13/01/2025

6,5 tỉ USD vốn ngoại đổ vào bất động sản

Bất động sản là ngành đứng thứ hai thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam.

 

6,5 tỉ USD vốn ngoại đổ vào bất động sản

Bất động sản là ngành đứng thứ hai thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam.


 
 
 

Vốn ngoại vào bất động sản tiếp tục tăng /// Lê Quân

Vốn ngoại vào bất động sản tiếp tục tăng  LÊ QUÂN

 
Báo cáo từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy từ đầu năm đến hết tháng 11, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản đạt 6,5 tỉ USD, chiếm 21,3% tổng vốn FDi đầu tư vào Việt Nam. Đây là lĩnh vực đứng thứ hai thu hút vốn ngoại chỉ sau ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.  
 
Góp phần vào dòng vốn FDI ở lĩnh vực bất động sản trong năm nay tiêu biểu là dự án thành phố thông minh tại xã Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 14.7.2018, tổng vốn đầu tư 4,138 tỉ USD do Sumitomo Corporation (Nhật Bản) đầu tư với mục tiêu xây dựng khu đô thị thông minh, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội…
 
Tính chung lũy kế đến ngày 20.11, cả nước có 27.065 dự án vốn FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 337,8 tỉ USD. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với 193,6 tỉ USD, chiếm 57,3% tổng vốn đầu tư. Lĩnh vực bất động sản cũng đứng thứ hai với 57,9 tỉ USD, chiếm gần 17,1% tổng vốn đầu tư.
 
Nếu so với 10 năm trước, vốn FDI đổ vào thị trường bất động sản chỉ chiếm khoảng 10% tổng nguồn vốn này rót vào Việt Nam thì lĩnh vực này đã có sức hút lớn với các nhà đầu tư ngoại. Theo các chuyên gia, dòng vốn FDI tiếp tục bổ sung nguồn vốn quan trọng cho lĩnh vực bất động sản trong xu thế ngân hàng đang dần hạn chế cấp tín dụng cho hoạt động này. Từ đó giúp nguồn cung vẫn phong phú, đa dạng và theo chuẩn quốc tế.
 
Tuy nhiên, theo Cục Đầu tư nước ngoài, chính sách thương mại Mỹ – Trung căng thẳng như hiện nay sẽ có khả năng ảnh hưởng tới đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới. Việc Mỹ áp thuế với Trung Quốc có thể dẫn tới xu hướng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang các quốc gia ổn định hơn. Với ưu thế về vị trí địa lý, chính sách, Việt Nam có thể sẽ là ưu tiên khi Trung Quốc chuyển hướng đầu tư. Đây vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức đối với Việt Nam bởi cùng với xu hướng chuyển dịch đầu tư nêu trên, Việt Nam cần có đối sách thận trọng trong việc cấp phép và kiểm soát đầu tư, đảm bảo có chọn lọc.


M.PHƯƠNG