10 năm trước các lãnh đạo G20 họp mặt lần đầu bàn cách giải cứu kinh tế thế giới khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. 10 năm sau, lần họp năm 2018, họ đối mặt thách thức từ những căng thẳng thương mại bao trùm và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng.
Lãnh đạo 20 nền kinh tế tìm tiếng nói chung
10 năm trước các lãnh đạo G20 họp mặt lần đầu bàn cách giải cứu kinh tế thế giới khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. 10 năm sau, lần họp năm 2018, họ đối mặt thách thức từ những căng thẳng thương mại bao trùm và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng.
Bức ảnh “gia đình” tại G20 năm nay có ít gương mặt nữ lãnh đạo nhất trong lịch sử diễn ra G20 từ năm 2008 đến nay, chỉ có duy nhất Thủ tướng Anh Theresa May – Ảnh: Reuters
Trong hai ngày 30-11 và 1-12, các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới nhóm họp tại Hội nghị thường niên G20 ở thủ đô Buenos Aires của Argentina. Chương trình nghị sự là những vấn đề có ảnh hưởng tới cư dân ở cấp độ toàn cầu như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, an ninh lương thực và thương mại quốc tế.
Thương chiến Mỹ – Trung phủ bóng
Những đối thoại của G20 lần này ngay từ đầu đã bị lấn át bởi những căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới: Mỹ và Trung Quốc. Trước thềm G20, ông Trump đã đánh tiếng sẵn sàng tăng thuế bổ sung từ 10% lên 25% với hàng Trung Quốc kể từ tháng 1-2019 và thậm chí còn đe dọa áp thuế bổ sung với 267 tỉ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc.
Bất kể sau đó, tại Buenos Aires, ông Trump đã hé lộ việc có “những tín hiệu tích cực” về đàm phán thương mại với Trung Quốc, song một quan chức cấp cao của Bắc Kinh vẫn thận trọng trả lời báo chí “vẫn còn nhiều khác biệt” mặc dù “mức độ đồng thuận đã tăng thêm”.
Giới quan sát chờ đợi những tuyên bố cụ thể hơn, hay ít nhất cũng “hơi hướng” tiến triển lạc quan về xung đột thương mại Mỹ – Trung sau cuộc gặp bên lề giữa ông Trump và ông Tập dự kiến diễn ra trong bữa ăn tối của họ vào đêm 1-12, giờ địa phương. Đây cũng là cuộc gặp đầu tiên trong hơn một năm qua giữa hai nhà lãnh đạo.
Giới quan sát cho rằng kết quả cuộc gặp giữa hai vị nguyên thủ Mỹ – Trung sẽ được thể hiện ngay trong phiên giao dịch mở đầu tuần tới. Trên thực tế, Phố Wall thậm chí đã nhích điểm ngay sau khi ông Trump chỉ mới hé lộ về “những tín hiệu tích cực” của tiến trình đàm phán thương mại với Trung Quốc.
Lên án chủ nghĩa bảo hộ
Hội nghị năm nay được cho là phép thử lớn với các nền kinh tế thành viên của nhóm G20 trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, đặc biệt là sự trỗi dậy của bảo hộ thương mại cũng như chủ nghĩa dân tộc tại nhiều quốc gia.
Trên thực tế, ngay từ trước lễ khai mạc Hội nghị G20, các nước thành viên vẫn đang nỗ lực thảo luận để đạt được sự đồng thuận về câu chữ trong tuyên bố chung của hội nghị về các vấn đề lớn như thương mại, nhập cư và biến đổi khí hậu. Trong những năm trước, các vấn đề này thường được nhất trí rất nhanh.
Tại G20 có vẻ “kịch bản” không đưa ra được tuyên bố chung như tại APEC hồi đầu tháng 11-2018 sẽ không lặp lại. Dẫu vậy, tại Hội nghị G20, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và lãnh đạo các nền kinh tế đang phát triển thuộc nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) tiếp tục đồng thuận lên án chủ nghĩa bảo hộ mà đích nhắm đến trọng tâm vẫn là Mỹ.
Tuyên bố chung của BRICS kêu gọi một nền thương mại toàn cầu mở và củng cố vị thế cũng như các nguyên tắc chung của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). “Tinh thần và các nguyên tắc của WTO đối lập với chủ nghĩa đơn phương và các biện pháp bảo hộ”, tuyên bố chung nêu. “Chúng tôi kêu gọi mọi thành viên WTO phản đối những biện pháp không nhất quán, tuân thủ các cam kết đã được đưa ra tại WTO”.
Trước đó, trong phát biểu khai mạc hội nghị, tổng thống nước chủ nhà Argentina, ông Mauricio Macri, đã kêu gọi tinh thần đoàn kết của các quốc gia. Ông Macri cho rằng “trách nhiệm của chúng ta là để thế giới thấy rằng hiện nay những thách thức toàn cầu cần phải được giải quyết bằng những ứng phó toàn cầu”.
Tổng thống Mỹ xác nhận kế hoạch tổ chức thượng đỉnh với Triều Tiên lần 2
Tại cuộc gặp bên lề G20 với tổng thống Hàn Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump tái khẳng định quan điểm muốn có cuộc hội đàm thượng đỉnh lần 2 về vấn đề hạt nhân với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Hãng tin AFP dẫn thông báo từ bà Sarah Sanders, thư ký báo chí của Nhà Trắng, cho biết trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ngày 30-11 tại Buenos Aires, hai nhà lãnh đạo Mỹ – Hàn “đã tái khẳng định cam kết của họ trong việc đạt được một quá trình giải trừ hạt nhân cuối cùng, được xác minh toàn diện” của Triều Tiên.
Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) cũng dẫn thông báo từ thư ký báo chí của tổng thống Hàn Quốc cho biết ông Trump “đã đề nghị Hàn Quốc và Mỹ hợp tác chặt chẽ để hội nghị thượng đỉnh tới sẽ là một dấu mốc lịch sử khác trong tiến trình giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên”.