trong tháng 11, giá cà phê vối nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm từ 700 – 900 đồng/kg với tháng trước, xuống còn 34.600 – 35.200 đồng/kg.
“Giá cà phê khó khởi sắc trong thời gian tới do sản lượng vụ mới của Brazil dự báo dư thừa khoảng 4 – 5 triệu bao”, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo.
Ngày 4.12, tại TP.HCM diễn ra hội thảo Hợp tác công tư phát triển bền vững ngành hàng cà phê Việt Nam. Tại hội thảo, ông Lê Văn Đức, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết: Cà phê là một trong hai ngành nông nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhờ những cơ sở nền tảng như viện nghiên cứu chuyên ngành, sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài, chiến lược hợp tác công tư…
Tuy nhiên ngành này cũng đang đối mặt với những thách thức lớn, đặc biệt là vấn đề an ninh nguồn nước. Đây là yếu tốt hết sức quan trọng để đảm bảo sản lượng cà phê. Trên tổng diện tích trồng cà phê của Việt Nam khoảng 600.000 ha, đã có khoảng 100.000 ha được tái canh, bên cạnh đó khoảng 102.000 ha cà phê trồng xen canh với các loại cây khác như: bơ, sầu riêng, hồ tiêu để tăng thu nhập cho người dân.
Ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, nói: Khó khăn lớn nhất của người nông dân hiện nay là phần lớn các vườn cà phê đã già cỗi, hạn hán gây ảnh hưởng đến năng suất chất lượng. Trong khi đó nông dân sản xuất nhỏ lẻ làm chi phí cao, lợi nhuận thấp.
TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, bổ sung: Trong thời gian qua Việt Nam đã xây dựng được một số mô hình phát triển bền vững cây cà phê. Tuy nhiên nó chỉ mới dừng lại ở mức độ các mô hình và chưa được nhân rộng. Thực trạng chung vẫn còn sản xuất nhỏ lẻ, thiếu kiểm soát về tiêu chuẩn chất lượng, quá trình thu hái, phơi sấy, bảo quản chưa tốt gây ảnh hưởng không tốt đến việc thu mua, phân loại sản phẩm và xây dựng thương hiệu. Phần lớn các doanh nghiệp thu mua cà phê qua các khâu trung gian.
Các đại biểu cho rằng để ngành cà phê phát triển bền vững nhà nước cần có chính sách hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp tham gia xây dựng chuỗi giá trị và nhân rộng các mô hình hợp tác thành công hiện nay.
CHÍ NHÂN