Điệu tango căng thẳng trước thềm G20
Quá nhiều điểm nóng tập trung đang khiến sự kiện thượng đỉnh G20 tại Argentina lần này khó có thể là màn tango hào hứng đơn thuần.
Điệu tango căng thẳng trước thềm G20
Quá nhiều điểm nóng tập trung đang khiến sự kiện thượng đỉnh G20 tại Argentina lần này khó có thể là màn tango hào hứng đơn thuần.Ông Trump liệu có “nhảy tango” với ông Tập ở Argentina? Trong ảnh: hai nhà lãnh đạo tại Florida, Mỹ năm 2017 – Ảnh: AFP
Lãnh đạo 19 nền kinh tế lớn và đại diện Liên minh châu Âu (EU), đại diện cho 85% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 75% thương mại thế giới, sẽ gặp gỡ tại Buenos Aires (Argentina) cho sự kiện thượng đỉnh G20, khởi đầu từ ngày 30-11 và kết thúc vào 1-12.
Căng thẳng leo thang
Năm 2017, báo Guardian (Anh) nhận xét sự kiện G20 diễn ra tại Hamburg (Đức) là một trong những cuộc gặp gỡ căng thẳng nhất nhiều năm qua. Đó là thời điểm nước Mỹ không chứng minh vai trò đầu tàu trong các cam kết đa phương.
Khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump được thể hiện qua việc người đứng đầu Nhà Trắng bác bỏ Hiệp ước về biến đổi khí hậu Paris (ký năm 2015) trong sự phản đối của các nước khác.
Năm nay, dự kiến tình hình còn căng thẳng hơn nữa, sau khi cuộc gặp G7 ở Charlevoix (Canada) vào tháng 6 năm nay bị mô tả “tai hại”. Chính phủ Pháp và nhiều nhà bình luận còn coi đó là sự kiện “G6+1” để diễn tả cảnh ông Trump đương đầu với lãnh đạo 6 quốc gia còn lại.
Tình hình không thuyên giảm cho đến nay, khi Mỹ tiến hành áp thuế nhập khẩu lên các mặt hàng Trung Quốc, song thực tế ảnh hưởng tới hầu hết các đối tác thương mại khác.
Tâm điểm tại Buenos Aires, thay vì chương trình nghị sự, lại quay về những câu chuyện cũ: xung đột miền đông Ukraine, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, Saudi Arabia và giá dầu.
Ngay trước khi G20 năm nay diễn ra, Ukraine và Nga đã xuất hiện căng thẳng xoay quanh chuyện Ukraine cáo buộc Nga hành động hung hăng, bắt giữ tàu của nước này tại khu vực eo biển Kerch thuộc biển Azov. Câu chuyện dẫn tới việc Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết có thể hủy cuộc gặp song phương với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong khi đó, một nhân vật khác rất được chờ đợi là thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, người chắc chắn thu hút sự chú ý quanh cáo buộc ông đứng sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.
Thái tử bin Salman dự kiến có cuộc gặp với Tổng thống Putin về vụ Khashoggi, trong lúc đây cũng là sự kiện ảnh hưởng nhiều tới tình hình giá dầu thế giới tới đây.
Biểu tình phản đối G20
Tại Argentina, các tổ chức xã hội dân sự đã khởi động hàng loạt phong trào chống sự kiện thượng đỉnh G20, bày tỏ phản đối với “những chính sách có lợi cho các đế quốc”.
Người phát ngôn Beverly Keene của Confluence G20 and IMF Out, tổ chức vận động sự kiện mỉa mai G20 có tên “Thượng đỉnh nhân dân”, nói: “Chúng tôi bác bỏ những chính sách có lợi cho đế quốc và các công ty đa quốc gia lớn, trong khi chúng không mang bản chất vì quyền lợi của nhân dân”.
Chính phủ Argentina cũng yêu cầu người dân Buenos Aires tranh thủ rời xa thành phố dịp này để tránh các hiểm họa an ninh do biểu tình.
Ai nhảy tango cùng ông Trump?
Đây là lần đầu tiên G20 tổ chức tại Nam Mỹ, và báo chí quốc tế đang lấy cảm hứng từ điệu tango của Argentina để gọi tên sự kiện này: G20 Tango. Và như thường lệ, mọi ánh mắt dồn về Tổng thống Trump, người có khả năng buộc các nền kinh tế còn lại “nhảy” theo điệu của mình, hoặc ông sẽ nhảy một mình.
Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR), tổ chức phi lợi nhuận thành lập năm 1921 trụ sở tại New York (Mỹ), nhận xét rằng sau sự kiện G7 giữa năm nay, các lãnh đạo G20 đang cố gắng níu giữ ông Trump tại Argentina. Điều này đổi lại các lãnh đạo G20 phải giảm tham vọng bằng cách hạn chế đề cập những vấn đề nhạy cảm với Nhà Trắng.
Việc “ép” đối tác nhượng bộ được Tổng thống Trump nói thẳng với tờ Washington Post trong cuộc phỏng vấn tuần này. Cụ thể, ông Trump sẽ có buổi ăn tối bàn công việc với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào đêm 30-11, và hứa hẹn là màn chạm mặt nhiều kỳ vọng cho tương lai thương mại Mỹ – Trung.
Ông Trump dọa: “Tôi nghĩ chúng tôi sẽ có thoả thuận hoặc ngược lại sẽ mất hàng tỉ, hàng tỉ đôla một tháng trong thuế nhập khẩu, và tôi sẽ chẳng ngán điều gì trong hai trường hợp này cả”.
Giới quan sát thì nghĩ rằng ông Trump và ông Tập cùng lắm đồng thuận cho các cuộc đối thoại rộng hơn về thương mại, thay vì có một thỏa thuận nào đó.
Ông Tony Fratto, nhà sáng lập Công ty tư vấn chính sách công Hamilton Place Strategies (trụ sở ở thủ đô Washington), nhận định: “Bạn có thể nhảy tango sau buổi ăn tối ở Buenos Aires hôm 30-11. Bạn không thể chốt được một thỏa thuận thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ sau bữa ăn ấy. Mối quan hệ này quá lớn. Nó quá phức tạp”.
Các chuỗi cung cấp chuyển từ Trung Quốc đến Việt Nam, Thái Lan?
Ngày 29-11, Hãng tin Reuters công bố ghi nhận về tình hình sản xuất hàng hóa của nhiều doanh nghiệp quốc tế. Theo đó, không ít công ty đã chuyển dây chuyền sản xuất của họ từ Trung Quốc sang các nước khác như Thái Lan, Việt Nam trong bối cảnh thương chiến Mỹ – Trung tăng nhiệt thời gian qua.
Hãng tin Reuters cũng đã phỏng vấn hơn 10 lãnh đạo doanh nghiệp, các luật sư thương mại và các nhóm vận động hành lang trong nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau. Từ đó họ nhận thấy trong những tháng gần đây, các động thái chuẩn bị cho công cuộc dịch chuyển chuỗi cung cấp đã diễn ra hết sức sôi động trên toàn khu vực châu Á. Các lãnh đạo doanh nghiệp liên tiếp yêu cầu xem xét những sản phẩm mẫu, trực tiếp tới thị sát các khu công nghiệp, tuyển dụng luật sư và gặp gỡ giới chức địa phương.