28/12/2024

Mafia nước sạch ở Ấn Độ

Ấn Độ đang quay cuồng trong cuộc khủng hoảng thiếu nước sạch không có dấu hiệu hạ nhiệt trong những năm gần đây và hàng trăm triệu người bị thiếu nước phải phụ thuộc vào nguồn cung của các nhóm băng đảng.

 

Mafia nước sạch ở Ấn Độ

Ấn Độ đang quay cuồng trong cuộc khủng hoảng thiếu nước sạch không có dấu hiệu hạ nhiệt trong những năm gần đây và hàng trăm triệu người bị thiếu nước phải phụ thuộc vào nguồn cung của các nhóm băng đảng.


 

Mafia nước sạch ở Ấn Độ - Ảnh 1.

Người dân Ấn Độ tranh nhau lấy nước từ xe bồn ở thủ đô New Delhi – Ảnh: REUTERS

Theo báo cáo năm 2018 của nhóm vận động chính sách mang tên WaterAid, Ấn Độ là nước đứng đầu trong danh sách những quốc gia “thiếu nước nguồn sạch không gần nhà” với 163 triệu người.

Khi uống nước như uống vàng

Theo tường thuật của BBC, ở những khu ổ chuột của thủ đô Delhi, các hệ thống cung cấp nước sạch không tới được tận nhà dân. Nước được cung cấp bởi những chiếc xe bồn cấp nước của nhà nước hoạt động theo kiểu được chăng hay chớ mỗi 7-10 ngày. Mỗi khi thấy bóng xe bồn, hàng trăm con người như ong vỡ tổ, xô đẩy nhau để lấy nước.

Chiếc xe bồn nhanh chóng cạn nước trong 15 phút. Khi nó rời đi, không ai hài lòng. Lượng nước lấy được khoảng 400-500 lít cho cả gia đình trong 10 ngày khiến những người lấy được nước cũng không hài lòng vì lượng nước đó không đủ cho gia đình, chưa nói nỗi thất vọng của những người bị dạt ra.

Tuy nhiên, người dân vẫn có thể có nước, nhưng với giá chợ đen từ các tay giang hồ kiểm soát nước. Nước do nhà nước cấp thì miễn phí nhưng người dân phải mua với giá 10 USD mỗi 200 lít từ chợ đen. Nhiều người nghèo chỉ thu nhập 80 USD (khoảng 1,8 triệu đồng)/tháng, việc uống nước với họ giống như uống vàng.

Hàng triệu người Ấn Độ căm ghét một thế lực gọi là mafia nước – những băng đảng địa phương ngang nhiên bơm nước ngầm, ăn trộm nguồn nước công để bán và cố tình phá hoại dây dẫn và các xe bồn của nhà nước.

Theo báo Huffington Post, mâu thuẫn về nước đã xảy ra chính trong lòng Ấn Độ. Có 6 bang khác nhau cùng giành giật nguồn nước từ 3 con sông Yamuna ở miền bắc, Narmada ở miền trung tây và sông Cauvery ở miền nam. Trong khi đó, Ấn Độ cũng xung đột về nước với Pakistan và Bangladesh.

Nhiều nơi chính quyền địa phương phải cắt cử bảo vệ có vũ trang để bảo vệ các hồ chứa nước, ngăn chặn trộm cắp. Tháng 3-1018, bang Gujarat đã ngừng cung cấp hồ thủy lợi để đảm bảo có đủ nước sinh hoạt.

Các nhóm mafia nước có sự hỗ trợ của cảnh sát và quan chức địa phương nên không ai có thể ngăn cản chúng

Ông Anuj Porwal (nhà vận động xã hội ở Sangam Vihar, Delhi) tiết lộ

Biến đổi khí hậu là lý do chính

 

Bên cạnh vấn đề dân số, biến đổi khí hậu được cho là nhân tố chính trong cuộc khủng hoảng nước của Ấn Độ. Mùa hè nóng như thiêu đốt trong khi mùa đông ngắn làm giảm độ phủ tuyết và những dòng sông băng đang thoái lui ở dãy Himalaya. Băng tan ra từ những khu vực này là dự trữ cho các con sông phía bắc của đất nước.

Tình trạng ô nhiễm ngoài tầm kiểm soát đã biến hàng ngàn nguồn nước thành ổ bệnh và bãi rác. Sông Hằng, một trong những con sông nổi tiếng và quan trọng nhất của Ấn Độ, đang trong tình trạng ô nhiễm khủng khiếp buộc Thủ tướng Narendra Modi phải cử một tổ công tác tìm cách làm sạch dòng sông. Ở phía nam, hồ Bellandur của Bangalore độc hại đến mức các vụ cháy khí mêtan thường xuất hiện trên mặt nước.

Nông nghiệp là ngành sản xuất tiêu thụ đến 90% nước của Ấn Độ. Khoảng 800 triệu người Ấn Độ sống dựa vào nông nghiệp và nước là tài nguyên tối quan trọng cho nguồn sống của họ.

Hiện nay nông dân Ấn Độ vừa chậm chuyển đổi sang các công nghệ tiết kiệm nước vừa gắn liền với những cây trồng cần nhiều nước như lúa và mía ở những vùng thường bị khô hạn. Họ phải bơm nước ngầm để dùng và từ đó làm hạ mực nước ngầm của cả nước, tạo ra một bi kịch lớn không kém. Mực nước ngầm của Ấn Độ đã bị giảm đến 61% từ năm 2007 đến 2017.

Quản lý nước kém ở Ấn Độ thể hiện ở nhiều khía cạnh. Một nghiên cứu về hệ thống nước ở Delhi vài năm trước ghi nhận 40% nước của thành phố bị thất thoát do rò rỉ đường ống và trộm cắp.

Tạp chí Time trích số liệu của chính phủ cho biết trong 30 năm tới, mỗi hộ gia đình Ấn Độ sẽ có khoảng 1,1 triệu lít nước mỗi năm, giảm từ mức 1,8 triệu lít năm 2011. Theo định nghĩa của Liên Hiệp Quốc, một quốc gia bị xem là khan hiếm nước nếu lượng nước bình quân đầu người dưới 1.000m3 (tương đương 1 triệu lít)/người/năm.
 
 

HỒNG VÂN